Thương mại Việt Nam – Hà Lan đạt kết quả khả quan nhờ EVFTA
Trong những năm gần đây, Hà Lan luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) bởi đây là thị trường cửa ngõ và là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất vào châu Âu, giúp kết nối các cảng và khu công nghiệp với châu Âu.
Hàng hóa nhập khẩu vào Hà Lan ngoài việc phục vụ tiêu thụ nội địa của thị trường này, còn một lượng lớn hàng hóa được tái xuất khẩu sang các quốc gia EU khác. Năm 2010, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hà Lan mới chỉ đạt 2,2 tỷ USD, năm 2015 đã tăng lên 5,5 tỷ USD và đến năm 2019 đạt 7,5 tỷ USD. Trong năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khiến hoạt động thương mại giữa hai nước giảm trong hơn nửa đầu năm, nhưng tính chung cả năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hà Lan vẫn tăng 1,5% so với năm 2019, lên 7,7 tỷ USD nhờ bứt phá trong giai đoạn từ tháng 8/2020 - thời điểm sau khi EVFTA có hiệu lực. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Hà Lan tăng 1,7% so với năm 2019 lên gần 7 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu giảm nhẹ 0,6% xuống 657 triệu USD.
Ảnh minh họa
Xuất siêu của Việt Nam sang Hà Lan cũng tăng mạnh, từ 1,2 tỷ USD trong năm 2010 đã tăng gấp 5,5 lần, lên tới 6,4 tỷ USD trong năm 2020. Trong những tháng đầu năm 2021, cùng với những tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, hoạt động thương mại giữa Việt Nam - Hà Lan tiếp tục đạt những kết quả khả quan cho dù các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với khó khăn trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giá cước vận tải liên tục tăng lên những mức cao kỷ lục.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hà Lan đạt 4,2 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 15% tỷ trọng trên tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với toàn khối EU. Trong đó, Việt Nam xuất siêu sang Hà Lan đạt 3,6 tỷ USD, tăng 21% so với mức 2,9 tỷ USD của cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, Hà Lan hiện là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam trong toàn khối EU.
Về xuất khẩu: Trong quý II/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hà Lan đạt 1,97 tỷ USD, tăng 3,3% so với quý I/2021, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hà Lan trong 6 tháng đầu năm 2021 lên gần 3,9 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 18,3% sang toàn khối EU trong cùng thời gian. Kết quả này phần nào cho thấy việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA bước đầu đã đem lại hiệu quả trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hà Lan.
Nhóm công nghiệp chế biến: Tương tự như cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang hầu hết các thị trường khác trong EU, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hà Lan phần lớn là các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến. Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm công nghiệp chế biến sang thị trường Hà Lan đạt 3,34 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hà Lan.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hà Lan gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện, giày dép, dệt may, hạt điều; túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù … Trong đó, nhiều mặt hàng vốn đã có lợi thế được hưởng mức thuế ưu đãi rất thấp từ chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và hiện được hưởng tiếp các mức lãi suất về 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
Trong 6 tháng qua, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng công nghiệp chế biến chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hà Lan đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá. Dẫn đầu là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 868,6 triệu USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 22,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Ngoài ra, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao, đạt 668,5 triệu USD, tăng tới 74,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 17,2% tỷ trọng.
Nhóm nông, thủy sản: Mặc dù các mặt hàng nông, thủy sản đang được hưởng lợi từ EVFTA với mức thuế suất xuất khẩu bằng 0% hoặc giảm rất sâu, nhưng kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, thủy sản sang Hà Lan trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 345,7 triệu USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8,9% tỷ trọng trên tổng xuất khẩu sang Hà Lan.
Hiện Hà Lan là thị trường xuất khẩu hạt điều, rau quả và thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại EU với kim ngạch chiếm 53% đối với hạt điều và rau quả, chiếm gần 21% đối với mặt hàng thủy sản trên tổng xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hạt điều và rau quả sang Hà Lan đều giảm lần lượt 12,6% và 8,9% so với cùng kỳ năm trước xuống 168,5 triệu USD và 38,8 triệu USD. Ngoài ra, xuất khẩu cà phê cũng giảm 16,9% trong khi xuất khẩu thủy sản chỉ tăng nhẹ 4,8%.
Bên cạnh những nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động vận tải gặp khó khăn cũng như ảnh hưởng từ “thẻ vàng” IUU đối với xuất khẩu thủy sản khai thác, xuất khẩu nông, thủy sản sang Hà Lan trong 6 tháng qua cũng gặp nhiều trở ngại trước các biện pháp kiểm soát chặt hơn đối với thực phẩm nhập khẩu theo quy định mới EU 2020/2236, có hiệu lực từ ngày 21/4/2021. Ngoài ra, yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm của EU nói chung và Hà Lan nói riêng rất khắt khe, những tiêu chuẩn cũng ngày càng cao, tần suất giám sát, kiểm tra cũng cao hơn các thị trường khác.
Xuất khẩu hàng hóa sang Hà Lan dự kiến sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khả quan trong thời gian tới Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu ngoại khối lớn thứ 9 của Hà Lan và lớn thứ nhì trong khu vực ASEAN (chỉ đứng sau Malaysia). Mặc dù vậy, tỷ trọng hàng Việt Nam tại Hà Lan còn khá khiêm tốn.
Theo số liệu của Eurostat, tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam của Hà Lan đạt 2,47 tỷ EUR, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ chiếm 1,3% tỷ trọng trên tổng nhập khẩu của Hà Lan, thấp hơn so với mức tỷ trọng chiếm gần 2% của kim ngạch nhập khẩu hàng Việt Nam trên tổng nhập khẩu của toàn khối EU. Với việc tận dụng tốt ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA, thị phần nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hà Lan đã cải thiện so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể: Thị phần mặt hàng giày dép của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hà Lan đã tăng từ 25,9% trong 4 tháng đầu năm 2020, lên 31% trong 4 tháng đầu năm 2021; thị phần hàng may mặc tăng từ 5,4%, lên 6,3%; thị phần sản phẩm từ sắt thép tăng từ 3,3%, lên 3,6%... Với những tiềm năng và thế mạnh của ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo, cộng với những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng các quy định khắt khe của EU, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng thị phần tại thị trường Hà Lan trong thời gian tới.
Trong đó, EVFTA với hàng loạt cam kết thuế quan ưu đãi đối với hầu hết các mặt hàng, cộng với nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu của EU đang có xu hướng phục hồi trở lại sẽ là yếu tố tác động lớn nhất trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hà Lan. Riêng đối với nhóm hàng nông, thủy sản: Hiện Việt Nam là thị trường ngoại khối cung cấp thủy sản lớn thứ 6 và cung cấp rau quả, sản phẩm đã qua chế biến lớn thứ 11 của Hà Lan.
Các đối thủ cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam tại thị trường Hà Lan là Ấn Độ, Ecuador và Philipin. Theo số liệu của Eurostat, trong 4 tháng đầu năm 2021, giá nhập khẩu trung bình các mặt hàng chủ lực như tôm và cá ngừ của Hà Lan từ những thị trường này đều thấp hơn so với mức giá nhập khẩu bình quân từ Việt Nam. Trong khi đó, Hà Lan cũng nhập khẩu chính nhóm rau quả và sản phẩm đã qua chế biến từ các thị trường thuộc châu Mỹ như Peru, Chile, Brazil, Hoa Kỳ hay Costa Rica nhờ sự cạnh tranh về giá và thời gian vận chuyển, nhất là đối với những sản phẩm trái cây tươi.
Vì vậy, để hàng nông sản, thủy sản Việt Nam thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường Hà Lan nói riêng và EU nói chung trong thời gian tới đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và giải những bài toán để có thể cạnh tranh được về giá. Với nhóm hàng công nghiệp tiêu dùng: Triển vọng xuất khẩu nhóm hàng tiêu dùng sang thị trường Hà Lan cũng khả quan khi chi tiêu tiêu dùng của người dân nước này đang có xu hướng tăng.
Theo thống kê của Cơ quan thống kê Hà Lan (CBS), trong tháng 6/2021, doanh thu lĩnh vực phi thực phẩm của nước này tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi sản lượng tiêu thụ (đã điều chỉnh bỏ sự thay đổi về giá) tăng 5,7%. So với tháng 6/2019, doanh thu nhóm hàng phi thực phẩm trong tháng 6/2021 đã tăng 17,8%. Trong đó, doanh thu nhóm hàng quần áo, giày dép và sản phẩm da tăng tháng thứ 4 liên tiếp và cũng cao hơn so với tháng 6/2019.
Doanh thu đồ nội thất và đồ đạc trong nhà, đồ giải trí, sản phẩm chăm sóc cá nhân, đồ nhà bếp cũng tăng. Tuy nhiên, tiêu thụ đồ điện tử gia dụng lại giảm so với tháng 6/2020, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với tháng 6/2019. Tiêu thụ đồ điện tử gia dụng giảm so với tháng 6/2020 chủ yếu do nhu cầu tháng 6/2020 tăng mạnh khi dịch Covid-19 khiến hầu hết người dân Hà Lan buộc phải ở nhà và làm việc từ xa.
Về nhập khẩu: Trong quý II/2021, nhập khẩu hàng hóa từ Hà Lan tiếp tục phục hồi với kim ngạch nhập khẩu đạt 184,6 triệu USD, tăng 18,8% so với quý I/2021, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hà Lan trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 340,1 triệu USD, tăng 11,6% và chiếm 4% tỷ trọng trên tổng nhập khẩu hàng hóa từ EU. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu từ Hà Lan chủ yếu là máy móc, thiết bị chiếm 19,8% tổng kim ngạch, tiếp đến là dược phẩm chiếm 10,6% và linh kiện ô tô chiếm 10,5%. Trong 6 tháng qua, cao su là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh nhất, tăng 989,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,2 triệu USD, chiếm 0,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hà Lan.