Mặt hàng áo jacket sớm được hưởng lợi thuế quan từ Hiệp định UKVFTA trong giai đoạn 2021 - 2025
Theo cam kết tại Hiệp định EVFTA và UKVFTA, giai đoạn 2021-2025, nhóm mặt hàng áo jacket sẽ là một trong những mặt hàng dệt may sớm được hưởng lợi thuế quan.
Nhiều dư địa thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng áo jacket sang Anh
Trong 02 năm thực thi ưu đãi (tháng 08/2020 - tháng 07/2022), kim ngạch xuất khẩu áo jacket từ Việt Nam sang UK đạt 382 triệu USD. Trong số các mặt hàng dệt may xuất khẩu sang UK, áo jacket có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, chiếm tới 29,2% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang UK. Trong số các thị trường xuất khẩu áo jacket của Việt Nam, thị trường UK có kim ngạch đứng thứ 08, chiếm 3,3% thị phần. Riêng trong năm thứ hai ưu đãi, kim ngạch xuất khẩu áo jacket đạt 233 triệu USD, tăng 56,8% so với năm thứ nhất ưu đãi.
Theo cam kết tại Hiệp định EVFTA và UKVFTA, giai đoạn 2021-2025, nhóm mặt hàng áo jacket sẽ là một trong những mặt hàng dệt may sớm được hưởng lợi thuế quan.
Cụ thể, áo jacket từ len đang thuộc lộ trình A, là nhóm được hưởng thuế 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực; áo jacket từ các vật liệu dệt khác đang thuộc lộ trình B2, là nhóm được giảm thuế về 0% sau 2 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; áo jacket từ bông/sợi tổng hợp đang thuộc lộ trình B4, là nhóm được giảm thuế về 0% sau 4 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Áo jacket là mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế và truyền thống về sản xuất hàng xuất khẩu và UK có nhu cầu nhập khẩu hàng năm cao. Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu áo jacket của Việt Nam sang UK so với tổng kim ngạch xuất khẩu áo jacket của Việt Nam và tổng kim ngạch nhập khẩu áo jacket của UK từ các thị trường trên thế giới còn khá khiêm tốn.
Theo số liệu từ uktradeinfo.com, trong 08 tháng năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu các phân nhóm HS có mặt hàng áo jacket của UK từ thế giới là tầm 7 tỷ USD. Các chủng loại nhập khẩu chủ yếu là HS 611020 (đạt 863 triệu USD, chiếm 12,4% kim ngạch nhập khẩu các phân nhóm HS có mặt hàng áo jacket của UK), HS 611030 (đạt 611 triệu USD, chiếm 8,8%), HS 620342 (đạt 566 triệu USD, chiếm 8,1%)…
Cụ thể UK nhập khẩu HS 611020 từ các thị trường chính là: Bangladesh (đạt 148 triệu USD, chiếm 17,1% kim ngạch nhập khẩu HS 611020), Trung Quốc (đạt 98 triệu USD, chiếm 11,4%), Italy (đạt 91 triệu USD, chiếm 10,5%),… Nhập khẩu từ Việt Nam đạt 12 triệu USD, chiếm 1,4%.
UK nhập khẩu HS 611030 từ các thị trường chính là: Trung Quốc (đạt 156 triệu USD, chiếm 25,5% kim ngạch nhập khẩu HS 611030), Bangladesh (đạt 109 triệu USD, chiếm 17,2%), Thổ Nhĩ Kỳ (đạt 88 triệu USD, chiếm 10%),… Nhập khẩu từ Việt Nam đạt 16 triệu USD, chiếm 2,7%.
Nghiên cứu phát triển các chủng loại áo với giá trị gia tăng cao
Hiện nay, các nước châu Âu đang đối mặt với mối lo ngại thiếu năng lượng cho mùa đông, nhu cầu đối với trang phục giữ ấm như áo jacket được dự báo sẽ tăng ổn định. Đây sẽ là nhóm mặt hàng còn nhiều dư địa để thúc đẩy xuất khẩu sang Anh trong thời gian tới.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong ngắn và trung hạn, khi người tiêu dùng UK đang có xu hướng giảm chi tiêu vì lạm phát, khó khăn kinh tế, việc tập trung phát triển xuất khẩu các chủng loại áo jacket đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, an toàn, môi trường, thị hiếu người tiêu dùng với giá thành phải chăng sẽ là hướng đi tối ưu cho doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng áo jacket.
“Trong dài hạn, khi vấn đề về lạm phát được giải quyết, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu phát triển xuất khẩu các chủng loại áo với trị giá gia tăng cao hơn phù hợp thị yếu của thị trường Anh để tận dụng dư địa thị trường”- Cục Xuất nhập khẩu cũng khuyến nghị.
Ngoài ra, o lượng rác thải từ quần áo cũ hàng năm rất lớn, nên Chính phủ cũng như người dân Anh gần đây đã chú trọng tới việc giảm thiểu vứt bỏ mặt hàng này, do đó, xu hướng sắp tới có thể là nghiên cứu, phát triển về các sản phẩm dệt may có độ bền cao, thân thiện với môi trường như hạn chế các sản phẩm có pha nilon,…mà tập trung vào các sản phẩm của nguồn gốc tự nhiên, dễ phân hủy, vì đây vẫn là xu hướng lâu dài, tiềm năng.
Cục Xuất nhập khẩu cũng đưa ra kịch bản tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng áo jacket từ Việt Nam sang UK giai đoạn 2022-2025. Theo đó, kịch bản 1, trong kịch bản tích cực khi nhu cầu toàn cầu phục hồi mạnh, chuỗi cung ứng hàng hoá được đảm bảo thông suốt, tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm sang UK có thể đạt 20-25%. Kịch bản 2, trong kịch bản trung bình khi nhu cầu toàn cầu phục hồi ở mức tương đối, chuỗi cung ứng hàng hoá được cải thiện một phần, tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm sang UK có thể đạt 10-12%. Kịch bản 3, trong kịch bản kém tích cực khi nhu cầu toàn cầu chưa được cải thiện, chuỗi cung ứng hàng hoá đứt gãy và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất thường (dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị, các biện pháp trừng phạt kinh tế giữa các quốc gia,..), kim ngạch xuất khẩu năm 2025 có thể chỉ tăng 5-10% so với năm 2021.