CPTPP: Tạo điều kiện mở rộng hợp tác thương mại Việt Nam – Mexico
Trong những năm qua, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Mexico không ngừng được mở rộng và phát triển, đặc biệt kể từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết và đi vào hiệu lực kể từ đầu năm 2019.
Sức hút của thị trường mới
Là nền kinh tế phát triển năng động, Mexico đang dần trở thành khu vực thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Song song đó, Việt Nam cũng trở thành một thị trường mới nổi được các doanh nghiệp Mexico ngày càng quan tâm. Hiện nay, Mexico là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mexico tại khu vực châu Á.
Trong những tháng đầu năm, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mexico có sụt giảm nhưng theo các chuyên gia thương mại điều này không thật sự đáng lo. Bởi đây là thị trường lớn khoảng 130 triệu dân và có đầy đủ phân khúc khách hàng từ cao cấp đến thấp cấp.
Mặt khác, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại Mexico mới chỉ đạt con số khiêm tốn khoảng 1,3% nên vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng.
Hơn nữa, Việt Nam và Mexico đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nên việc tận dụng những ưu đãi về thuế quan từ hiệp định này chính là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy thương mại giữa hai nước.
Theo đó, Mexico cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay từ ngày 14/1/2018, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Một số mặt hàng Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi về thuế trong hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mexico bao gồm cá tra, cá basa, cá ngừ, gạo và hàng dệt may. Đơn cử, đối với mặt hàng cá ngừ, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mexico tăng trưởng liên tục. Chỉ riêng trong tháng 4/2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng tới 117% so với cùng kỳ năm 2022, đạt gần 1,9 triệu USD. Tính lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang Mexico đạt gần 7,4 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2022.
Chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam-Mexico” do Trung tâm XTTM và đầu tư TP Hồ Chí Minh phối hợp Đại sứ quán Mexico tại Việt Nam tổ chức mới đây, Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm XTTM và đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, hằng năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico đều có mức tăng trưởng dương và cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Việt Nam. Đối với TP Hồ Chí Minh, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa địa phương này và Mexico đạt hơn 364 triệu USD. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh xuất khẩu sang Mexico hơn 300 triệu USD, tăng 6% so với năm 2022.
Đồng thời, theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm tháng 12/2022, Mexico là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ 116 trong tổng số 135 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với 4 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 0,17 triệu USD. Tuy con số còn khiêm tốn nhưng chứng tỏ tiềm năng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia còn nhiều dư địa phát triển, mở rộng trong thời gian tới. Riêng với Thành phố Hồ Chí minh, từ năm 1988 đến năm 2022, Mexico có 2 dự án đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh với tổng số vốn là 63.045 USD đứng 94/117 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Khai thác hiệu quả ưu đãi từ CPTPP
Chia sẻ về kinh nghiệm trao đổi thương mại hiệu quả với thị trường Mexico, bà Võ Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Thành phố Hồ Chí Minh (HLA) nhấn mạnh, Mexico kết nối giữa Đại Tây Dương và châu Á - Thái Bình Dương, có bờ biển dài nên rất thuận lợi cho giao thương và vận chuyển hàng hoá bằng đường biển.
Với lợi thế đều là thành viên CPTPP, Mexico đã cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Nhờ đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, cà phê, cao su, điện thoại và linh kiện, phụ tùng ô tô vào Mexico thời gian gần đây đạt mức tăng trưởng khá cao từ 27 - 65%. Ngược lại, Mexico cũng từng bước đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thịt bò, thịt lợn, nông sản, đồ uống vào Việt Nam.
Theo bà Võ Thị Phương Lan, để đạt được hiệu quả kinh tế trong giao thương hàng hoá, các doanh nghiệp cần tối ưu hóa chi phí logistics bằng cách sử dụng chuỗi dịch vụ logistics tích hợp: khai báo hải quan, vận chuyển nội địa, vận chuyển quốc tế, kho bãi... Đồng thời, tối ưu vận tải, sử dụng container nhập hàng để đóng hàng xuất khẩu giúp doanh nghiệp giảm 50% chi phí vận chuyển nội địa, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, nâng cao năng lực sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có biện pháp kiểm soát rủi ro trước, trong và sau thông quan (truy thu thuế và phạt vi phạm) bằng cách áp mã hàng hóa (HS code) một cách chính xác.
Các chuyên gia nhận định, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang rất quan tâm tới việc tăng cường trao đổi thương mại với thị trường Mexico giàu tiềm năng. Đây là thị trường dễ tính với dân số đông, sức tiêu thụ mạnh.
Đặc biệt, Mexico đang thực hiện đẩy mạnh chiến lược mở cửa nền kinh tế, cùng với việc củng cố quan hệ thương mại với các đối tác chiến lược, Mexico thúc đẩy mạnh mẽ việc tìm kiếm các thị trường mới như Mỹ Latinh và châu Á - Thái Bình Dương nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào đối tác truyền thống. Đáng chú ý, nhằm hỗ trợ chính sách mở cửa, Mexico đã thực hiện nhiều điều chỉnh quan trọng trong Luật Hải quan như đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa, áp dụng cửa sổ điện tử nhằm tự động hóa nhiều thủ tục ngoại thương.
Đối với các biện pháp vệ sinh an toàn động thực vật, Mexico đã xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để các bên liên quan có thể tiếp cận yêu cầu về vệ sinh an toàn động thực vật.
Cơ hội, tiềm năng là vậy, song để tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP mang lại, điều tiên quyết là tiếp cận thị trường doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường để đánh giá nhu cầu đối với sản phẩm, xác định lợi thế cạnh tranh, nắm vững những ưu đãi mà sản phẩm Việt Nam được hưởng tại thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, nghiên cứu các quy định về nhập khẩu hàng hóa, thuế, thủ tục hải quan, đặc biệt các quy định phi thuế quan như SPS (kiểm dịch động thực vật) và TBT (các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, dán nhãn)…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần chủ động hơn nữa tìm hiểu về Hiệp định CPTPP, hiểu sâu, rõ hơn về thuế nhập khẩu ưu đãi; sử dụng những nền tảng thương mại điện tử để giao lưu, kết nối hợp tác với các doanh nghiệp Mexico.