Lễ Khánh thành dự án hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình lô 102&106 giai đoạn 1
Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. Cùng tham dự còn có Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông Vận tải; Lãnh đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Thái Bình; Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Lãnh đạo và CBCNV Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (Chủ đầu tư dự án) và Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (Tổng thầu dự án); Lãnh đạo các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; các khách hàng, đối tác và đông đảo nhà báo, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu tại Lễ khánh thành |
Với mục tiêu phát triển PV GAS vững mạnh, an toàn, chất lượng, hiệu quả, hiện đại, một sự kiện quan trọng, đánh dấu mốc lịch sử về việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Khí Việt Nam lần đầu tiên khai thác và vận chuyển khí thiên nhiên từ ngoài khơi bể Sông Hồng vào bờ đã được công bố chính thức, khánh thành Chuỗi dự án bao gồm dự án trung nguồn “Hệ thống thu gom khí và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102&106, giai đoạn 1” do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giao cho Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS) làm chủ đầu tư, với mức đầu tư trong giai đoạn 1 là 91,7 triệu USD tương đương 1.925 tỷ đồng, và dự án hạ nguồn “Hệ thống phân phối khí thấp áp cho KCN Tiền Hải – Thái Bình” do PV GAS ủy quyền cho Công ty CP Phân phối Khí Thấp Áp Dầu khí Việt Nam (PVGas D) là Công ty Cổ phần của Tổng Công ty Khí Việt Nam làm chủ đầu tư với mức đầu tư là 62,11 Triệu USD tương đương 1.311 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức đầu tư của chuỗi dự án này là 3.236 tỷ đồng. Ngày 7/8/2015, Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV GAS đã tiến hành đón dòng khí đầu tiên từ ngoài khơi vào Tiền Hải – Thái Bình.
Từ năm 1981 đến nay, dòng khí công nghiệp đã được khai thác để đưa vào phục vụ cho phát điện và công nghiệp vật liệu xây dựng tại Khu công nghiệp Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, hiện tại, mỏ khí Tiền Hải đã vào giai đoạn suy giảm về sản lượng. Do đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) không ngừng tăng cường tìm kiếm và đã chuẩn bị bổ sung nguồn khí từ các Lô 102-106 và các mỏ khác.
Chuỗi dự án Hệ thống thu gom và vận chuyển khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102 & 106, giai đoạn 1 và dự án Hệ thống phân phối khí thấp áp cho KCN Tiền Hải -Thái Bình (sau đây gọi là Hệ thống Khí Hàm Rồng- Thái Bình) bao gồm: Phần trung nguồn với hệ thống tiếp nhận khí trên giàn Thái Bình, hệ thống đường ống dẫn khí từ giàn khí Thái Bình (Lô 102) về Trung tâm phân phối khí Tiền Hải (nằm trong KCN Tiền Hải - xã Đông Cơ - huyện Tiền Hải) với tổng chiều dài khoảng 24 km đi qua địa phận 3 xã Đông Cơ, Đông Minh và xã Nam Thịnh – huyện Tiền Hải – tỉnh Thái Bình, Khí thiên nhiên được chuyển qua phần hạ nguồn gồm hệ thống phân phối khí thấp áp cho khu công nghiệp Tiền Hải và Hệ thống nén khí cao áp (CNG) để vận chuyển bằng xe chuyên dụng đến các hộ công nghiệp xa khu công nghiệp Tiền Hải – Thái Bình.
Công trình được chính thức triển khai san lấp mặt bằng từ tháng 5/2014, đến tháng 8/2014 bắt đầu xây dựng các hạng mục công trình, tháng 5/2015 các công việc liên quan đến thiết bị cơ bản hoàn thành, đến 4/8/2015 công trình được các cơ quan đăng kiểm quốc tế DNV và Cục PCCC - Bộ Công An cấp phép cho hoạt động chạy thử. Công việc chạy thử 72 giờ bắt đầu vào ngày 7/8/2015 đã được thực hiện thành công, ấn định thời điểm đưa dòng khí đầu tiên từ ngoài khơi bể Sông Hồng vào đất liền.
Các đại biểu cắt băng khánh thành dự án |
Công trình là một dấu mốc quan trọng trong việc hình thành cơ sở hạ tầng của ngành công nghiệp khí tại khu vực phía Bắc, từng bước hiện thực hóa “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến 2015 định hướng đến 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 và đáp ứng mục tiêu của “Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025”. Việc đưa cụm công trình vào vận hành đúng tiến độ sẽ đóng góp một cách tích cực vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế tại khu vực miền Bắc nói chung và kinh tế của tỉnh Thái Bình nói riêng. Ngoài ra, việc bổ sung nguồn nhiên liệu khí thiên nhiên mỏ Thái Bình còn góp phần giảm sức ép nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các nhiên liệu FO, DO, LPG
Trong giai đoạn 1, Hệ thống Khí Hàm Rồng – Thái Bình sẽ tiếp nhận và phân phối đến các hộ tiêu thụ qua kênh phân phối khí thấp áp, CNG với sản lượng khí ước tính khoảng trên 560.000 m3 khí/ngày đêm (khoảng trên 200 triệu m3 khí/năm). Áp suất làm việc của hệ thống khí từ 35-45 Kg/cm2.
Mục đích của Hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình là cung cấp khí cho khu Công nghiệp Tiền Hải – tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy kinh tế của địa phương và khu vực phía Bắc, đây cũng là chiến lược mở rộng thị trường khí ra phía miền Bắc Việt Nam của Tổng Công ty Khí Việt Nam.
Việc triển khai thành công Hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình đã khẳng định vị thế và uy tín của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam, từng bước xây dựng thương hiệu của Tổng Công ty Khí Việt Nam tại thị trường miền Bắc.
Điều thành công nhất của dự án mang lại được đó chính là những hiệu quả tích cực không chỉ trên khía cạnh kinh tế mà còn trên cả khía cạnh xã hội cho tỉnh Thái Bình và khu vực miền Bắc: Dự án cung cấp KTA cho Khu Công nghiệp Tiền Hải và CNG cho các KCN khu vực Bắc Bộ trước mắt sẽ góp phần giải bài toán về sự thiếu hụt khí thiên nhiên trong sản xuất công nghiệp, cung cấp khí cho Khu công nghiệp Tiền Hải - tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận. Sử dụng khí thiên nhiên trong sản xuất công nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được một phần chi phí so với việc sử dụng các nguồn nhiên liệu khác như giảm chi phí nhiên liệu, giảm chi phí bảo vệ môi trường và chi phí bảo trì bảo dưỡng thiết bị từ đó tạo được những lợi thế cạnh tranh so với các đơn vị sản xuất khác.
Với lợi thế này, Khu Công nghiệp Tiền Hải đang trở thành khu công nghiệp sử dụng khí trọng điểm tại thị trường miền Bắc, lấy khí làm cơ sở để phát triển và thu hút thêm các nhà đầu tư, phát triển ngành công nghiệp khí tại khu vực Bắc Bộ. Hiện tại Quy hoạch Khu Công nghiệp Tiền Hải là 250 ha, nhưng do có nguồn khí thiên nhiên nên tỉnh đã đánh giá tiềm năng phát triển khu công nghiệp và trình chính phủ xin phê duyệt mở rộng lên đến 450ha đất quy hoạch Khu công nghiệp Tiền Hải. Hiệu ứng lan tỏa từ các khách hàng sử dụng khí thiên nhiên tại Khu Công nghiệp Tiền Hải sẽ giúp đa dạng hóa các khách hàng tiêu thụ khí, tăng sản lượng tiêu thụ khí trong tương lai. Bên cạnh đó dự án cũng sẽ đóng góp một cách tích vào sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế tại khu vực miền Bắc nói chung và kinh tế của tỉnh Thái Bình nói riêng: Nhà nước/địa phương sẽ được bổ sung nguồn thu ngân sách từ Thuế GTGT và Thuế Thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác.
Trong tương lai, với việc các khách hàng tiêu thụ khí ngày càng nhiều, dự án sẽ tiếp tục góp một phần trong việc tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động tại tỉnh Thái Bình và khu vực lân cận. Một tác động cũng không kém phần quan trọng của dự án đó là góp phần tích cực trong việc giảm thiểu phát thải độc hại ra môi trường vì khí thiên nhiên là một nhiên liệu rất sạch. Sử dụng khí thiên nhiên trong ngành công nghiệp là một cách sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất nước. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam cam kết sẽ quản lý và vận hành công trình an toàn, ổn định và có hiệu quả kinh tế cao đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và khu vực trong trước mắt cũng như về lâu dài.
Các bên chính tham gia dự án bao gồm - Nhà thầu lập thiết kế cơ sở (“Basic Design”) và lập dự án đầu tư: Công ty Quản lý dự án Khí thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam; - Đơn vị thay mặt chủ đầu tư quản lý dự án: Công ty Quản lý dự án Khí (thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam). - Tổng thầu EPC: Tổng Công ty CP dịch vụ kỹ thuật Dầu Khí (PTSC); - Nhà thầu đăng kiểm quốc tế: Det Norske Veritas (DNV); - Nhà thầu giám định hang hải: Công ty TNHH Braemar Technical Services (Offshore) Việt Nam - Nhà thầu Bảo hiểm xây dựng, lắp đặt công trình: Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu Khí Việt Nam (PVI). - Nhà thầu nghiên cứu đánh giá tác động môi trường và công tác hậu kiểm: Trung Tâm nghiên cứu và phát triển An toàn và môi trường Dầu Khí (thuộc Viện Dầu Khí Việt Nam) - Nhà thầu thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công: +Hạng mục xây dựng: Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng); +Các hạng mục còn lại: Công ty Quản lý dự án Khí Các thông tin về tiêu thụ khí tính đến tháng 9/2015 - Sau thời điểm Gas-in thành công, các khách hàng KTA đã bắt đầu nhận khí theo đúng tiến độ đăng ký. Hiện đã có 11 khách hàng KTA nhận khí với tổng sản lượng tiêu thụ đạt 21,2 triệu feet khối (tương đương 600 ngàn Sm3). - Bên cạnh nhóm khách hàng KTA, các khách hàng CNG cũng đã bắt đầu nhận khí từ ngày 17/8 sau khi cụm máy nén CNG đi vào hoạt động. Hiện đã có 6 khách hàng CNG nhận khí với tổng sản lượng tiêu thụ đạt 26,8 triệu feet khối (tương đương 759 ngàn Sm3). - Tổng sản lượng tiêu thụ khí đến nay đạt khoảng 48 triệu feet khối (tương đương 1,3 triệu Sm3) và cung cấp cho tổng cộng 17 khách hàng KTA/CNG. - Dự kiến đến cuối năm 2015, có thêm khoảng 5 khách hàng KTA và 13 khách hàng CNG sẽ tiếp tục nhận khí theo đúng tiến độ đã đăng ký. Dự kiến tổng sản lượng khí tiêu thụ trong năm 2015 đạt khoảng 26 triệu Sm3, trong đó khách hàng KTA đạt khoảng 8,5 triệu Sm3 còn khách hàng CNG đạt khoảng 17,5 triệu Sm3. - Công tác phát triển khách hàng cũng đang được các đơn vị kinh doanh KTA/CNG của Tổng Công ty Khí Việt Nam đẩy mạnh. Song song với việc duy trì cung cấp khí cho nhóm khách hàng hiện hữu, các đơn vị kinh doanh cũng đã đang và sẽ tiếp tục đàm phán với các khách hàng mới nhận khí trong năm 2016. Dự kiến trong năm 2016 sẽ cấp được cho tổng cộng là 54 khách hàng và cụm công nghiệp với tổng sản lượng đạt khoảng 170 triệu Sm3 (KTA khoảng 37 triệu Sm3 và CNG khoảng 133 triệu Sm3).
|