“Cú hích” lớn thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - EU
Cơ hội lớn mở ra…
Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (28/11/1990), EU trở thành một trong các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư. Việc khởi động đàm phán FTA vào tháng 6/2012 và vòng đàm phán FTA đầu tiên vào tháng 10/2012 giữa EU và Việt Nam đã nâng mối quan hệ song phương giữa hai bên lên một tầm cao mới. Thị trường của EU vẫn đang mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm, hàng hóa từ Việt Nam.
EU hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 15-20%/năm. Đặc biệt, năm 2012, EU đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Bộ trưởng Nạp Tiền 188bet Vũ Huy Hoàng & Cao ủy Thương mại EU Karel De Gucht chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp thương mại tự do EU-VN tháng 6/2012 |
Ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán thương mại, Đại sứ quán EU tại Việt Nam đã từng khẳng định rằng, thỏa thuận FTA giữa Việt Nam và thị trường EU với 500 triệu người tiêu dùng sẽ mở ra một lối vào bền vững cho các sản phẩm và dịch vụ của hai bên. FTA sẽ mang đến cho Việt Nam không chỉ những lợi ích hữu hình mà còn mang lại những tác động tích cực rộng lớn hơn, giúp nâng cao vị thế sản phẩm Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì việc đàm phán FTA Việt Nam – EU sẽ mở ra giai đoạn phát triển vượt bậc về quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên. Tính bổ sung lẫn nhau về kinh tế thương mại rất rõ, lợi ích của hai bên tương đồng ở rất nhiều điểm.
Thật vậy, khi FTA Việt Nam - EU được thực hiện, thì ít nhất 90% các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được tự do hóa, tức là có mức thuế nhập khẩu bằng 0. Điều này đặc biệt có lợi với các ngành hàng chủ lực của Việt Nam đang phải chịu thuế cao khi xuất khẩu sang EU như: nông sản, thực phẩm, giày dép, may mặc… FTA kỳ vọng hoạt động thương mại sẽ được đẩy mạnh hơn, cũng như mang lại sự an toàn hơn trong quá trình đầu tư của doanh nghiệp, các rào cản thương mại sẽ giảm dần, thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ cho cả hai bên trong tương lai.
Đối với Việt Nam, FTA với EU sẽ là một “cú hích” quan trọng để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy thương mại với EU, khi nhu cầu nhập khẩu của EU từ Việt Nam phần lớn là giày da, dệt may, cà phê, đồ gỗ, thủy sản. Đó đều là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế so sánh và đã tạo được uy tín khá vững chắc đối với người tiêu dùng EU. Trong khi đó, Việt Nam cần nhập khẩu các mặt hàng máy móc thiết bị, dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may da giày, sắt thép và phân bón từ EU.
Bên cạnh đó, về đầu tư, FTA Việt Nam - EU không chỉ giúp thu hút đầu tư hơn nữa của EU vào Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất hàng công nghệ cao tăng lên mà còn thúc đẩy dòng vốn FDI của EU vào những lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao mà nền kinh tế Việt Nam đang rất cần như dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, năng lượng, viễn thông, cảng biển và vận tải biển nhờ giảm bớt các điều kiện đối với các nhà cung cấp dịch vụ của EU. Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại khu vực ASEAN. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam.
…để vượt qua thách thức
Tuy nhiên, việc tham gia FTA Việt Nam - EU cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng hàng hóa. Bởi lẽ EU là một trong những đối tác đặt ra yêu cầu rất cao về tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, bảo vệ môi trường... Thêm vào đó, FTA cũng sẽ đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm các mặt hàng đáp ứng được yêu cầu về an toàn đối với sức khỏe, bảo đảm kỹ thuật...
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam có sự chênh lệch nhất định về trình độ kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, quản trị và hệ thống thể chế... Đây là khoảng cách không nhỏ để vượt qua khi châu Âu luôn đòi hỏi yêu cầu chuẩn cao hơn mà Việt Nam cần phải rất cố gắng để đáp ứng được. Do vậy, quá trình này cần phải có những cải cách thể chế thích hợp, tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển tốt hơn.
Bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế, Việt Nam và EU đã đạt được đồng thuận và thống nhất lộ trình cho phiên đàm phán tiếp theo vào khoảng tháng 4/2013. Tuy rằng khó khăn, nhưng đây cũng được xem là cơ hội, tạo tiền đề để phát triển lâu dài cả về lượng và chất khi cả hai bên đều đang nỗ lực cải cách, biến khó khăn thành động lực, mạnh dạn hơn, quyết tâm hơn để đi qua khó khăn, đi lên bước phát triển mới, tiến tới kết thúc đàm phán vào năm 2014.