Thủy điện Sơn La: Nơi kết tinh trí và lực Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tượng trưng chìa khóa vàng cho ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc điều hành Nhà máy thủy điện Sơn La. |
Không kể đến những nỗ lực không ngừng để công trình hoàn thành trọn vẹn, không tính đến khoản tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng từ việc đưa dự án về đích sớm, chỉ tính đến việc công trình này được xây dựng bằng biết bao mồ hôi, xương máu và trí lực của người Việt đã thấy nhiều lắm những tự hào.
Xuất sắc về đích trước 3 năm
Công trình thủy điện Sơn La là công trình quan trọng quốc gia, được khảo sát, quy hoạch, thiết kế từ những năm tám mươi của thế kỷ trước. Qua hơn 10 năm nghiên cứu, với sự tham gia của hơn 500 kỹ sư, kỹ thuật viên chuyên ngành khảo sát thiết kế, Báo cáo tiền khả thi của dự án đã được lập và trình Chính phủ năm 1996. Tháng 12/2002, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XI đã quyết nghị thông qua chủ trương, nhiệm vụ và tiến độ đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La phù hợp với quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đà gồm 3 bậc: Hoà Bình - Sơn La thấp - Lai Châu. Theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định đầu tư của Chính phủ, Dự án thủy điện Sơn La phải khởi công xây dựng vào năm 2005, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2012 và hoàn thành công trình vào năm 2015.
Tuy nhiên, sớm hơn thời hạn được Quốc hội đưa ra đến 3 năm, ngày 23/12/2012, tại Sơn La, công trình thủy điện này đã chính thức hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia. Nhờ vận hành sớm hơn 3 năm so với dự kiến, mỗi năm công trình thủy điện Sơn La sẽ tạo ra doanh thu 500 triệu USD, tiết kiệm hơn 5 triệu tấn than để sản xuất ra lượng điện năng tương đương.
Chia sẻ về lý do giúp dự án “về đích” sớm đến 3 năm, ông Nguyễn Hồng Hà – Trưởng ban quản lý dự án thủy điện Sơn La cho biết: Thông thường, sau khi được phê duyệt, các công trình thủy điện thường mất khoảng 2 năm chuẩn bị cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông trong công trường, hệ thống cấp điện, cấp nước phục vụ thi công, thông tin liên lạc, giải phóng mặt bằng, xây dựng lán trại, phụ trợ… Nhưng với ý chí quyết tâm rút ngắn tiến độ, bằng tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, EVN và Tổng thầu - Tổng công ty Sông Đà đã mạnh dạn đề xuất Chính phủ giải pháp “chuẩn bị hạ tầng trước khi có quyết định đầu tư và phê duyệt thiết kế, kết hợp việc khởi công với ngăn sông”. Đây là cách làm sáng tạo và chưa có tiền lệ ở các công trình thủy điện lúc bấy giờ. Cho đến ngày khởi công đã có 125km đường giao thông, 2 cây cầu bê tông bắc qua sông Đà, gần 200km đường dây tải điện 110-220kV, gần 60.000m2 nhà ở cho khoảng 6.000 công nhân cùng hàng loạt công trình dẫn dòng, đê quai thượng lưu và hạ lưu… được hoàn thành. Bên cạnh đó, công tác di dân, giải phóng mặt bằng công trường cũng đã được địa phương tích cực thực hiện. Để dành đất cho xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, trên 20.000 hộ phải di chuyển đến nơi tái định cư mới. Tuy nhiên, đồng bào các dân tộc một lòng ủng hộ dự án trọng điểm của Nhà nước nên đều tự giác nhường đất, chuyển nhà cho xây dựng công trình. Với sự chuẩn bị chu đáo, sáng ngày 2/12/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chính thức phát lệnh khởi công công trình thủy điện Sơn La, đồng thời cũng là ngày hội ngăn sông lần thứ nhất, mở ra thời kỳ thi công cao điểm trên công trường.
Tổ máy số 6, Nhà máy thủy điện Sơn La |
Nơi kết tinh trí và lực người Việt
Một công trường không ngủ, điện sáng thâu đêm, rộn vang tiếng máy với hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc ba ca liên tục, không kể ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật – nơi đây đã trở thành điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường. Dự án thủy điện Sơn La cũng là điểm nhấn về phát huy nguồn lực trong nước khi hoàn toàn do kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế và thi công, chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giám sát. Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, thực hiện vai trò quản lý dự án; có trên 10 nhà thầu thành viên do Tổng công ty Sông Đà làm tổng thầu tham gia thi công dự án; các thiết bị cơ khí thủy công do các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chế tạo.
Trong quá trình thiết kế, việc mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ mới, quyết định chuyển thiết kế đập từ bê tông trọng lực thông thường sang thiết kế đập trọng lực với kết cấu bê tông đầm lăn (RCC) cũng là yếu tố quan trọng giúp dự án về đích sớm. Đập dâng thủy điện Sơn La với chiều dài gần 1km, bề rộng đáy đập là 120m và chiều cao đến 138m là đường găng chính của công trình với khối lượng bê tông gần 5 triệu m3. Do đó,nếu không áp dụng công nghệ RCC thì phải mất gần mười năm, dự án mới hoàn thành. Công nghệ RCC cho phép giải quyết được khó khăn nhất khi sử dụng bê tông thông thường là xử lý ứng suất nhiệt, nguyên nhân gây ra nứt nẻ bê tông. Đặc biệt, Công ty Tư vấn xây dựng điện 1 đã có các đề xuất quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình là sử dụng tro bay trong bê tông đầm lăn; đề xuất điều chỉnh tuyến đập từ vị trí là Tạ Pú, Pa Vinh sang tuyến đập Pa Vinh 2 giúp không phải di dời khoảng 10.000 cư dân huyện Mường La. Việc sử dụng tro bay, loại vật liệu thải ở nhà máy nhiệt điện, trong bê tông đầm lăn đã giảm khối lượng xi măng dùng cho một mét khối bê tông giảm từ khoảng 200kg xuống còn 60kg cũng mang hiệu quả lớn cho công trình. Với dây chuyền này, cùng với hệ thống phun sương hỗ trợ, duy trì ở nhiệt độ 220C, tạo độ ẩm cần thiết đảm bảo chất lượng cho bê tông… nên năng suất đổ bê tông mỗi ngày đạt 5.500-6.000m3, cao điểm có thể đạt tới 8.000m3/ngày. Đặc biệt, dù thi công công nghệ bê tông đầm lăn ở quy mô lớn lần đầu tiên nhưng Tổng công ty Sông Đà đã hoàn thành mục tiêu trước thời hạn, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam đã lắp đặt chính xác, an toàn trên 72 ngàn tấn thiết bị các loại… tạo điều kiện cho công trình về đích trước 3 năm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác có các đóng góp lớn cho quá trình xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La, như: Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Viện Nghiên cứu cơ khí, Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp, Tổng công ty Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung... đều đã góp phần thực hiện vượt tiến độ của dự án. Bên cạnh đó, ngoại trừ thiết bị cơ điện, hệ thống phân phối 500kV và một phần thiết bị thủy công phải nhập khẩu (chiếm 19% vốn đầu tư công trình), còn lại các khâu tư vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị cơ khí thủy công, xây lắp, hoàn thiện công trình đều do phía Việt Nam thực hiện.
Thủy điện Sơn La,công trình thế kỷ - niềm tự hào của trí và lực Việt Nam |
Ở công trình thủy điện Sơn La, một trong những thiết bị “khổng lồ” cả về quy mô lẫn độ quan trọng là chiếc cần cẩu 1200 tấn do Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) thiết kế. Ít ai biết rằng, để nhận được “đơn hàng” làm thiết bị này, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung Nguyễn Tăng Cường đã phải “đánh cược” toàn bộ những gì ông có. Bởi nếu thành công thì không sao, nếu không may thiết bị gặp trục trặc kỹ thuật, làm vỡ đập, 28 triệu dân ở hạ lưu, trong đó có thủ đô Hà Nội sẽ bị chìm trong biển nước. “Ở thời điểm đó, tôi đánh cược với toàn bộ tính mạng, tài sản và danh hiệu Anh hùng Lao động để khẳng định là tôi làm được” – ông Cường chia sẻ. Và trong buổi lễ thả Roto tổ máy số 1, khi chiếc cần cẩu 1.200 tấn được nâng lên cũng là khoảnh khắc trí tuệ Việt thăng hoa mà chắc rằng không ai chứng kiến sự kiện đó có thể quên.
Không giấu được niềm tự hào, ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN chia sẻ: Trong quá trình xây dựng, mặc dù gặp không ít khó khăn, vướng mắc tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng bằng sự đoàn kết, phát huy sáng kiến, khả năng làm chủ khoa học kỹ thuật của chủ đầu tư và các nhà thầu, sự phối hợp với các chuyên gia nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước, các đơn vị trên công trường đã vượt qua tất cả để hoàn thành công trình như ngày hôm nay. Có thể kể đến như việc thiết kế cầu trục chân cao, chân thấp để vừa lắp đặt, vừa thử khô các cửa van sửa chữa cửa xả sâu đập tràn, cửa van sửa chữa cửa nhận nước để đảm bảo tiến độ lắp đặt, nghiệm thu đưa vào sử dụng đáp ứng tiến độ phát điện tổ máy số 1 trong khi phần xây đập dâng, đập tràn, cửa nhận nước còn đang xây dở. Hay là việc hiệu chỉnh phương án vận tải qua bờ trái đập Hòa Bình kết hợp với việc điều chỉnh mực nước sông Đà tại hạ lưu thủy điện Hòa Bình để đảm bảo an toàn, chủ động thời gian vận chuyển các thiết bị siêu trường siêu trọng như máy biến áp nặng 280T, bánh xe công tác nặng 210T, đáp ứng tiến độ lắp đặt các tổ máy trong điều kiện hạn hán năm 2009-2010, khi sông Hồng có mực nước thấp nhất trong hơn 100 năm qua.
Như vậy, sau 7 năm kể từ ngày khởi công xây dựng, công trình thế kỷ - niềm tự hào của trí và lực Việt Nam đã chính thức hoàn thành. Rồi đây, những dòng điện tỏa đi từ công trình này sẽ góp một phần lớn vào sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước. Có lẽ vì lý do đó mà ở nơi đây, mùa xuân dường như đang đến sớm.