Xu hướng tiêu dùng và phát triển ngành công nghiệp thực phẩm tại các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC)
Dân số khu vực GCC dự kiến sẽ tăng từ mức 41,7 triệu người lên mức 49,9 triệu người trong năm 2017. GDP khu vực GCC dự kiến tăng từ mức 1,1 tỉ USD trong năm 2010 lên mức 1,8 tỉ USD vào năm 2017. Theo báo cáo mới nhất nghiên cứu về ngành công nghiệp thực phẩm của khối GCC, xu hướng tiêu dùng thực phẩm của khu vực này trong thời gian tới như sau:
Nhu cầu sử dụng thực phẩm đóng gói tăng cao
Xuất phát từ số lượng người nhập cư ngày càng nhiều vào khu vực GCC và thị hiếu tiêu dùng của người trẻ tuổi tại khu vực này, thị trường thực phẩm đóng gói tại GCC đang nở rộ với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và mức độ an toàn thực phẩm. Thực phẩm đóng gói được sử dụng rộng rãi và đa dạng như thực phẩm đã nấu chín, thực phẩm đóng hộp, đông lạnh, chế biến, sơ chế và đông lạnh. Đặc biệt, người tiêu dùng tại GCC rất quan tâ đến thông tin chính xác về chất lượng, thành phần, giá trị dinh dưỡng được in trên bao bì sản phẩm.
Hiện nay, Ả rập Xê-út và UAE là 2 thị trường thực phẩm đóng gói lớn nhất khu vực vùng Vịnh, với giá trị bán lẻ lần lượt đạt 18,4 tỉ USD và 3,0 tỷ USD trong năm 2013. Tăng trưởng bán lẻ thực phẩm đóng gói tại những nước này hàng năm tăng nhanh ở mức 10,2% và 7,2% trong giai đoạn 2009-2013. Thị trường bán lẻ thực phẩm đóng gói của khu vực GCC thu về 25 tỉ USD trong năm 2013 và dự kiến đến năm 2018 sẽ tăng trung bình 8,5% mỗi năm. Hai mặt hàng thực phẩm đóng gói được tiêu thụ nhiều nhất trong khối GCC là bánh ngọt (chiếm 30%) và sản phẩm bơ sữa (chiếm 25%).
Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phát triển hơn nữa
Do đặc thù phụ thuộc nhiều vào thực phẩm nhập khẩu nên nhu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tại các nước GCC cũng tăng lên để phục vụ tiêu thụ trong khối hoặc tái xuất. Thị trường thực phẩm chế biến chiếm hơn một nửa tỏng lượng thực phẩm được sử dụng tại các nước vùng Vịnh. Các dịch vụ, sản phẩm có liên quan như máy chế biến thực phẩm, sản phẩm đóng gói, dịch vụ logistics cũng được sử dụng nhiều hơn. Các nước GCC hy vọng bằng việc tập trung phát triển ngành chế biến thực phẩm và phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng sẽ giúp giảm phần nào sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu thực phẩm trong tương lai.
Chính phủ các nước GCC hiện đang khuyến khích các nhà sản xuất thực phẩm trong khu vực và trên thế giới thiết lập các cơ sở sản xuất thực phẩm chế biến mới. Là 2 quốc gia có dân số đông nhất khu vực, Ả-rập Xê-út và UAE đang là hai trung tâm phát triển ngành thực phẩm chế biến lớn nhất tại GCC. Ngoài ra, một số nước GCC khác như Ca-ta cũng đã tuyên bố kế hoạch xây dựng khu nông nghiệp phát triển ngành công nghiệp chế biến và Ô-man cũng đang bắt đầu xây dựng cụm nhà máy thực phẩm chế biến.
Ưa chuộng sử dụng thực phẩm hữu cơ và thực phẩm có lợi cho sức khỏe
Trong những năm gần đây, chứng béo phì của người trưởng thành tại khu vực GCC đã tăng lên mức báo động, đặc biệt là chứng béo phì ở phụ nữ tại Cô-oét và Ca-ta. Phong cách sống tại thành thị và xu hướng sử dụng thực phẩm chế biến nhiều được coi là những nguyên nhân chính của việc gia tăng tỷ lệ béo phì tại các nước GCC, qua đó cũng làm tăng tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường và tim mạch tại khu vực này.
Trước thực trạng nói trên, người dân GCC đang ngày càng chú trọng đến việc tăng cường sử dụng thực phẩm có lợi cho sức khỏe, có nguồn gốc hữu cơ và có tác dụng giảm cân. Chợ thực phẩm hữu cơ tại khu vực vùng Vịnh đạt doanh thu 300 triệu USD trong năm 2009 và dự báo sẽ đạt mức 1,5 tỷ USD vào năm 2018. Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, Chính phủ các nước GCC đang khuyến khích nuôi trồng thực phẩm hữu cơ thông qua các biện pháp như thành lập một cơ quan nuôi trồng trực thuộc Bộ Nông nghiệp và một liên hiệp thực phẩm hữu cơ. Ả-rập Xê-út, quốc gia chiếm hơn 90% thị trường thực phẩm hữu cơ khu vực GCC năm 2009m đã xây dựng được hơn 110 nông trại hữu cơ tại nhiều nơi trong khu vực với diện tích 33.700 hecta vào cuối năm 2014 (tăng gấp hơn 10 lần so với 10 nông trại vào năm 2000). Xếp sau đó là UAE với 39 nông trại.
Ngoài ra, người dân GCC cũng ưa dùng các sản phẩm thực phẩm không chưa chất gluten (gluten-free) để tránh những bệnh về đường ruột và tiêu hóa.
Thực phẩm Halal được sử dụng nhiều hơn
Khu vực GCC là nơi có đa số dân là người theo đạo Hồi, do đó thực phẩm Halal rất được ưa chuộng. Sự gia tăng trong tiêu thụ sản phẩm thịt, sản phẩm chủ chốt trong số các sản phẩm thực phẩm Halal và dân số theo đạo Hồi ngày càng nhiều là những yếu tố làm nhu cầu sử dụng thực phẩm Halal tại khu vực GCC gia tăng mạnh mẽ. Dự kiến, giá trị thực phẩm Halal nhập khẩu vào GCC sẽ tăng gấp đôi từ 25,8 tí USD vào năm 2010 lên 53,1 tỉ USD vào năm 2020. Riêng tại UAE, dự kiến sản phẩm Halal nhập khẩu sẽ tăng nhanh ở mức 12,1% để đạt 8,4 ti USD vào năm 2020 so với mức 3 tỉ USD vào năm 2010. UAE cũng được coi là trung tâm lớn của thế giới về thực phẩm Halal với nhiều dự án phát triển thực phẩm Halal đã và đang được thực thi. Ngoài ra, nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm Halal nhập khẩu từ nước ngoài, UAE cũng ban hành giấy chứng nhận quốc gia quy định các tiêu chuẩn cũng như quy định nhằm giảm thiểu tối đa sự gián đoạn trong cung cấp thực phẩm Halal đến tất cả các nước trong khu vực GCC.
Tăng cường đầu tư nuôi trồng cá
Lượng cá được tiêu thụ bình quân đầu người tại khu vực GCC là 13,2kg, trong đó UAE và Ô-man là hai nước có lượng cá được tiêu thụ nhiều nhất, lần lượt là 24,5kg và 28,5kg (cao hơn so với mực trung bình của thế giới là 19,2kg). Nhu cầu tiêu thụ cá tại khu vực GCC dự báo sẽ còn tăng cao hơn nữa khi dân số tại đây ngày càng tăng và sở thích hướng tới tiêu thụ các sản phẩm giàu protein. Tuy vậy, dân số và nhu cầu đã vượt quá trữ lượng cá của các nước vùng Vịnh. Bên cạnh việc đánh bắt cá quá nhiều thì sự ô nhiễm tại Biển Đỏ cũng là nguyên nhân làm trữ lượng cá tại khu vực GCC giảm. Chính vì thế, hiện nay, Chính phủ các nước GCC đang khuyến khích đầu tư nuôi trồng thủy sản để đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó, ngành nuôi trồng thủy sản hiện nổi lên là phân khúc thực phẩm chế biến phát triển nhanh nhất tại khu vực. Trong số các nước GCC, Ả-rập Xê-út và Ô-man là hai quốc gia đầu tư mạnh nhất vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Bộ Nông nghiệp Ả-rập Xê-út đã đầu tư 10,6 tỉ USD vào các dự án liên quan với mục tiêu tăng sản lượng thủy sản từ 100.000 tấn trong năm 2012 lên 1 triệu tấn đến năm 2028. Chính phủ Ô-man cũng đã công bố kế hoạch đến năm 2020 đầu tư 1,3 tỷ USD vào việc phát triển nuôi trồng thủy sản.
Ứng dụng công nghệ cao để cải thiện sản xuất thực phẩm nội khối
Các quốc gia vùng Vịnh đang tích cực tìm hiểu và ứng dụng các công nghệ phát triển nhằm tăng sản lượng nông nghiệp, phục vụ nhu cầu của người dân. Hai trong số các công nghệ vượt trội mà các nước thành viên GCC đang sử dụng là thủy canh (hydroponics) và aquaponics (hệ thống sản xuất thực phẩm bằng cách phối hợp giữa nuôi trồng thủy sản thông thường (nuôi các loại thủy sản trong bể) với thủy canh trong một môi trường cộng sinh).
Hệ thống thủy canh giúp trồng cây mà không cần sử dụng đất thông qua việc sử dụng các khoáng chất gốc nước nuôi dưỡng cây. Hơn nữa, thông qua việc tái chế nước, công nghệ này giúp giảm 70-90% lượng nước cần sử dụng so với các biện pháp nông nghiệp thông thường. Ứng dụng trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất trồng và nguồn nước khan hiếm của các nước GCC thì thủy canh được coi là giải pháp hữu hiệu nhất để tăng sản lượng nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của khu vực.
Hệ thống aquaponics giúp chuyển chất thải của cá thành dưỡng chất nuôi cây trồng, và ngược lại, được dùng như bộ lọc sinh học cho nguồn nước. Aquaponics giúp giảm 90-99% lượng nước cần sử dụng so với các biện pháp nuôi trồng thủy sản thông thường. Đây được coi là công nghệ hữu cơ giúp giảm các hóa chất, tạo được lợi thế cạnh tranh so với các công nghệ khác, đặc biệt là trong bối cảnh người tiêu dùng quan tâm đến vấn đề sức khỏe.
Trước những diễn biến và xu hướng trong ngành công nghiệp thực phẩm tại các nước GCC như đã nêu ở trên, có thể thấy có nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm sang thị trường này cũng như xúc tiến đầu tư vào ngành công nghiệp thực phẩm tại đây.