Chính sách thuế quan của Thổ Nhĩ Kỳ
Thông tin chung
Đặc điểm chính của Liên minh thuế quan là hàng hóa được chuyển dịch tự do giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ mà không phải chịu thuế nhập khẩu hay hạn chế số lượng. Thổ Nhĩ Kỳ bãi bỏ toàn bộ các loại thuế và lệ phí nhập khẩu cũng như hạn chế số lượng đối với hàng công nghiệp của EU. Đối với các sản phẩm được nhập khẩu từ các nước thứ 3, Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng mức thuế bảo hộ quy định trong biểu thuế quan chung của EU, trừ một số sản phẩm được xếp vào diện nhạy cảm.
Liên minh thuế quan ban đầu mới điều chỉnh các sản phẩm công nghiệp và sản phẩm nông sản chế biến. Các sản phẩm nông nghiệp truyền thống sẽ được đưa vào thực hiện trong Liên minh thuế quan chỉ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận thực hiện chính sách nông nghiệp chung của EU. Do vậy, thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ loại bỏ các khoản thuế quan và lệ phí đối với các sản phẩm công nghiệp nhập khẩu từ EU. Đối với các sản phẩm nông nghiệp, Thổ Nhĩ Kỳ và EU thiết lập một hệ thống đối với các sản phẩm nông sản chế biến, qua đó có sự phân biệt giữa các sản phẩm có yếu tố cấu thành từ nông nghiệp và yếu tố công nghiệp để áp dụng đánh thuế đối với yếu tố cơ cấu nông nghiệp và miễn thuế đối với yếu tố cơ cấu công nghiệp hợp thành có trong sản phẩm này.
Sau khi Liên minh thuế quan có hiệu lực, giá trị trung bình của tỷ suất bảo hộ bình quân thông qua thuế nhập khẩu áp dụng cho các sản phẩm công nghiệp nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu và các nước EFTA giảm từ khoảng 10% xuống 0%. Đối với nhập khẩu từ các nước thứ 3, giảm từ khoảng 15% xuống 5,6%. Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện việc cắt giảm thuế nhập khẩu cho các nước thứ 3 khi Liên minh Châu Âu tiếp tục cắt giảm thuế nhập khẩu theo quy định của các vòng đàm phán WTO.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng áp dụng chính sách cạnh tranh và thương mại chung của Liên minh Châu Âu, giúp cho Liên minh thuế quan có hiệu quả hơn.
Đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ EU, mức thuế tính theo Liên minh thuế quan. Thuế tiêu thụ đặc biệt - VAT đánh vào hàng nhập khẩu theo mức tương ứng. VAT được tính trên cơ sở giá trị CIF cộng với các lệ phí khác trước khi hàng hóa được thông quan. Mức trần của VAT là 23% đối với các loại hàng hóa nói chung (riêng đối với các sản phẩm công nghiệp mức trần là 15%). Hàng hóa được xuất khẩu đến Thổ Nhĩ Kỳ trước tiên được lưu tại các kho hải quan cho đến khi người nhập khẩu nộp thuế nhập khẩu và VAT. Hàng hóa vốn (tài sản cố định), một số nguyên nhiên vật liệu và các sản phẩm của các dự án đầu tư có giấy chứng nhận ưu đãi được miễn lệ phí nhập khẩu.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện các cam kết với EU và bảo đảm chế độ tự do hóa thương mại theo tiêu chuẩn EU, chính sách sẽ phù hợp với hệ thống quy định của EU về quota, chất lượng sản phẩm, cạnh tranh lành mạnh.
Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng các quy định của Hiệp định Định giá Hải quan cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước là thành viên của WTO, EU, các nước là thành viên của Hội đồng hợp tác Hắc Hải, Estonia, Latvia.
Các loại thuế và lệ phí liên quan
Hàng hóa nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu một số loại thuế, phí, bao gồm: thuế nhập khẩu (thuế hải quan và phí ‘Quỹ nhà ở cho người nghèo’ (mass housing fund levies), các loại thuế nội địa (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế ‘stamp duty’).
Thuế nhập khẩu
Sau khi tham gia liên minh quan thuế với EU từ năm 1996, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng biểu thuế nhập khẩu chung với các nước EU (đối với tất cả các sản phẩm công nghiệp và tỷ trọng thành phần công nghiệp trong sản phẩm nông nghiệp chế biến nhập từ nước thứ ba). Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các nước EFTA và các nước khác đã ký Hiệp định FTA hoặc hiệp định ưu đãi thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ .
Cơ cấu hệ thống biểu thuế nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay có 97 chương. Thuế nhập khẩu thông thường (thuế MFN) là loại thuế dành chung cho tất cả các nước mà Thổ Nhĩ Kỳ không có thỏa thuận ưu đãi thuế quan riêng biệt. Biểu thuế nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ không có sự khác biệt nhiều về mức thuế giữa các khối/nước được hưởng ưu đãi và các nước không được hưởng ưu đãi trong các Chương 1, 2. Cụ thể, EU và EFTA đều phải chịu mức thuế giống nhau, chỉ duy nhất Bosnia và Herzegovina (BA) được hưởng mức thuế bằng 0% ở một số mặt hàng, trong khi EU, EFTA và các nước khác phải chịu mức thuế cao. Mức chênh lệch được thể hiện rõ hơn trong Chương 3 (thủy hải sản) khi các nước EFTA, BA được hưởng mức thuế bằng 0% thì các nước EU bị áp mức thuế từ 21 – 37%, trong khi đó các nước khác chịu mức thuế từ 25 – 37,5%. Từ Chương 4 – Chương 12, ngoại trừ một số nước có thỏa thuận riêng rẽ với Thổ Nhĩ Kỳ như BA, Georgia có mức thuế hầu hết bằng 0 (riêng Georgia, một số mặt hàng phải chịu thuế), mức thuế thấp nhất là 2,4%, cao nhất là 170%, còn lại sự chênh lệch giữa các khối được hưởng ưu đãi thuế quan của Thổ Nhĩ Kỳ với các nước khác cao nhất là 9%.
Nhìn chung đối với các sản phẩm nông nghiệp, do chính sách bảo hộ nông nghiệp, nên Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế rất cao, trong đó một số sản phẩm có mức thuế rất cao. Biểu thuế nhập khẩu cho thấy, mức thuế phổ thông thấp nhất 2% (một số mã HS cá biệt có mức thuế bằng 0%), các mã HS từ 02081010 đến 02089095 có mức thuế cao 180%, đặc biệt các mã HS từ 02011000 đến 02069099 (các sản phẩm thịt) bị áp mức thuế rất cao 225%, đây cũng là mức thuế nhập khẩu cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với các sản phẩm công nghiệp, mức thuế phổ thông thấp nhất là 1%, cao nhất là 74,9%. Mức thuế chênh lệch thấp nhất giữa các nước chịu thuế phổ thông và các nước được hưởng những ưu đãi khác nhau về thuế quan của Thổ Nhĩ Kỳ là 1,7%, cao nhất là 74,9%. Trong khi đó, đối với các khối như EU, EFTA và một số nước có thỏa thuận riêng rẽ với Thổ Nhĩ Kỳ, mức thuế áp cho các sản phẩm công nghiệp phần lớn là bằng 0%.
Thuế nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ được tính theo tỷ lệ % trên giá trị (ad valorem), áp dụng đối với 97,9% tổng số dòng thuế. Mức thuế không theo tỷ lệ % trên giá trị (non-ad valorem) bao gồm: thuế tuyệt đối ‘specific’ (đánh trên đơn vị số lượng hoặc cân nặng), thuế hỗn hợp ‘mixed’ (đánh theo điều kiện mức nào cao hơn/thấp hơn thì áp dụng), thuế kết hợp ‘compound’ (kết hợp giữa ‘ad valorem’ và ‘specific’), thuế thay đổi ‘variable’ (đánh theo hàm lượng của sản phẩm) áp dụng đối với 378 sản phẩm hàng hóa theo hệ thống mã HS 12 chữ số. Mức thuế MFN áp dụng cho ngành nông nghiệp (đối với 47,6% sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa phi nông nghiệp) cao hơn các ngành khác. Khoảng 46,3% tổng số dòng thuế có tính ràng buộc. Mức thuế ràng buộc (binding rate) trung bình là 33,9%, mức thuế MFN trung bình là 11,6%, mức trần của thuế ràng buộc khá cao, tạo biên độ khá rộng cho việc tăng thuế của Thổ Nhĩ Kỳ . Mức thuế nhập khẩu trung bình đối với sản phẩm công nghiệp là 4,2% và đối với sản phẩm nông nghiệp là 58%.
Toàn bộ các loại thuế nhập khẩu được tính trên cơ sở giá CIF. Nếu giá trị giao dịch không thể xác định, việc định giá hải quan sẽ được thực hiện theo các phương thức trong Hiệp định định giá hải quan WTO (CVA).
Các loại thuế khác
Ngoài thuế nhập khẩu, một số sản phẩm sẽ chịu thuế Quỹ Nhà ở (Mass Housing Fund-MHF levy), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế ‘stamp duty’. Thuế Quỹ nhà ở áp dụng đối với nhập khẩu cá và các sản phẩm cá (283 dòng thuế ở cấp 12 chữ số). Đó là sự chênh lệch giữa mức bảo hộ thuế quan cần thiết và mức thuế pháp định. Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với: sản phẩm xăng dầu, phương tiện vận tải (ad valorem), đồ uống có cồn và sản phẩm thuốc lá (ad valorem và/hoặc specific), và hàng hóa xa xỉ (ad valorem).