Tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông-lâm-thủy sản của Việt Nam sang Ấn Độ
Xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam sang Ấn Độ 10 tháng đầu năm 2014
Đơn vị: Triệu USD
|
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Về nông sản, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói chung của Việt Nam sang Ấn Độ 10 tháng đầu năm 2014 đạt 274,85 triệu USD, giảm nhẹ (- 5,1%) so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu là do kim ngạch của mặt hàng hạt điều, cao su và chè giảm do nhu cầu tiêu thụ nội địa của nước này giảm. Bên cạnh đó, việc Ấn Độ tăng mức thuế nhập khẩu tối thiểu đối với mặt hàng điều bóc vỏ từ 288-400 Rupi/kg cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu điều của Việt Nam sang nước này.
Trong khi đó, xuất khẩu mặt hàng hạt tiêu và cà phê của Việt Nam lại đạt mức tăng trưởng tốt. Ấn Độ là nước chính nhập khẩu cà phê Việt Nam tại Nam Á, chiếm gần như 100% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang khu vực này. Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Ấn Độ 10 tháng đầu năm 2014 đạt 73,3 triệu USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2013. Theo số liệu thống kê của Bộ Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ, trong năm tài chính 2013-2014, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Ấn Độ đạt 110,84 triệu USD, trong đó có 62,3% cà phê Robusta, 4,2% cà phê Arabica và 43,1% cà phê loại khác được nhập khẩu từ Việt Nam.
Tình hình nhập khẩu mặt hàng cà phê và hạt tiêu của Ấn Độ trong năm tài chính 2013-2014
Đơn vị: Triệu USD
|
Nguồn: Bộ Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ
Bên cạnh cà phê, xuất khẩu mặt hàng hạt tiêu lại giữ mức tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Ấn Độ 10 tháng đầu năm 2014 đạt 72,4 triệu USD, tăng gấp đôi so với mức 32,9 triệu USD cùng kỳ năm 2013. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu tiêu trắng từ Việt Nam.
Có thể nói, Việt Nam là nhà cung cấp chính các mặt hàng cà phê và hạt tiêu cho thị trường Ấn Độ.
Về lâm sản, Ấn Độ cũng là nước nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam tại khu vực Nam Á. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam sang Ấn Độ 10 tháng đầu năm 2014 đạt 47,3 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm nội thất từ gỗ của Việt Nam với chất lượng đảm bảo, mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người dân với mức giá phù hợp, cạnh tranh đang dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng tại thị trường này.
Về thủy sản, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang Ấn Độ 10 tháng đầu năm 2014 đạt 13,5 triệu USD, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Thủy sản Việt Nam có nhiều ưu thế so với thủy sản nội địa tại Ấn Độ, đó là: nguồn cung ổn định, chất lượng đảm bảo và giá cả phải chăng nên được nhiều doanh nghiệp và nhà hàng lựa chọn tiêu thụ. Trong đó, đặc biệt phải kể đến cá tra Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ nhờ có hương vị thơm ngon và dễ chế biến. Bên cạnh đó, hiện nay, trữ lượng cá biển của Ấn Độ đã giảm mạnh, ngư dân chuyển sang đánh bắt cá cỡ nhỏ nên lượng cá biển đánh bắt nội địa đạt tiêu chuẩn để sử dụng cho các nhà hàng, khách sạn không đủ. Chính vì vậy, Ấn Độ phải nhập khẩu cá tra từ bên ngoài và Việt Nam là một trong những nhà cung cấp được lựa chọn tại thị trường này.
Với dân số trên 1,27 tỷ người, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông-lâm-thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xuất khẩu các mặt hàng này của nước ta vẫn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Để khai thác tốt hơn những lợi thế đó, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, nắm bắt kịp thời nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, đổi mới bao bì, đưa ra chiến lược cạnh tranh về giá, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc nuôi trồng, sản xuất nông-thủy sản, đặc biệt chú ý về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam tại Ấn Độ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm về nông sản, thủy sản, lương thực tổ chức tại nước này nhằm quảng bá, giới thiệu các mặt hàng của mình một cách sâu rộng hơn.