Tình hình chính trị, kinh tế Pakistan và quan hệ thương mại với Việt Nam năm 2012
Tình hình chính trị Pakistan 2012
Năm 2012, tình hình chính trị tại Pakistan vẫn diễn ra khá bất ổn và đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng chính trị vào tháng 6/2012, toà án tối cao Pakistan ra phán quyết bãi nhiễm chức vụ của Thủ tướng Gilani và sau đó ông Raja Pervez Ashaf, ứng viên của Đảng cầm quyền tại Pakistan được bầu làm Thủ tướng.
Về quan hệ với Mỹ, căng thẳng ngày càng leo thang sau khi máy bay không người lái của Mỹ đánh bom vào dân thường Pakistan; những cáo buộc cơ quan tình báo Pakistan về việc giúp đỡ các nhóm khủng bố Haqquani, Al-Qaeda, v.v… tiến hành nhiều cuộc đánh bom liều chết vào các khu căn cứ của Mỹ, v.v... Tuy nhiên, năm 2012, Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp tài chính cho quân đội và Chính phủ Pakistan.
Tình hình chính trị của Pakistan dự báo còn tiếp tục bất ổn do nhiều đảng phái trong nước đang trong cuộc chạy đua bầu cử Quốc hội diễn ra trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2013. Cuộc bầu cử này sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử nước này một chính phủ được bầu lên theo thể chế dân chủ đã hoàn tất nhiệm kỳ đầy đủ đầu tiên và chuyển quyền cho hệ thống kế tiếp.
Tình hình kinh tế Pakistan năm 2012
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự kiến, trong năm tài chính 2012-2013 (bắt đầu từ 1/7 đến hết 30/6), tăng trưởng GDP Pakistan chỉ đạt 3,7%, xuất khẩu tăng 3% và nhập khẩu tăng 8%. Thâm hụt cán cân thanh toán ở mức 1,3% GDP. Bội chi ngân sách dự kiến sẽ vượt quá 4,7%. Lạm phát dự kiến 10 % (giảm so với mức 13,9% của năm trước). Thu nhập bình quân đầu người 1.210 USD. Thất nghiệp 5,6 %.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 810 triệu USD trong năm tài chính 2011-12, thấp hơn so với 1,63 tỷ USD đạt được trong năm tài chính 2010-11. Các lĩnh vực thu hút FDI là thăm dò dầu khí, viễn thông, vận tải, xây dựng, giấy, dịch vụ tài chính. Các nước đầu tư chính là Mỹ, Anh, Hà Lan, Thụy Sỹ, Singapore.
6 tháng đầu năm tài chính 2012-13 (từ tháng 7/2012 đến tháng 1/2013), kim ngạch xuất nhập khẩu của Pakistan đạt 39,7 tỷ USD (tăng 0,7%), trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 14 tỷ USD, tăng 7,2% và nhập khẩu đạt 25,6 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Pakistan gồm vải bông, gạo, hàng dệt kim, khăn trải giường, xăng dầu, than đá, sản phẩm hoá chất, sản phẩm da, xi-măng, v.v… Thị trường xuất khẩu chính: Trung Quốc (15%), Mỹ (14,7%), UAE (9%), Anh (5,1%), Đức (4,8%), Hồng Kông (1,6%), v.v…
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Pakistan từ T7/2012 đến T1/2013
Đơn vị: triệu USD
Mặt hàng | T7/2011 đến T1/2012 | T7/2012 đến T1/2013 | % Tăng trưởng |
Vải bông | 1.334 | 1.496 | 12,2 |
Gạo | 1.115 | 1.053 | -5,6 |
Hàng dệt kim | 1.197 | 1.208 | 0,9 |
Khăn trải giường | 1.062 | 1.021 | -3,8 |
Hàng dệt may sẵn | 938 | 1.056 | 12,5 |
Nhóm hàng xăng dầu và than đá | 626 | 5 | -99,2 |
Sản phẩm hoá chất và sản phẩm dược | 611 | 438 | -28,4 |
Sản phẩm da | 333 | 326 | -2,2 |
Xi-măng | 273 | 340 | 24,7 |
Da thuộc | 246 | 251 | 2 |
Hoa quả | 218 | 221 | 1,6 |
Cá và sản phẩm từ cá | 174 | 180 | 3,4 |
Tổng | 13.117 | 14.068 | 7,2 |
Nguồn: Bộ Thương mại Pakistan
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm sản phầm xăng dầu, dầu thô, dầu cọ, phuơng tiện đường bộ, phân bón, nguyên liệu nhựa, sắt thép, máy phát điện, sợi tơ tổng hợp và sợi tơ nhân tạo, bông thô, chè, v.v… Thị trường nhập khẩu chính: A-rập Xê-út (10,6%), Trung Quốc (9,2%), Cô-oét (8,4%), Nhật (4,2%), Mỹ (3,3%), Đức (2,5%), Anh (1,2%), v.v…
Các mặt hàng nhập khẩu chính của Pakistan từ T7/2012 đến T1/2013
Đơn vị: triệu USD
Mặt hàng | T7/2011 đến T1/2012 | T7/2012 đến T1/2013 | % Tăng trưởng |
Sản phẩm xăng dầu | 5.864 | 5.615 | -4,2 |
Dầu thô | 2.902 | 3.227 | 11,2 |
Dầu cọ | 1.443 | 1.210 | -16,2 |
Phương tiện đuờng bộ | 908 | 868 | -4,4 |
Phân bón | 912 | 416 | -54,3 |
Nguyên liệu nhựa | 908 | 803 | -11,5 |
Sắt thép | 780 | 842 | 8 |
Máy phát điện | 651 | 585 | -10 |
Máy móc và thiết bị điện | 508 | 457 | -10 |
Sợi tơ nhân tạo và sợi tơ tổng hợp | 364 | 318 | -12,6 |
Sợi tổng hợp | 319 | 227 | -28,7 |
Bông thô | 258 | 435 | 68,8 |
Chè | 202 | 221 | 9,6 |
Kem sữa và sữa cho trẻ em | 92 | 83 | -9,2 |
Tổng | 26.326 | 25.685 | -2,4 |
Nguồn: Bộ Thương mại Pakistan
Chính sách kinh tế đối ngoại của Pakistan năm 2012
Trong năm 2012, Chính phủ Pakistan đã thông qua một số những qui định về thuế như sau:
Giảm thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa đầu vào như các loại máy móc, thiết bị phục vụ ngành khai thác dầu khí, các loại phụ tùng sản xuất trong ngành công nghệ cao, các linh kiện, phụ tùng lắp ráp ô tô, v.v… Cụ thể:
+ Miễn thuế đối với nhập khẩu thiết bị đầu vào phục vụ cho sản xuất xuất khẩu như dệt may.
+ Thuế từ 0-5% đối với nhâp khẩu máy móc phục vụ ngành công nghệ cao.
Bộ Thương mại Pakistan đề ra chiến lược thương mại 3 năm 2012-2015 nhưng vẫn chưa thể ban hành do còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành trong Chính phủ, chủ yếu tập trung vào việc phân bổ 60 tỷ ru-pi (650 triệu USD) ngân sách dành cho ngành thương mại, cụ thể: Tổng cục thuế Pakistan dự định sẽ thông qua việc giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng như hoá chất (sun-phát, axit pho-mic, v.v…), chất béo, bột giấy, v.v… và tăng mức hoàn thuế đối với mặt hàng da xuất khẩu và thêm nhiều hỗ trợ cho hàng xuất khẩu.
Riêng đối với ngành dệt may, Pakistan sẽ trợ cấp đối với một số ngành phụ trợ dệt may như sợi, bông, v.v… và tăng cường mua máy móc, thiết bị phục vụ ngành này. Tuy nhiên, chiến lược này đang vấp phải sự phản đối của các Bộ ngành vì cho rằng sẽ không khả thi trong khi ngân sách đang thiếu hụt và Chính phủ hiện nay chỉ còn cầm quyền trong vòng 1 năm nữa.
Chính phủ Pakistan vừa thông qua chính sách dầu khí năm 2012 theo đó Pakistan sẽ đưa ra 50 lô mời thầu thăm dò và khai thác dầu khí. 4 lô trong số này sẽ được dành cho các Hiệp định liên chính phủ. Thời gian khai thác cũng được tăng lên 40 năm so với trước đây là 30 năm.
Pakistan và Ấn Độ ký 3 thỏa thuận thương mại. Đó là thỏa thuận về rà soát các vướng mắc trong trao đổi thương mại, thỏa thuận về công nhận lẫn nhau các giấy chứng nhận trong thương mại, và thỏa thuận hợp tác hải quan. Hai bên cũng thỏa thuận giảm danh mục nhạy cảm theo hiệp định thương mại tự do SAFTA xuống còn 100 mặt hàng vào năm 2017 theo nguyên tắc có đi có lại. Thuế nhập khẩu sẽ được giảm xuống dưới 5 % vào năm 2020 trừ một số ít mặt hàng trong danh mục nhạy cảm.
Quan hệ thương mại giữa Việt nam - Pakistan
Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước trong thời gian qua tăng trưởng khả quan. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu đạt 174,8 triệu USD, tăng 3,8%, nhập khẩu đạt 215,8 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt nam - Pakistan từ năm 2007 đến năm 2012
Năm | Việt nam xuất khẩu | Việt nam nhập khẩu | Tổng kim ngạch | |||
Trị giá (triệu USD) | Tăng trưởng (%) | Trị giá (triệu USD) | Tăng trưởng (%) | Trị giá (triệu USD) | Tăng trưởng (%) | |
2007 | 81,20 | 17 | 32,80 | 3 | 134 | 12 |
2008 | 95,20 | 17 | 54,57 | 3 | 149,76 | 12 |
2009 | 110,06 | 16 | 81,81 | 50 | 191,87 | 28 |
2010 | 133,22 | 21 | 109,50 | 34 | 242,73 | 27 |
2011 | 168,41 | 26 | 156,03 | 43 | 327,41 | 35 |
2012 | 174,8 | 3,8 | 215,8 | 38 | 390,6 | 19 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Sở dĩ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại trong năm 2012 là do sự sụt giảm mạnh của một số mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam sang Pakistan như sợi các loại đạt 25,4 triệu USD (giảm 27,6%), hạt tiêu 18,9 triệu USD (giảm 37,2%), hạt điều 4 triệu USD (giảm 24,5%), sắt thép các loại 600 nghìn USD (giảm 77%), sản phẩm dệt may 702 nghìn USD (giảm 72,9%), chất dẻo nguyên liệu (giảm 63,9%)….
Năm 2012, mặt hàng chè chiếm tỷ trọng lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 45,3 triệu USD (tăng 39,3%), thủy sản đạt 13,5 triệu USD (tăng 36,3%), cao su 10,2 triệu USD (tăng 161,5%), v.v….
Các mặt hàng xuất khẩu chính từ Việt Nam sang Pakistan năm 2012
Đơn vị: triệu USD
Mặt hàng | Năm 2011 | Năm 2012 | % tăng trưởng |
Chè | 32,5 | 45,3 | 39,3 |
Xơ, sợi các loại | 35,1 | 25,4 | -27,6 |
Hạt tiêu | 30,1 | 18,9 | -37,2 |
Hàng hải sản | 9,9 | 13,5 | 36,3 |
Hạt điều | 5,3 | 4 | -24,5 |
Cao su | 3,9 | 10,2 | 161,5 |
Sắt thép các loại | 2,7 | 0,6 | -77 |
Tổng | 168,4 | 174,8 | 3,8 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pakistan năm 2012 đạt 215,8 triệu USD (tăng 38% so với cùng kỳ năm trước), các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là bông các loại đạt 104,9 triệu USD (tăng 147,4%), dược phẩm 19,2 triệu USD (tăng 76,1%), v.v… Ngoài ra một số mặt hàng giảm nhập khẩu trong năm 2012 gồm có xơ, sợi dệt các loại 15,5 triệu USD (giảm 28,2%), nguyên phụ liệu dệt may 15 triệu USD (giảm 2,5%), vải các loại 28,4 triệu USD (giảm 35,7%), v.v…
Có thể thấy, kim ngạch nhập năm 2012 tăng mạnh chủ yếu do lượng bông nhập khẩu tăng đột biến với 53.854 tấn, tăng hơn 3 lần về lượng và gần 2,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Pakistan năm 2012
Đơn vị: triệu USD
Mặt hàng | Năm 2011 | Năm 2012 | % tăng trưởng |
Dược phẩm | 10,9 | 19,2 | 76,1 |
Bông các loại | 42,4 | 104,9 | 147,4 |
Xơ, sợi dệt các loại | 21,6 | 15,5 | -28,2 |
Vải các loại | 44,2 | 28,4 | -35,7 |
Nguyên phụ liệu dệt may, da giầy | 15,4 | 15 | -2,5 |
Tổng | 156 | 215,8 | 38,3 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Dự báo tình hình xuất khẩu Việt nam sang Pakistan năm 2013
Nền kinh tế Pakistan dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn, sản xuất đình đốn do thiếu chất đốt, giá cả hàng tiêu dùng trong nước tăng cao nên dự báo nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của Pakistan sẽ tăng mạnh trong năm 2013.
Thị trường Pakistan về cơ bản có nhu cầu lớn về tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng đến các loại máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, v.v…
Thị hiếu của thị trường chú trọng đến yếu tố giá. Về cơ bản, thị hiếu của khách hàng Pakistan đơn giản, trừ các yêu cầu liên quan đến đạo Hồi, khách hàng Pakistan không đòi hỏi cao về chất lượng vì thị trường Pakistan cơ bản là thị trường thu nhập thấp, do đó sự cạnh tranh về yếu tố giá có tầm quan trọng đặc biệt
Từ những dự báo trên có thể thấy hàng Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người Pakistan. Tuy nhiên, do tình hình bất ổn về kinh tế và chính trị Pakistan dự báo sẽ còn kéo dài, nên xuất khẩu của Việt Nam năm 2013 dự báo sẽ chỉ tăng nhẹ và tập trung vào một số mặt hàng truyền thống như chè, hải sản, cao su, hạt tiêu, hạt điều, v.v…