Một số nét về hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - EU năm 2012
Quan hệ thương mại
Trong năm 2012, EU đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,31 tỷ USD, tăng 22,71% so với năm 2011; giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 8,79 tỷ USD, tăng 13,48%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU (ĐVT: triệu USD)
(Nguồn: Tổng cục Hải quan VN) |
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường EU trong năm 2012 vẫn là các sản phẩm truyền thống có thế mạnh như hàng dệt may (kim ngạch xuất khẩu đạt 2,41 tỷ USD, giảm 4,7% so với năm 2011), giày dép các loại (2,63 tỷ USD, tăng 1,9%), cà phê (1,05 tỷ USD, tăng 21,1%), hải sản (1,08 tỷ USD, giảm 17,5%), máy vi tính (1,51 tỷ USD, tăng 93,8%). Mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện mới bắt đầu được xuất khẩu từ năm 2011, nhưng đã đạt kim ngạch trên 5,4 tỷ USD trong năm 2012. Các nhóm mặt hàng trên chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. Một số mặt hàng khác có kim ngạch không lớn nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng đều gồm: sản phẩm từ chất dẻo (đạt 403 triệu USD), gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 634 triệu USD), túi xách-vali-ô dù (đạt 423 triệu USD), hạt tiêu, hạt điều.
Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU (ĐVT: triệu USD)
(Nguồn: Tổng Cục Thống kê) |
Trong năm 2012, những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ EU là những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được hoặc còn thiếu như: máy móc-thiết bị-phụ tùng (kim ngạch nhập khẩu đạt 2,03 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2011), dược phẩm (849 triệu USD, tăng 24,4%), sữa và sản phẩm từ sữa (258 triệu USD, giảm 6,2%).
Một số mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ EU (ĐVT: triệu USD)
(Nguồn: Tổng Cục Thống kê) |
Có thể nói năm 2012 là một năm đầy khó khăn, thách thức nhưng các kết quả đạt được trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam - EU là một tín hiệu đáng mừng và thành công. Điều này càng thể hiện vai trò cũng như vị trí của thị trường EU đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và là cơ sở quan trọng để hai Bên hợp tác toàn diện hơn nữa trong tương lai.
Quan hệ đầu tư
Trong năm 2012, các nước thành viên EU đã có thêm 140 dự án đầu tư mới vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký cấp mới trên 1,03 tỷ USD.
Hiện nay, 22 trong số 27 nước thành viên EU có dự án đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 01/2013, EU có 1.810 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 34,28 tỷ USD (trong đó 14,3 tỷ là từ Đảo British Virgin - lãnh thổ hải ngoại của Anh, nơi có cơ chế tài chính thoáng và các công ty quốc tế thường đăng ký), thực hiện 13,8 tỷ USD (trong đó Đảo British Virgin giải ngân được 5,3 tỷ USD). Đến hết năm 2012, Hà Lan với 176 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 5,88 tỷ USD đã dẫn đầu và vượt Pháp với 375 dự án, tổng vốn đầu tư 1,61 tỷ USD, tiếp theo là Anh (162 dự án, tổng vốn đăng ký là 2,61 tỷ USD); Síp (13 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 2,74 tỷ USD), Luxembourg (24 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 1,49 triệu USD); Đức (195 dự án, tổng vốn đăng ký là trên 1,05 tỷ USD).
Nhìn chung đầu tư từ Việt Nam sang EU là không nhiều và dừng ở mức khiêm tốn, chủ yếu tập trung vào một số nước như Hà Lan, Séc, Đức. Tính đến nay, tính cả các dự án đã hết và đang còn hiệu lực thì Việt Nam có 10 dự án đầu tư sang CHLB Đức với tổng vốn đăng ký là 24,2 triệu USD, Hà Lan có 1 dự án với tổng vốn đăng ký 5,6 triệu USD, Ba Lan có 2 dự án với tổng vốn đăng ký là 8,1 triệu USD, Vương quốc Anh có 6 dự án với tổng vốn đăng ký 2,1 triệu USD, CH Séc có dự án với mức tổng vốn đăng ký là 5,3 triệu USD.
Việt Nam và EU đã tiến hành đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Phiên đàm phán thứ nhất đã diễn ra vào tháng 10/2012 tại Hà Nội và phiên thứ hai vào tháng 01/2013 tại Brussels, Bỉ. Trong giai đoạn kinh tế thế giới đang gặp khó khăn và một số nước thành viên EU đang phải đối diện với khủng hoảng nợ công, việc kim ngạch thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng và hai Bên đàm phán Hiệp định FTA là các tín hiệu tích cực, cho thấy hợp tác Việt Nam - EU ngày càng phát triển sâu rộng, toàn diện trên mọi lĩnh vực.