Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ tăng 4 lần trong giai đoạn 2006 - 2012
Bảng 1: Kim ngạch xuất nhập khẩu và tốc độ tăng trưởng XNK giữa Việt Nam và Ấn Độ giai đoạn 2006-2012
Trong tổng giá trị xuất nhập khẩu, tăng trưởng xuất khẩu hàng Việt Nam tăng liên tục với tốc độ cao hơn so với giá trị hàng nhập khẩu. tổng giá trị hàng xuất khẩu trong năm 2006 chỉ đạt 138 triệu USD đến năm 2012 đã tăng lên 1.782 triệu USD, tăng gấp 13 lần, trong đó năm 2008 và 2010 tốc độ tăng tương ứng đạt 116 và 136% so với năm trước.
Trong giai đoạn này, Việt Nam vẫn luôn là nước nhập siêu từ Ấn Độ, tuy nhiên xu hướng này đã giảm rõ rệt, trong năm 2012 thâm hụt cán cân thương mại chỉ còn 379 triệu USD giảm trên 50% so với năm 2011, chỉ bằng 21,26 % giá trị xuất khẩu, trong khi đó năm 2006 thâm hụt cán cân thương mại gấp 5,4 lần giá trị xuất khẩu.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng Việt Nam và cán cân thương mại được thể hiện qua biểu đồ dưới đây.
Biểu đồ 1: Kim ngạch xuất, nhập khẩu và cán cân thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ giai đoạn 2006-2012
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Tổng giá trị xuất nhập khẩn vẫn tăng đều hàng năm, tuy nhiên, về chỉ số tương đối, nếu so sánh tốc độ tăng trưởng của năm trước với năm sau, chỉ số này đang cho thấy xu hướng giảm đáng kể. Tổng kim ngạch nhập khẩu trong năm 2012 giảm gần 8% so với năm 2011. Biểu đồ dưới đây sẽ chỉ ra xu hướng tăng trưởng tốc độ trao đổi hàng hóa trong thời gian qua.
Biểu đồ 2: Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ giai đoạn 2006-2012
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Về nhóm hàng hóa
Hiệp định thương mại hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện Asean - Ấn Độ (AITIG) được Bộ trưởng các nước Asean và Ấn Độ ký kết ngày 16/8/2009 tại Bangkok, Thái Lan và có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 đối với các nước đã hoàn tất thủ tục phê duyệt. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2010.
Kể từ khi Hiệp định AITIG có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của đa số các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh đều tăng, trong đó có một số mặt hàng tăng tưởng rất cao như Cao su tăng trưởng 641 %, Điện thoại các loại và linh kiện tăng trưởng 448,57%, v.v...
Tỷ trọng của 5 nhóm hàng xuất khẩu chính Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ tăng nhanh qua từng năm và chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số 24 mặt hàng đang xuất khẩu, trong đó, năm 2012 riêng mặt hàng Điện thoại các loại và linh kiện đã chiếm 41,28 %. Tỷ trọng của 5 nhóm hàng này tăng từ 38,89 % năm 2009 lên 63,77% năm 2012.
Cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su là 1 trong những điểm sáng của những mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Ấn Độ, trong năm 2012 tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt 211,57 triệu USD tăng trưởng 93,74 % so với mức 109,20 triệu USD của năm 2011.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của từng mặt hàng và tỷ trọng của 5 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất được thể hiện qua bảng số liệu sau:
Bảng 2: Kim ngạch xuất khẩu 5 nhóm hàng chính của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ giai đoạn 2009-2012
Stt | Tên hàng\ Năm | Kim ngạch xuất khẩu (triệu USD) | Tăng/giảm năm sau so với năm trước (%) | |||||
2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2010/09 | 2011/10 | 2012/11 | ||
1 | Điện thoại các loại và linh kiện | 46,63 | 255,80 | 371,30 | 469,10 | 448,57 | 45,15 | 26,34 |
2 | Máy móc thiết bị và phụ tùng | 39,60 | 61,10 | 245,20 | 238,59 | 54,29 | 301,31 | -2,69 |
3 | Cao su | 10,20 | 75,60 | 109,20 | 211,57 | 641,18 | 44,44 | 93,74 |
4 | Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện | 44,22 | 67,10 | 95,90 | 159,54 | 51,74 | 42,92 | 66,36 |
5 | Cà phê | 22,51 | 24,00 | 45,70 | 57,75 | 6,62 | 90,42 | 26,37 |
| Tổng cộng 5 mặt hàng | 163,16 | 483,60 | 867,30 | 1.136,56 |
| ||
Tỷ trọng so với tổng giá trị xuất khẩu | 38,89 | 48,72 | 55,81 | 63,77 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu đều là nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu như ngô, thức ăn gia súc và nguyên liệu; Dược phẩm, máy móc thiết bị và phục tùng, chất dẻo và nguyên liệu.
Kim ngạch nhập khẩu của các mặt hàng này trong năm 2012 đa số đều giảm hoặc tăng trưởng không đáng kể, ngoại trừ mặt hàng ngô (tăng trưởng gần 100%).
Mặt hàng ngô, trong năm 2011 nhiều lô hàng xuất khẩu từ Ấn Độ có chứa loại mọt TG, đây là loại đa thực, có khả năng gây hại trên tất cả loại nông sản, có tốc độ sinh sản cực kỳ nhanh, khả năng thiết lập quần thể, sinh sống trong điều kiện khó khăn, không có thức ăn vẫn tồn tại, v.v… Việt Nam đã buộc phải tái xuất một số lô hàng này.
Tỷ trọng của 05 nhóm hàng nhập khẩu chính trong tổng số 39 nhóm hàng nhập khẩu cũng chiếm tỷ trong tương đối cao, từ 45 đến 52%.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của từng mặt hàng và tỷ trọng của 5 nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất được thể hiện qua bảng số liệu dưới đây:
Bảng 3: Kim ngạch 5 nhóm hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Ấn Độ giai đoạn 2009-2012
Stt | Tên hàng\ Năm | Kim ngạch nhập khẩu (triệu USD) | Tăng/giảm so với năm trước (%) | |||||
2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2010/09 | 2011/10 | 2012/11 | ||
1 | Ngô | 60,74 | 121,30 | 166,20 | 329,78 | 99,70 | 37,02 | 98,43 |
2 | Thức ăn gia súc và nguyên liệu | 470,04 | 412,00 | 529,00 | 284,65 | -12,35 | 28,40 | -46,19 |
3 | Dược phẩm và nguyên liệu | 148,64 | 167,70 | 218,70 | 235,76 | 12,83 | 30,41 | 7,80 |
4 | Máy móc, thiết bị và phụ tùng | - | 118,80 | 199,00 | 120,70 | 67,51 | -39,35 | |
5 | Chất dẻo nguyên liệu | 56,84 | 55,40 | 112,30 | 110,99 | -2,53 | 102,71 | -1,17 |
| Tổng cộng 5 mặt hàng | 736,26 | 875,20 | 1.225,20 | 1.081,88 | |||
Tỷ trọng so với tổng giá trị nhập khẩu | 45,04 | 49,67 | 52,22 | 50,06 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước tăng mạnh trong thời gian qua, Việt Nam và Ấn Độ cùng hy vọng và phấn đấu mục tiêu đưa tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa đạt 7 tỷ vào năm 2015.