Tiềm năng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á
9 tháng đầu năm 2012, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu thuỷ sản sang 39 quốc gia Châu Phi, Tây Á, Nam Á. Mặc dù giảm 5 thị trường song tổng giá trị xuất khẩu thuỷ hải sản của Việt Nam sang khu vực vẫn đạt 300,15 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm 5% tổng giá trị xuất khẩu sang toàn khu vực, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang châu Phi đạt 114,17 triệu USD, tăng 36%; sang khu vực Tây Á (Trung Đông) đạt 166,82 triệu USD, giảm 5%; xuất khẩu sang Nam Á đạt 23,5 triệu USD, tăng 14%.
Bảng 1. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á
Đơn vị tính: USA
Khu vực | Năm 2010 | Năm 2011 |
Nam Á | 10.271.535 | 23.508.056 |
Tây Á (Trung Đông) | 163.044.818 | 229.332.118 |
Châu Phi | 95.610.259 | 107.928.641 |
Tổng | 268.926.612 | 360.768.815 |
Khu vực | 9 tháng /2011 | 9 tháng /2012 |
Nam Á | 16.781.499 | 19.154.623 |
Tây Á (Trung Đông) | 176.432.287 | 166.826.877 |
Châu Phi | 83.931.982 | 114.174.428 |
Tổng | 277.145.768 | 300.155.928 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Về các thị trường chính, tại châu Phi, các nước nhập khẩu nhiều thủy sản của Việt Nam nhất là Ai Cập, An-giê-ri, Tuy-ni-di, Cameroon, Nigeria, Ma-rốc, Gabon, Nam Phi, Libi và Congo.
Tại khu vực Tây Á (Trung Đông) các thị trường nhập khẩu chính gồm có Arập Xê–út, Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE), Israel, Libăng, Joóc-đa-ni, Iran và Kô-oét.
Tại khu vực Nam Á, các nước nhập khẩu thuỷ sản chính của Việt Nam là Ấn Độ và Pakistan.
Bảng 2. Các thị trường và kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tại khu vực Châu Phi, Tây Á và Nam Á 9 tháng đầu năm 2012
|
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Về chi tiết mặt hàng, các nước tại khu vực châu Phi như An-giê-ri, Ai Cập, Maroc, Nigeria, Nam Phi chủ yếu nhập khẩu cá tra phi-lê đông lạnh và tôm (với số lượng nhỏ hơn).
Các nước Trung Đông như Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Liban, Israel... chủ yếu nhập khẩu cá tra đông lạnh, tôm đông lạnh và cá ba sa đông lạnh (ngoài ra còn có thêm mặt hàng cá ngừ đóng hộp). Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng trên 80 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu tại khu vực Trung Đông như Công ty TNHH XNK Thủy sản Cửu Long An Giang, Công ty TNHH XNK Thủy sản Thiên Mã, Công ty cổ phần Nam Việt...
Các nước khu vực Nam Á như Ấn Độ, Pakistan cũng chủ yếu nhập khẩu cá tra và ba sa.
Những thuận lợi và khó khăn khi xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á
Thuận lợi
Tại hầu hết các quốc gia khu vực Châu Phi, Tây Á, Nam Á, ngành nuôi trồng thuỷ sản, nhất là cá nước ngọt không phát triển do đó phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Mặt khác, cá da trơn ngày càng được ưa chuộng do được đánh giá có chứa ít cholesteron. Hiện nay, xu hướng dùng hàng thủy sản thay thế cho thịt trong bữa ăn của người dân châu Phi, Trung Đông đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này, thậm chí có thể nghiên cứu phương án nuôi trồng thủy sản tại nước sở tại phục vụ nhu cầu địa phương và xuất khẩu sang các nước lân cận. Trong khi đó nguồn cung cá tra trong nước dồi dào với mức giá ổn định sẽ là điều kiện thuận lợi để các DN nước ta đẩy mạnh XK sang khu vực này. Thực tế cho thấy kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như cá basa, tra, tôm sang thị trường khu vực đã không ngừng tăng trong những năm qua.
Khó khăn
Trở ngại đầu tiên là do khoảng cách địa lý xa xôi nhất là với châu Phi, lại thiếu các đường bay trực tiếp nên việc xuất khẩu hàng thủy sản tươi sống gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hàng đông lạnh và đồ hộp vận chuyển bằng máy bay đòi hỏi chi phí khá cao, dẫn đến giảm lợi nhuận.
Nhiều quốc gia châu Phi, Trung Đông có bờ biển dài, nguồn lợi hải sản rất lớn nên nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản đóng hộp không cao. Hơn nữa, người dân nhiều nước, nhất là đạo Hồi như Maroc, An-giê-ri, Iran... có truyền thống ăn thịt và ít có thói quen tiêu thụ thuỷ sản, nhất là cá da trơn. Vì vậy, mặc dù có tiềm năng phát triển nhưng dung lượng thị trường thuỷ sản tại khu vực này nhìn chung không lớn và việc đẩy mạnh xuất khẩu đòi hỏi phải có thời gian.
Khả năng thanh toán của phần lớn các DN nhập khẩu châu Phi thấp và đôi khi vẫn xảy ra tình trạng lừa đảo thương mại qua mạng internet ở một số quốc gia Tây Phi dẫn đến tâm lý lo ngại khi doanh nghiệp VN tiếp cận thị trường này.
Ngược lại, một số doanh nghiệp của ta cũng không nghiêm túc trong việc thực hiện hợp đồng xuất khẩu như giao hàng kém chất lượng, làm mất uy tín với khách hàng như tại Ai Cập, An-giê-ri... Tình trạng mất đoàn kết, bán phá giá hàng để tranh giành khách vẫn xảy ra.
Một số quốc gia như Maroc, Ai Cập, An-giê-ri, Nigeria, UAE... áp dụng mức thuế nhập khẩu cao, hỏi hỏi một số giấy tờ về tiêu chuẩn chất lượng như xác nhận lãnh sự (Ai Cập, UAE), giấy chứng nhận của Tổ chức tiêu chuẩn Nigeria (SONCAP) đối với các loại thủy sản nhập khẩu.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn hình thức xuất khẩu thuỷ sản sang châu Phi, Trung Đông thông qua trung gian là các thương nhân châu Âu, dẫn đến việc giảm lợi nhuận và không quảng bá được thương hiệu Việt.
Một số giải pháp ở góc độ thị trường xuất khẩu
Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủy sản vào khu vực thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á một cách bền vững, doanh nghiệp cần:
- Tích cực tham gia các đoàn khảo sát thị trường, XTTM, các Hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành, các hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp do các cơ quan xúc tiến thương mại trong nước tổ chức để tìm được những đối tác tin cậy.
- Có sự liên kết, thống nhất về giá để xây dựng mạng lưới phân phối tại một số thị trường trọng điểm, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, phá giá giành khách.
- Đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu luôn ổn định để giữ chữ tín và tránh được những khó khăn khi cơ quan chức năng của nước sở tại kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Khi đàm phán và ký kết hợp đồng với đối tác châu Phi, Trung Đông, các doanh nghiệp nên lựa chọn những phương thức giao hàng, thanh toán mà lợi thế không quá nghiêng về phía người mua, tránh hiện tượng phía nhà nhập khẩu không nhận hàng để ép giảm giá. Hợp đồng phải quy định rõ cơ quan giải quyết tranh chấp (trọng tài hay tòa án) để làm cơ sở cho việc giải quyết khi tranh chấp phát sinh.
- Xem xét kết hợp xuất khẩu thuỷ sản với nhập khẩu hải sản nguyên liệu từ các nước có tiềm năng biển như Ghana, Mauritius, Nam Phi, Mozambique, Tanzania, Maroc, Nigeria để phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu. Trên thực tế, năm 2011, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 5 triệu USD từ những thị trường này.