Thực trạng và tiềm năng xuất khẩu rau quả sang khu vực thị trường Bắc Âu
Tại buổi làm việc, Thương vụ Thụy Điển đã giới thiệu tới đoàn tài liệu thông tin về thực trạng và tiềm năng xuất khẩu rau quả sang khu vực thị trường Bắc Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng; tăng cường hợp tác trao đổi, cập nhật thông tin thường xuyên giữa Thương vụ và Tổng công ty; và đề xuất Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên gửi thông tin cụ thể đối với các mặt hàng mà doanh nghiệp quan tâm xuất khẩu sang khu vực Bắc Âu như: catalogue, tờ rơi, video clip, và nhất là các sản phẩm mẫu các mặt hàng rau củ quả khô, chế biến để Thương vụ bố trí trưng bày tại Phòng trưng bày sản phẩm tại Văn phòng Thương vụ; trưng bày tại các hội chợ liên quan (trong đó có Hội chợ thường niên về hàng thực phẩm và thủ công mỹ nghệ ASEAN tại Stockholm); và có thêm cơ sở thực tế để giới thiệu trực tiếp với các đối tác tiềm năng tại khu vực Bắc Âu, Thụy Điển.
Đại diện Đoàn công tác đã cập nhật tóm tắt cho Thương vụ tình hình kinh doanh và xuất khẩu ngành hàng rau củ quả và nông sản của Việt Nam tại EU cũng như tại Thụy Điển, trong đó mặt hàng dứa quả, điều nhân và cà phê nguyên liệu của ta đã được xuất khá ổn định sang thị trường khu vực Châu Âu mà chủ yếu là sang các nước trung tâm EU. Đoàn cũng đã ghi nhận và nhất trí với các đề xuất của Thương vụ về trong thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với Thương vụ, nhất là việc trao đổi thông tin và gửi hàng mẫu sang để Thương vụ hỗ trợ giới thiệu tới các bạn hàng tiềm năng tại nước sở tại.
Về thực trạng và tiềm năng xuất khẩu rau quả sang khu vực thị trường Bắc Âu, Thương vụ đã cung cấp cho đoàn các thông tin cụ thể như: nhu cầu sản phẩm; hệ thống bán lẻ; các nhà xuất khẩu, kênh phân phối; các đối thủ cạnh tranh tại khu vực thị trường Bắc Âu; các biện pháp áp dụng trong tiếp cận thị trường rau củ quả ở châu Âu; danh mục các hội trợ - triển lãm rau quả tại các nước Bắc Âu đến năm 2015; và danh sách các cơ quan quản lý, hiệp hội và các tập đoàn nhập khẩu, phân phối ngành hàng rau quả tại khu vực thị trường Bắc Âu.
Tiêu dùng hoa quả và rau tươi tại thị trường Bắc Âu ngày một gia tăng do hướng tới một lối sống ngày càng khỏe mạnh. Tuy nhiên, thị trường rau quả bị chi phối rất nhiều bởi các yếu tố chất lượng, số lượng, giá cả vì liên quan chặt chẽ đến khẩu vị, hình dạng, dinh dưỡng, đa dạng, và tính thuận tiện. Ngoài ra, ở thị trường các nước Bắc Âu những yếu tố liên quan đến an toàn thực phẩm và môi trường rất được coi trọng trong toàn bộ quá trình từ nông trại đến siêu thị.
Nhu cầu sử dụng và tiêu dùng rau quả tại thị trường Bắc Âu được phân thành 4 loại chính: sản phẩm tốt cho sức khỏe, sản phẩm hữu cơ và thương mại lành mạnh, sản phẩm đặc thù dân tộc, và sản phẩm tiện dụng. Nhập khẩu thường chiếm khoảng 70% nguồn cung rau quả cho thị trường Bắc Âu, trong đó 70% là hoa quả, còn 30% là rau, tốc độ tăng trưởng trong 3 năm qua là 8%/năm. Nhập khẩu rau quả hữu cơ tiếp tục chiếm vị trí quan trọng mặc dù sản xuất rau hữu cơ trong nước đã tăng lên đáng kể. Tuy không có số liệu chính thức nhưng rõ ràng những mặt hàng rau tươi hữu cơ trái mùa và hoa quả nhiệt đới là những hàng nhập khẩu hữu cơ chính vào các nước Bắc Âu.
Đến nay, EU vẫn luôn là nguồn cung hàng rau quả quan trọng nhất của các nước Bắc Âu, chiếm trên 80% tổng lượng nhập khẩu. Nhập khẩu từ các nước ngoài EU chiếm 2,7% tổng nhập khẩu, trong đó 60% là cam, quýt. Các nước xuất khẩu chính những mặt hàng này là Ma-rốc, I-xra-en, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ai Cập. Nhập khẩu trực tiếp từ các nước châu Phi cận Sahara chiếm 1,7%, trong đó 92% là từ Nam Phi với mặt hàng quả có múi, nho, táo. Bắc và Nam Mỹ chiếm hơn 13% với các mặt hàng chuối, táo, lê, quả có múi, nho, dứa, dưa, bơ. Nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á và châu Đại Dương chiếm khoảng 1% thị phần với các mặt hàng là kiwi, táo, xoài, tỏi và rau nhiệt đới. Những nước xuất khẩu hàng đầu là Niu Di-lân , Trung Quốc, Thái Lan, Pa-ki-xtan, Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a. Trong số 4 nước Bắc Âu, nước có tỷ lệ nhập khẩu lớn nhất là Thụy Điển, chiếm 40% tổng dung lượng thị trường, tiếp đến là Đan Mạch chiếm 26%, Na Uy chiếm 19% và sau cùng là Phần Lan với 15%.
Các nước đang phát triển có vị trí vững chắc trên thị trường nhập khẩu chuối và hoa quả nhiệt đới như dứa, xoài, đu đủ, chà là, quýt, chanh leo với thị phần hơn 50% và cũng chiếm tỷ lệ nhất định về hoa quả có múi và hoa quả khác như táo, đào, và mận. Kể từ năm 2005, lượng nhập khẩu hoa quả nhiệt đới và cận nhiệt đới không kể chuối và hoa quả có múi tăng hơn 6% như nho, dưa, dứa, quả bơ và kiwi. Những hoa quả khác tuy mới xuất hiện nhưng đã trở nên khá phổ biến là quả hồng, xoài, ổi, đu đủ, khế, tầm bóp, me, chà là tươi, quả vả. Thị trường cho hoa quả có tính đặc trưng dân tộc như xoài, đu đủ, hồng, me, khế và chanh leo tăng lên đáng kể chủ yếu là do ngày càng nhiều các cửa hàng tạp hóa muốn bán hoa quả exotic và cũng có nghĩa là người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mặt hàng này. Các nước cung cấp chính là Pê-ru, Pa-ki-xtan, Bra-xin, Cốt-đi-voa, I-xra-en, Thái Lan, và Đô-mi-ni-ca. Bra-xin cùng với Thái Lan là hai nhà cung cấp chủ yếu đu đủ cho thị trường Bắc Âu. Nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan cũng đã tăng lên đáng kể. Nhập khẩu những hoa quả khác (HS 081090) cũng gia tăng, trong đó có hồng, lựu, chôm chôm, hồng xiêm, chanh leo, mãng cầu, me, khế, tầm bóp, vải, mít. Hiện nay, những nước cung cấp chính cho thị trường Bắc Âu các mặt hàng này là Thái Lan, I-xra-en, Thổ Nhĩ Kỳ, và Cô-lôm-bi-a.
Do điều kiện khí hậu lạnh, những nước Bắc Âu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu rau quả. Nhìn chung các nước Bắc Âu đã có những nguồn cung cấp ổn định cho mình, việc thâm nhập mới vào thị trường Bắc Âu với khối lượng lớn là không dễ dàng, tuy nhiên những sản phẩm thích hợp sẽ có cơ hội xuất khẩu vào, chẳng hạn như chanh xanh và những loại hoa quả có múi mới. Hiện nay các nước đang phát triển chiếm dưới 10% tổng rau nhập khẩu vào các nước Bắc Âu, một phần là những mặt hàng trái mùa, một phần khác rau quả nhiệt đới phục vụ cho các món ăn châu Á. Các nhà xuất khẩu mới muốn cạnh tranh được cần phải có ưu thế tương đối về giá, chất lượng, và thời gian giao hàng. Thêm vào đó là vấn đề hàng rào thuế quan và những quy định nhập khẩu chuyên ngành chặt chẽ.