Những mặt hàng xuất nhập khẩu tiềm năng giữa Việt Nam và Ma-rốc
Những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng sang Ma-rốc
Điện thoại di động
Với dân số trên 32 triệu người, Ma-rốc có nhu cầu tiêu dùng điện thoại ngày càng tăng. Năm 2012, cứ 1000 người dân Ma-rốc có 110 chiếc điện thoại cố định và 1200 chiếc điện thoại di động. Nếu như năm 2011, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam sang Ma-rốc mới chỉ đạt 3,6 triệu USD, đứng thứ ba sau cà phê và hải sản thì đến năm 2012, con số này đã tăng lên 36,8 triệu USD và năm 2013 đạt 63,52 triệu USD (chiếm 63% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam). Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt 40,2 triệu USD và điện thoại di động tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam tại thị trường Ma-rốc.
Cà phê
Ma-rốc được xem là một trong những thị trường nhập khẩu cà phê xanh (cà phê hạt chưa rang xay) tương đối lớn trên thế giới, trong đó 80% là cà phê robusta và 20% là cà phê arabica. Trung bình mỗi năm, Ma-rốc nhập khẩu khoảng 28.000 tấn. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong năm 2012, nước ta đã xuất khẩu vào Ma-rốc 13,67 triệu USD mặt hàng cà phê Robusta (loại chưa rang xay, chưa khử caphêin). Tuy nhiên, đến năm 2013, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã giảm xuống còn 8 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cà phê sang Ma-rốc có dấu hiệu phục hồi đạt 7,2 triệu USD, gần bằng kim ngạch cả năm 2013.
Hạt tiêu
Hạt tiêu là một trong những loại gia vị được tiêu thụ hàng ngày, đặc biệt trong tháng Ramadan ở Ma-rốc. Việc tiêu thụ hạt tiêu đang có xu hướng tăng kể cả dạng hạt hay dạng bột. Năm 2013, Ma-rốc đã nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam với kim ngạch đạt 1,3 triệu USD, tăng 62% so với năm 2012.
Thủy hải sản
Mặc dù Ma-rốc là nước xuất khẩu hải sản lớn do có bờ biển dài 3500 km, tiếp giáp Đại Tây Dương và Địa Trung Hải song nước này vẫn phải nhập khẩu nhóm hàng thủy sản nước ngọt và cá ngừ đóng hộp. Thuỷ sản của Việt Nam chủ yếu là cá tra và tôm đông lạnh đang ngày càng có chỗ đứng tại thị trường này với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,75 triệu USD năm 2013, tăng 16% so với năm 2012. Trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 3 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện
Với dân số trên 32 triệu người và nhu cầu tin học hóa ngày càng tăng, Ma-rốc vừa là nước sản xuất, đồng thời cũng là nhà nhập khẩu các sản phẩm máy vi tính và linh kiện. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam sang thị trường Ma-rốc đã tăng lên nhanh chóng, từ 2 triệu USD năm 2012 lên 3,4 triệu USD năm 2013 và lên đến 8,6 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2014.
Tàu thuyền các loại và lưới đánh cá
Với hai mặt tiếp giáp biển là Đại Tây Dương và Địa Trung Hải, có bờ biển dài 3500 km và diện tích mặt biển khoảng 1,2 triệu km2, Ma-rốc có tiềm năng đánh bắt cá được FAO ước tính gần 1,5 triệu tấn/năm. Để phục vụ nhu cầu khai thác hải sản ngoài khơi và việc đi lại, nước này phải nhập khẩu một lượng lớn tàu thuyền trên thế giới trong đó có Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu tàu thuyền của Việt Nam sang thị trường này đã tăng trưởng khá nhanh, từ 2 triệu USD năm 2013 lên 4 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2014. Bên cạnh tàu thuyền, nước ta còn xuất khẩu lưới đánh cá sang Ma-rốc với kim ngạch đạt 1,3 triệu USD năm 2013 và 411.075 USD trong 6 tháng đầu năm 2014.
Hàng dệt may
Mặc dù là nước gia công sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may lớn ở châu Phi nhưng Ma-rốc cũng nhập khẩu nhiều mặt hàng này từ các quốc gia khác trên thế giới trong đó có Việt Nam. Sản phẩm dệt may luôn nằm trong số các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang thị trường này với kim ngạch đạt 1,2 triệu USD năm 2012, 1,76 triệu USD năm 2013 và 2,6 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2014.
Hàng vải sợi
Ma-rốc là một trong những nước có ngành công nghiệp dệt may giữ vai trò hàng đầu, đóng góp 42% số việc làm và 34% kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp nói chung năm 2011. Để phục vụ hoạt động gia công và xuất khẩu, mỗi năm, nước này phải nhập khẩu nhiều loại nguyên phụ liệu dệt may. Năm 2012, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng vải, xơ, sợi của Ma-rốc từ Việt Nam đạt 4,5 triệu USD. Đến năm 2013 con số này giảm xuống còn 1,8 triệu USD trước khi tăng lên 2,2 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2014.
Giày dép
Mặc dù là nước sản xuất giày dép lớn tại châu Phi song Ma-rốc cũng nhập khẩu nhiều mặt hàng này. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Ma-rốc đạt 2,3 triệu USD, còn trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 triệu USD.
Hóa chất
Mặc dù là mặt hàng mới song kim ngạch xuất khẩu hóa chất của Việt Nam sang Ma-rốc đã tăng trưởng đều đặn từ 858.718 USD năm 2012 lên 1,3 triệu USD năm 2013 và 1,6 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2014.
Các mặt hàng nhập khẩu tiềm năng từ Ma-rốc
Phốt phát và phân DAP:
Ma-rốc có những mỏ phốt phát lớn nhất thế giới, nằm ở Khouribga, Benguerir và Bu Cra phía Tây Xahara chiếm ¾ trữ lượng thế giới (37 tỷ m3). Đây là quốc gia sản xuất phốt phát lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ) và là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới sản phẩm này với khối lượng khoảng 30 triệu tấn, doanh thu xuất khẩu trung bình đạt trên 900 triệu USD/năm, chiếm 33,3% thị phần quốc tế.
Tập đoàn phốt phát Ma-rốc ( Office Chérichien des Phosphates-CPP) là công ty xuất khẩu phốt phát đứng đầu thế giới (33,3% thị phần). Tập đoàn này dự kiến sẽ tăng 4,3% khối lượng xuất khẩu bằng cách tăng 4,6% xuất khẩu quặng phốt phát và 4% sản phẩm từ phốt phát.
Một nửa số quặng được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu sang khoảng 40 nước trên thế giới. Nửa còn lại được giao cho các khu liên hợp hoá chất thuộc tập đoàn để chế biến thành các sản phẩm dẫn xuất như axít phốtphorich cơ bản, axít phốtphorich lọc, phân bón ở thể rắn. Phần lớn các loại phân bón trong đó chủ yếu là phân DAP lại được đem xuất khẩu.
Năm 1999, Việt Nam nhập khẩu gần 2 triệu USD phốt phát của Ma-rốc. Những năm gần đây, các công ty Việt Nam chuyển sang mua phân DAP từ thị trường này với kim ngạch đạt 613.000 USD năm 2012 và 1,1 triệu USD năm 2013. Trong 6 tháng đầu năm 2014, nhập khẩu phân DAP của Việt Nam từ Ma-rốc tăng mạnh, đạt 3,4 triệu USD.
Hàng hải sản
Với 3.500 km bờ biển, Ma-rốc là nhà sản xuất hàng đầu về cá ở châu Phi, chiếm 1,2% sản lượng cá thế giới và đứng hàng thứ 25 ở cấp độ toàn cầu. Việc đánh bắt và xuất khẩu cá chủ yếu tập trung vào loài cá xác-đin nổi tiếng của nước này.
Năm 2013, Việt Nam đã nhập khẩu hải sản từ Ma-rốc với kim ngạch đạt 2,2 triệu USD, tăng hơn 10 lần so với năm 2012.
Sản phẩm từ ôliu
Ô liu là loài cây ăn quả đóng vai trò kinh tế-xã hội quan trọng tại nhiều vùng nông nghiệp của Vương quốc Ma-rốc. Sản lượng trung bình của cả nước hiện nay (60.000 tấn dầu ô liu và 60.000 tấn quả ô liu thực phẩm) chưa phản ánh hết tiềm năng thực sự của ngành trồng trọt này.
Theo Hội đồng Ô liu thế giới, Ma-rốc xếp vị trí thứ 5 trong số các nước và khu vực có sản xuất ô liu với 63.000 tấn mỗi năm (chiếm 2,3%), đứng sau EU (27 nước) : 2.094.000 tấn (77,3%), Tuy-ni-di : 164.000 tấn (6,1%), Thổ Nhĩ Kỳ : 128.000 tấn (4,7%), Xi-ri : 125.000 tấn (4,6%).
Ngoài phục vụ thị trường địa phương, Ma-rốc còn là nước xuất khẩu dầu ô liu có tiếng trên thế giới.
Cam quýt
Về trái cây, cam quýt, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội tại Ma-rốc, hàng năm mang lại nguồn ngoại tệ tương đương với 3 tỷ DH, tạo công ăn việc làm với khoảng 21 triệu giờ lao động. Cam Ma-rốc được xuất nhiều sang thị trường châu Âu và châu Mỹ. Hiện nay, Nga là nước nhập khẩu cam quýt lớn nhất, chiếm 44% số lượng xuất khẩu của Ma-rốc và là khách hàng số một trước cả EU. Canađa chiếm vị trí thứ hai (11%) với khối lượng nhập khẩu tăng trên 30% kể từ hai năm nay.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện
Ma-rốc cũng là nước gia công, sản xuất, xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lớn tại khu vực châu Phi. Năm 2013,Việt Nam đã nhập khẩu nhóm hàng này từ Ma-rốc với kim ngạch 2 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2014, con số này là 731.000 USD.