Nhìn lại quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Bắc Phi
Nhờ đó, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đã không ngừng tăng cao. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước Bắc Phi đạt 608 triệu USD, tăng 35% so với năm 2011 và chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang toàn khu vực Châu Phi 55 nước. Kim ngạch nhập khẩu từ Bắc Phi đạt 84,2 triệu USD, tăng 225% và chiếm 8% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ châu Phi.
6 tháng đầu năm 2013, do ảnh hưởng của tình tình bất ổn chính trị tại Ai Cập, Xu-đăng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này chỉ đạt 305,75 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2012 trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 14,87 triệu USD, tăng 62%. Mặc dù vậy, đây vẫn là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của Việt Nam và hứa hẹn nhiều triển vọng trong thời gian tới.
Theo phân chia địa lý của Liên Hiệp quốc, Bắc Phi bao gồm 6 quốc gia là Ai Cập, An-giê-ri, Ma-rốc, Li-bi, Xu-đăng và Tuy-ni-di. Đây được xem là một phần của thế giới Ả rập, người dân có màu da trắng, trái ngược với “châu Phi đen” hay “châu Phi hạ Sahara” gồm 48 quốc gia.
Nền kinh tế của các nước An-giê-ri, Li-bi và Xu-đăng chủ yếu dựa vào thế mạnh là tài nguyên dầu lửa và khí đốt tự nhiên phong phú nằm trên sa mạc. Trong khi đó ngành xuất khẩu lớn nhất của Ma-rốc là phốt phát và các sản phẩm nông nghiệp. Đối với Ai Cập, Tuy-ni-di và Ma-rốc, du lịch, sản xuất hàng công nghiệp điện tử, gia công dệt may là những lĩnh vực kinh tế then chốt.
Sau khi phong trào Mùa xuân A rập đi qua (năm 2011), nền kinh tế khu vực Bắc Phi đã dần phục hồi trở lại, đạt mức tăng trưởng 3,6% năm 2012 trong đó riêng Li-bi đạt tốc độ tăng trưởng 17% nhờ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu dầu lửa. Thậm chí nhu cầu nhập khẩu của những nước này còn cao hơn thời điểm trước khi diễn ra biến cố chính trị do sản xuất trong nước bị đình trệ vì nội chiến.
Bắc Phi là thị trường có tổng dân số 210 triệu người trong đó số người dân theo đạo Hồi chiếm trên 90%. Ngoài tiếng A rập ra, các ngôn ngữ sử dụng phổ biến là tiếng Anh (ở Ai Cập, Li-bi, Xu-đăng) và tiếng Pháp (ở An-giê-ri, Ma-rốc và Tuy-ni-di). Tại khu vực thị trường này thời gian qua ít khi xảy ra những vụ lừa đảo thương mại qua mạng internet.
Trước đây, các nước Bắc Phi chủ yếu tập trung phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với các đối tác truyền thống là châu Âu và châu Mỹ (chiếm tới 80% giao dịch thương mại). Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã tác động xấu đến tổng cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Bắc Phi, do đó các quốc gia khu vực này đang thực hiện mục tiêu đa dạng hóa đối tác thương mại, hướng tới phát triển quan hệ với các nước Châu Á trong đó có Việt Nam.
Bắc Phi là khu vực có số lượng cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại của Việt Nam nhiều nhất châu Phi. Cho đến nay, Việt Nam đã mở Đại sứ quán tại 4 nước là Ai Cập, An-giê-ri, Ma-rốc, Li-bi (trên tổng số 9 Đại sứ quán Việt Nam tại châu Phi) và có cơ quan Thương vụ tại 3 nước là Ai Cập, An-giê-ri và Ma-rốc (trên tổng số 5 Thương vụ tại châu Phi).
Ngược lại, đã có 5 nước Bắc Phi là Ai Cập, An-giê-ri, Ma-rốc, Li-bi và Xu-đăng mở Đại sứ quán tại Việt Nam. Đây là một lợi thế để các doanh nghiệp hai bên có thể tìm hiểu thông tin thị trường, đối tác cũng như làm các thủ tục xuất nhập cảnh. Việt Nam và các nước Bắc Phi cũng đã ký nhiều thỏa thuận quan trọng trong đó có Hiệp định thương mại, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định chống đánh thuế hai lần… tạo khung pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Do tập trung chủ yếu vào phát triển một số ngành công nghiệp chủ đạo như dầu khí, khoáng sản, phốt phát nên sản xuất hàng nông sản và hàng tiêu dùng tại hầu hết các nước Bắc Phi đều không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Theo WTO, trong số 10 thị trường châu Phi nhập khẩu nhiều nhất năm 2012 thì Bắc Phi có tới 5 thị trường là Ai Cập (đứng thứ 3 với kim ngạch 58,7 tỷ USD), An-giê-ri (thứ 4 với 47,5 tỷ USD), Ma-rốc (thứ 5 với 42,5 tỷ USD), Tuy-ni-di (thứ 6 với 23,5 tỷ USD) và Li-bi (thứ 10 với 16,3 tỷ USD).
Trong số các mặt hàng nhập khẩu chính có nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu), thủy sản (cá tra, ba sa, tôm), sản phẩm công nghiệp (hàng dệt may, vải sợi, máy vi tính và linh kiện, điện thoại, hàng điện tử, xe đạp xe máy và linh kiện) là những nhóm hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu và cũng đã có chỗ đứng trên thị trường này thời gian qua.
Năm 2012, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 6 nước Bắc Phi đạt 692 triệu USD trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 608 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 84,2 triệu USD. Trong cán cân thương mại với các nước Bắc Phi, Việt Nam thường xuất siêu với giá trị lớn. Về mặt hàng xuất khẩu, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Bắc Phi các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt tiêu; thủy sản (cá tra và tôm); quần áo, vải; điện thoại và linh kiện; máy tính và linh kiện điện tử; phương tiện vận tải. Về nhập khẩu, Việt Nam mua từ khu vực này nguyên phụ liệu dệt may da giày, dầu thô, phân DAP, tân dược, bột cá làm thức ăn gia súc… với khối lượng và kim ngạch còn hạn chế.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Bắc Phi là Ai Cập. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này đạt 297,82 triệu USD, tăng 26% so với năm 2011 với các mặt chính gồm hàng thủy sản đạt 79,66 triệu USD, tiếp đến là hạt tiêu 36,46 triệu USD, xơ, sợi dệt các loại 37,81 triệu USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 22,2 triệu USD, phương tiện vận tải và phụ tùng 18 triệu USD, cà phê 15 triệu USD, hàng dệt may 9,5 triệu USD… 6 tháng đầu năm nay, do tình hình chính trị tại Ai Cập bất ổn, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 122 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, Ai Cập vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại Châu Phi sau Nam Phi và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Bắc Phi. Về nhập khẩu, Việt Nam mua của Ai Cập chủ yếu là các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày, quặng và khoáng sản, xơ, sợi dệt các loại, sản phẩm từ dầu mỏ, sữa… với kim ngạch đạt 7,55 triệu USD năm 2012 và 5,2 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2013.
Tiếp đến là thị trường An-giê-ri với kim ngạch xuất khẩu đạt 129 triệu USD năm 2012, tăng 28% so với năm 2011, trong đó cà phê chiếm 58,96 triệu USD, gạo 35,61 triệu USD, thủy sản 9,5 triệu USD, hạt tiêu 6,5 triệu USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 3,4 triệu USD, điện thoại và linh kiện 3,2 triệu USD, hàng rau quả 2 triệu USD... 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này đạt 88 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012. An-giê-ri là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Bắc Phi và thứ 5 tại Châu Phi. Nhập khẩu của Việt Nam từ An-giê-ri không đáng kể chỉ đạt 1 triệu USD năm 2012 và 1,13 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2013 với các mặt hàng bột cà rốt, gỗ, sắt thép, tân dược.
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ma-rốc đạt 81,75 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2011 trong đó xuất khẩu điện thoại đạt 36,8 triệu USD, cà phê 13,67 triệu USD, hàng thủy sản 4,2 triệu USD, tàu thuyền các loại 2,8 triệu USD, xơ sợi dệt các loại 2,6 triệu USD, sản phẩm từ sắt thép 2 triệu USD, vải các loại 1,9 triệu USD... Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang Ma-rốc đạt 50,10 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Về nhập khẩu của Việt Nam từ Ma-rốc chỉ đạt 2,9 triệu USD năm 2012 và 4,2 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2013 với các mặt hàng phân DAP, hàng hải sản, dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện, sản phẩm dệt may, tân dược, nguyên phụ liệu dệt may, da giày.
Xếp thứ 4 tại khu vực Bắc Phi là thị trường Tuy-ni-di với kim ngạch xuất khẩu đạt 43,6 triệu USD năm 2012, tăng gần gấp đôi năm 2011. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Tuy-ni-di gồm cà phê đạt 16 triệu USD, hàng thuỷ sản 11 triệu USD, hạt tiêu 4,2 triệu USD, điện thoại các loại và linh kiện 3,9 triệu USD, hạt điều 2,6 triệu USD,...6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang Tuy-ni-di đạt 21,38 triệu USD, giảm 8%. Về nhập khẩu, kim ngạch đạt 7,6 triệu USD năm 2012 và 3,4 triệu USD tính đến hết quý II/2013 gồm máy móc thiết bị, hóa chất, thức ăn gia súc, sản phẩm dệt may.
Đứng vị trí thứ 5 là Xu-đăng với kim ngạch xuất khẩu đạt 28,9 triệu USD năm 2012, tăng 28% trong đó hàng dệt may chiếm 15,5 triệu USD, gạo 2,4 triệu USD, hàng thuỷ sản 2,2 triệu USD, linh kiện ôtô 1,5 triệu USD. 6 tháng đầu 2013, kim ngạch xuất khẩu sang Xu-đăng đạt 9,8 triệu USD, giảm 18%. Về nhập khẩu, kim ngạch không đáng kể chỉ đạt 375.705 USD năm 2012 và 94.528 USD trong 6 tháng đầu năm 2013, với các mặt hàng chính là gôm Ả rập, vỏ sò, sắt thép phế liệu.
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sang Li-bi đạt 27,2 triệu USD, tăng 273% so với năm 2011. Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Li-bi chủ yếu là thủy sản 6,5 triệu USD, sản phẩm dệt may 3,57 triệu USD, hạt điều 2,7 triệu USD, túi xách, ví, va li, mũ ô dù 2,36 triệu USD, cà phê 1,96 triệu USD, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc 1,5 triệu USD... Đến hết quý II/2013, kim ngạch xuất khẩu sang Li-bi đạt 14,47 triệu USD, tăng 66%. Về nhập khẩu, năm 2012, kim ngạch đạt 63,6 triệu USD, chủ yếu là dầu thô. Đây là năm đầu tiên Việt Nam nhập khẩu dầu thô từ quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam không nhập khẩu mặt hàng gì từ Li-bi.
Cùng với việc tình hình chính trị tại các nước Bắc Phi đi vào ổn định và kinh tế được cải thiện nhờ giá dầu lửa và khoáng sản trên thị trường thế giới tăng cao, kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước, Bắc Phi sẽ là thị trường mà Việt Nam có nhiều triển vọng tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.
Hiện nay, ngoài hoạt động thương mại thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam và Châu Phi có xu hướng đầu tư sang những thị trường tiềm năng để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, nguồn nhân công giá rẻ và hưởng những ưu đãi về thuế khi sản xuất và xuất khẩu tại chỗ hoặc tái xuất.
Năm 2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy phép cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư 208 triệu USD sang An-giê-ri để thăm dò và khai thác dầu khí. Đây được coi là bước đột phá của ngành dầu khí Việt Nam trong việc mở rộng hợp tác khai thác dầu khí ở Châu Phi.
Hiện nay, Liên doanh dầu khí “Bir Seba” (BRS) giữa PVN, Công ty Dầu khí Quốc gia An-giê-ri (Sonatrach) và Tập đoàn dầu khí Thái Lan đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc khai thác mỏ cùng tên vào quý I năm 2014.
Về tình hình đầu tư của các nước Bắc Phi vào Việt Nam, tính đến hết năm 2012, Ma-rốc có 1 dự án đầu tư trong lĩnh vực thời trang, may mặc với tổng số vốn 1 triệu USD.
Ai Cập cũng có 1 dự án sản xuất bong bóng các loại với tổng vốn 400.000 USD.