Kế hoạch điều tiết sản xuất và chống hạn hán của Thái Lan trong năm 2016
Kế hoạch cắt giảm sản lượng gạo
Chính phủ Thái Lan đang xem xét việc cắt giảm sản lượng gạo trong vụ mùa 2016-17 xuống mức sản lượng 25 triệu tấn thóc hoặc tương đương 16,5 triệu tấn gạo sau khi xay xát so với triển vọng 27,06 triệu tấn thóc trước đó. Quyết định cắt giảm sản lượng gạo được đưa ra trong bối cảnh dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong năm 2016 sẽ giảm mạnh do tình hình hạn hán kéo dài tại nhiều quốc gia trên thế giới. Sản lượng gạo toàn cầu trong năm 2016 được dự báo ở mức 469,32 triệu tấn. Hiện nay, sản lượng gạo Thái Lan hiện trung bình ở mức 31-32 triệu tấn thóc hoặc tương đương 20,5-21,1 triệu tấn gạo sau khi đã được xay sát. Trong số này, trung bình khoảng 50% được sử dụng trong nước và phần còn lại được dùng để xuất khẩu.
Song song với đó, để đối phó với tính hình khó khăn trong việc sản xuất gạo, Chính phủ Thái Lan sẽ triển khai thực hiện chương trình khuyến khích nông dân trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn trong vụ mùa khô. Các ngân hàng của Chính phủ và Ủy ban Đầu tư Thái Lan sẽ triển khai thực hiện nhiều chương trình giúp đỡ nông dân. Ngân hàng Tiết kiệm Chính phủ (GSB) và Ngân hàng Nông nghiệp, Hợp tác Nông Nghiệp (BAAC) sẽ hỗ trợ người nông dân chuyển sang các loại cây trồng khác. Khối tư nhân sẽ chịu trách nhiệm xây dựng các chương trinh thí điểm nuôi trồng nhiều loại cây trồng trước khi trình phê duyệt và chính thức triển khai trên diện rộng.
Điều tiết nguồn nước chống hạn hán
Trong nỗ lực đối phó với tình hình hạn hán kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất gạo, Ủy ban Quốc gia về Nguồn Nước của Thái Lan vừa qua đã thông qua hai dự án điều tiết nguồn nước từ sông phục vụ mục đích tưới tiêu. Dự kiến, Chính phủ Thái Lan sẽ chi khoảng 1,7 triệu USD để triển khai thực hiện hai dự án trên.
Trong khoản ngân sách 1,7 tỉ USD, 1,3 tỉ USD sẽ được sử dụng để điều tiết nguồn nước từ sông Yuam, tỉnh Mae Hong Son và 385 triệu USD được sử dụng để điều tiết nguồn nước từ sông Nam Ngum, Lào tới kênh Huai Luang, tỉnh Udon Thani và sông Pao, tỉnh Kalasin. Mục tiêu của hai dự án trên nhằm cung cấp nước cho khoảng 300.000 rai (48.000 hectares) đất trồng chủ yếu tại khu vực phía Bắc Thái Lan. Tuy nhiên, về dài hạn, lượng nước hiện nay không đủ cung cấp cho khoảng 2 triệu rai (320.000 hectares) diện tích trồng lúa trong mùa khô.
Nhằm phục vụ việc triển khai dự án, Vụ Canh tác, Bộ Nội vụ, và Cơ quan Phát điện của Thái Lan được giao trọng trách tìm hiểu và nghiên cứu ảnh hưởng đến môi trường của hai dự án trên. Thời gian hoàn thành chương trình tìm hiểu và nghiên cứu dự kiến trong khoảng 18 tháng. Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng sẽ làm việc với Chính phủ Cam-pu-chia, Lào và My-an-ma về việc triển khai hai dự án điều tiết nguồn nước trên do một trong những địa điểm triển khai xuất phát tại sông Nam Ngum, Lào.
Hiện tại, Thái Lan có khoảng 720 tỉ mét khối nước mưa hàng năm. Tuy nhiên, hệ thống kênh rạch và hồ chứa mới chỉ đáp ứng được khoảng 79 tỉ mét khối nước tương đương với khoảng 10,8% lượng nước mưa hàng năm. Việc xây dựng mới kênh rạch và hồ chứa không khả thi do những lo ngại về môi trường. Chính vì vậy, việc điều tiết nguồn nước được cho là quyết định cần thiết cần được ưu tiên triển khai.