Chính phủ Trung Quốc và "cơn khát" công nghệ Đức
Tuy nhiên Trung Quốc (TQ) không đặt nặng vào việc nâng cao khả năng nghiên cứu, phát triển công nghệ và lao động sáng tạo của doanh nghiệp nội địa, mà tập trung dùng tiền mua công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ đỉnh cao ở nước ngoài.
Với tiêu đề "Made in China 2025", những nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh liệt kê những ngành nghề, lĩnh vực mà họ muốn mua ở những nước có nền công nghệ phát triển, trong đó họ đặc biệt nhằm vào Đức. Nguồn tiền có thể từ các doanh nghiệp cả nhà nước và tư nhân, các quỹ. Và những lĩnh vực mà họ chú ý đến gồm : Kỹ thuật hàng không và vũ trụ, kỹ thuật đường sắt, công nghệ thông tin, kỹ thuật y tế, người máy và điều khiển học và tất cả những lĩnh vực khác mà Đức có thế mạnh hoặc dẫn đầu thế giới.
Một số mục tiêu TQ muốn nhằm vào:
Công ty First Sensor ở Berlin có 800 nhân công và với doanh thu năm ngoái đạt 140 triệu euro, chuyên sản xuất các sensor (cảm ứng) cho ngành sản xuất công nghiệp, kỹ thuật y tế, tự động hóa trong lĩnh vực giao thông.
Trong lĩnh vực giao thông đường sắt, mục tiêu nhằm vào Siemens và Bombadier; hai tập đoàn này đã có liên doanh với TQ. Tuy vậy TQ vẫn cần có công nghệ cao, trong đó chú ý là Công ty Vosioh, một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật đường sắt, được coi là "viên ngọc" của công nghiệp Đức.
Ngành công nghiệp hàng không, ngoài Boeing và Airbus, TQ chú ý đến Nhà sản xuất động cơ như MTU ở Friedrichshafen và AWB Aviation ở Lampertheim bang Hessen, cũng như nhà sản xuất điện tử hàng không Becker Avionics ở Rheinmünster bang Baden-Württemberg.
Về kỹ thuật y tế, mục tiêu của TQ là mua những công nghệ cao để ứng dụng trong lĩnh vực y tế ở trong nước. Họ quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực chiếu xạ trị điều trị ung thư, trồng cấy răng, hàm. B.Braun ở Melsungen (Hessen) hoặc nhà sản xuất răng hàm giả Oto Bock ở Duderstadt.
Hiện TQ đang đàm phán mua tập đoàn OSRAM, doanh thu 5,6 tỷ euro, sản xuất LED- Chipscho ngành sản xuất ô tô và điện thoại di động thông minh. Đây cũng là tập đoàn có lượng đăng ký bản quyền sáng chế nhiều nhất (18.000).
Như vậy từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã và đang đàm phán để mua Tập đoàn KUKA (sản xuất người máy công nghiệp), Krauss-Maffei (vật liệu nhựa đặc chủng) và Osram.
Theo Bloomberg, các tập đoàn, công ty với công nghệ cao của Đức là mối quan tâm đặc biệt của TQ. So với năm 2015 thì năm nay số tiền TQ dùng để mua công nghệ cao có thể tăng thêm 10 tỷ euro, bao gồm 3,8 tỷ mua Kuka, 900 triệu euro mua Krauss-Maffai và 680 triệu euro mua Aixtron.
Sở dĩ công ty công nghệ Đức được ưa chuộng đối với các doanh nghiệp TQ là do họ có công nghệ tiên tiến và kết nối cao ở thị trường toàn Châu Âu. Đối với Osram, TQ quyết tâm mua bằng được vì họ bị thất bại trong thương vụ mua bán Philips ở Mỹ.
Tuy vậy thì việc mua các công ty công nghệ cao của Đức cũng không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì : i) nhiều công ty của Đức là công ty gia đình có truyền thống lâu đời, họ không sẵn sàng bán công nghệ như những tập đoàn, công ty lớn; ii) Chính phủ Đức và nhiều nước châu Âu lo ngại vì thiếu tính minh bạch, độ tin cậy không cao (nhiều trường hợp không biết rõ về người mua, có thể Nhà nước TQ đứng đằng sau) và họ lo ngại việc bán hết công nghệ đỉnh cao, công nghệ nguồn cho TQ và iii) Trong khi TQ sang mua công nghệ ở châu Âu thì tại thị trường nội địa họ lại đóng cửa với doanh nghiệp châu Âu trong nhiều lĩnh vực.
Ngoài ra, dòng tư bản từ TQ cũng đang chảy sang Anh để "đón đầu" việc Anh rời EU và cần vốn từ TQ. Hiện TQ đang quan tâm đến những dự án về hạ tầng và ngành năng lượng và đã tham gia vào 17 doanh nghiệp Anh với số tiền đầu tư lên đến 2,3 tỷ USD.
Đầu tư từ TQ vào Anh được hoan nghênh ở Anh vì theo Bloomberg thì đầu tư vào Anh giảm sút đáng kể sau kết quả bỏ phiếu Brexit, từ đầu năm đến tháng 5 vừa qua đầu tư vào hạ tầng bất động ở Anh là 16,9 tỷ bảng Anh, so với 33 tỷ của năm ngoái và dự tính trong ba năm tới giá mua văn phòng ở London sẽ giảm 20%.