Bản tin thị trường Úc tháng 7 năm 2015
Úc cấp 90 triệu đôla Úc hỗ trợ Việt Nam phát triển giai đoạn 2015 – 2020
Hội nghị Tham vấn Cấp cao Úc – Việt Nam về hợp tác phát triển đã diễn ra tại Hà Nội ngày 9.7 nhằm thảo luận các trọng tâm ưu tiên của chương trình viện trợ của Úc cho Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020.
Úc khẳng định trong năm tài chính 2015-2016 sẽ cung cấp nguồn vốn viện trợ khoảng 90 triệu đôla Úc cho Việt Nam, trong đó có khoảng 60 triệu đôla là nguồn tài trợ song phương trực tiếp.
“Chúng tôi đánh giá cao bản kế hoạch viện trợ mới do Chính phủ Úc đề xuất vì kế hoạch này gắn liền với các trọng tâm ưu tiên mà Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã đề ra” – ông Nguyễn Chí Dũng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Trưởng đoàn Việt Nam, đồng chủ tọa hội nghị, cho biết.
Theo ông Craig Chittick, Trưởng đoàn Úc: “Úc tiếp tục cam kết hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, cũng như việc triển khai một chương trình viện trợ chất lượng cao, có trọng tâm nhằm hỗ trợ các mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một đất nước công nghiệp hóa vào năm 2020”.
Chương trình viện trợ phát triển của Úc tại Việt Nam sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên: Tăng cường và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân trong phát triển kinh tế; Hỗ trợ xây dựng và tạo việc làm cho lực lượng lao động có tay nghề cao; Thúc đẩy việc nâng cao năng lực kinh tế cho phụ nữ, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.
Bình Định chấp thuận dự án nuôi tôm trong nhà kính
Công ty cổ phần Thủy sản Việt - Úc sẽ phát triển dự án nuôi trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính tại tỉnh Bình Định.
Thông tin từ Trung tâm xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, chính quyền tỉnh vừa chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp này đầu tư dự án trên khu đất 300 héc ta tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.
Với vốn đầu tư dự kiến là 800 tỉ đồng, dự án nhằm sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu trực tiếp ra các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản.
Bên cạnh đó, dự án sẽ tạo ra sản phẩm cung cấp trực tiếp cho các công ty, nhà máy chế biến trong tỉnh cũng như toàn quốc.
Theo tiến độ dự án trong giai đoạn 1, trước mắt tỉnh Bình Định sẽ giao cho nhà đầu tư 100 héc ta để xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao và sẽ giao tiếp 200 héc ta còn lại sau khi nhà đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng nhà máy chế biến.
Theo hồ sơ dự án đầu tư, nhiều công nghệ cao được áp dụng cho dự án tại đây như công nghệ nhà màng Israel; công nghệ lọc nước tuần hoàn của Mỹ và Hà Lan; sử dụng chế phẩm sinh học; ao nuôi có mái che phủ.
Theo chủ đầu tư, đây là những công nghệ có tính thực tiễn cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Việt Nam, hạn chế rủi ro, tăng mùa vụ và giảm chi phí giá thành sản xuất. Trong đó, hệ thống xử lý nước tuần hoàn của Mỹ và Hà Lan được đầu tư để đảm bảo mô hình nuôi có chất lượng nước ổn định và không gây ô nhiễm môi trường.
Huyện Phù Mỹ của tỉnh Bình Định là một trong những vùng có lợi thế cho việc phát triển vùng nuôi tôm xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều vấn đề bất cập xảy ra tại đây như hệ thống ao xử lý quá tải; nhiều ao nuôi thải nước thải trực tiếp ra cồn cát; nuôi tôm sử dụng nhiều nước ngọt; chưa được đầu tư hệ thống ao chứa và xử lý chất thải rắn; một số diện tích phát triển tự phát không có đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải.
Lắp đặt camera theo dõi gia súc nhập khẩu từ Úc vào Việt Nam
Công ty Elders của Úc đang sẵn sàng khởi động một hệ thống CCTV camera lớn để có thể theo dõi tình hình của gia súc xuất khẩu sang Việt Nam.
Công ty Úc này đang nhắm tới xuất khẩu 50.000 đầu gia súc sang Việt Nam năm nay và đã đầu tư nhiều vào một hệ thống theo dõi để đảm bảo gia súc không bị đưa ra khỏi chuỗi cung cấp và đối xử thiếu nhân đạo.
Tổng giám đốc xuất khẩu của Elders, Cameron Hall, cho biết công ty đã cho lắp đặt camera theo dõi tại mỗi chuồng và lò sát sinh trong chuỗi cung cấp của họ.
"Chỉ còn hai tuần nữa là chúng tôi sẽ có hình ảnh trực tiếp truyền từ mọi cơ sở, bao gồm các chuồng trại và lò mổ trong chuỗi cung cấp của chúng tôi sẽ có camera,” ông nói.
"Sẽ có những điểm quét NLIS, để mỗi con vật đi qua những máy quét đấy đều được chụp hình, đến tận điểm chúng được đưa đi sát sinh.”
"Chúng tôi cũng sẽ nhận được hình ảnh trực tiếp, 24/7 từ những cơ sở để biết chuyện gì đang xảy ra ở đó.”
"Như vậy, ngay lập tức nếu có vấn đề gì thì chúng tôi sẽ được biết liền và chúng tôi có thể có hành động tức khắc để giải quyết vấn đề.”
Ông Hall cho biết một công ty biệt lập tại Indonesia phụ trách giám sát các hình ảnh của CCTV.
Theo ông việc sử dụng máy quay và quét sẽ là tương lai đối với các thị trường xuất khẩu gia súc sống mới.
Trung Quốc quyết định nhập khẩu khối lượng lớn bò thịt từ Úc trong khi In-đô-nê-xi-a cắt giảm mạnh hạn ngạch nhập khẩu
Sau quá trình đàm phán kéo dài 18 tháng, ngày 20 tháng 7 năm 2015, Úc và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận xuất khẩu bò sống với số lượng dự tính khoảng 1 triệu con bò mỗi năm kể từ đầu năm 2016. Với thỏa thuận này Úc trở thành nước đầu tiên trên thế giới thâm nhập thị trường bò thịt của Trung Quốc.
Hàng năm Úc xuất khẩu khoảng 1,2 triệu con bò thịt. Như vậy số lượng bò sống xuất khẩu mỗi năm của Úc sẽ tăng gấp đôi. Với năng lực sản xuất hiện tại thì Úc chưa thể đáp ứng đủ yêu cầu của phía Trung Quốc nhưng số lượng xuất khẩu sẽ tăng từ từ mỗi năm và dự kiến sẽ đạt tới một triệu con trong khoảng thời giản từ 8 đến 10 năm tới. Đợt xuất khẩu đầu tiên sang thị trường Trung Quốc vào đầu năm 2016 sẽ có khoảng 40-50 nghìn con.
Hiệp định xuất khẩu thịt bò giữa Úc và Trung Quốc không nằm trong khuôn khổ của Hiệp định tự do Thương mại (FTA) giữa hai nước nhưng được hưởng lợi về thuế suất, giảm từ 10% xuống 0% nhờ có FTA.
Đây là một tin vui đối với ngành nông nghiệp Úc tiếp sau tin sốc thứ 3 tuần trước (15/7) - In-đô-nê-xi-a, chiếm 56% thị phần, quyết định cắt giảm 80% hạn ngạch nhập khẩu bò Úc trong quý III năm 2015 xuống chỉ còn 50 nghìn con, giảm 200 nghìn con so với quý trước.
Úc có thể trở thành một Hy Lạp mới
Sự bùng nổ nhu cầu nguyên liệu đã đem lại may mắn cho nước Úc nhưng đồng thời cũng khiến nước này tăng nợ để đầu tư vào khai thác sản xuất. Nay tốc độ tăng trưởng và nhu cầu nguyên liệu của Trung Quốc giảm, đẩy nước Úc vào giai đoạn khó khăn.
Tháng trước, Gina Rinehart, người phụ nữ giàu nhất Úc, người đứng đầu đế chế mỏ Hancock của Perth đã gây sốc cho công nhân của bà ở vùng Tây Úc với tuyên bố: họ phải chấp thuận bị cắt khoảng 10% lương hoặc đối mặt với nguy cơ bị giảm biên chế.
Bà Rinehart, mà gia đình vốn làm giàu từ nguồn lợi khổng lồ từ khai thác quặng sắt, đã chứng kiến tài sản của mình teo tóp lại từ khi giá nguyên liệu thô bắt đầu tuột dốc vào năm ngoái. Tài sản của bà trùm khai thác mỏ nước Úc này ước tính rớt xuống còn khoảng 11 tỉ đô la từ khoảng 30 tỉ đô la chỉ ba năm trước, theo The Telegraph.
Chuyện xảy ra với tài sản của bà Rinehart cũng là tương tự với vấn đề kinh tế mà nước Úc đang phải đối mặt, sau nhiều năm được xem là đất nước may mắn vì giàu tài nguyên, khoáng sản như quặng sắt, than và vàng. Trong những năm bùng nổ phát triển và nhu cầu nguyên liệu, Trung Quốc dường như “mua bao nhiêu cũng không đủ” mọi thứ tài nguyên khoáng sản Úc đào lên khỏi mặt đất, nhất là quặng sắt cho ngành công nghiệp thép của Trung Quốc. Kinh tế của Úc lúc này giống như đất nước dầu mỏ giàu có Ảrập Saudi.
Trong khi phần còn lại của thế giới chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế của Úc, gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc - dường như miễn nhiễm với khủng hoảng, việc làm và thặng dư thương mại vẫn luôn dồi dào.
Vì sao đô la Úc mất giá?
Theo tờ The Sydney Morning Herald, đô la Úc đã ở mức thấp nhất trong sáu năm trong tuần này, một đô la Úc chỉ đổi được ít hơn 0,75 đô la Mỹ, lần đầu tiên kể từ năm 2009. Nghĩa là đô la Úc mất thêm 9% giá trị so với đô la Mỹ kể từ giữa tháng 5, và mất 20% trong vòng 12 tháng qua.
Mức tăng trưởng GDP thật của Trung Quốc trong một thập niên vừa qua đang chứng tỏ là nguồn “điều khiển” mức tăng trưởng GDP danh nghĩa của Úc. Nguồn: ABS, CEIC, Datastream, UBS.
Bây giờ, khi Hy Lạp đang trên bờ vực khủng hoảng tài chính, bong bóng chứng khoán Trung Quốc vỡ và mối e ngại gia tăng về kinh tế toàn cầu, ít nhà phân tích nghi ngờ chuyện đồng tiền của Úc sẽ còn giảm thêm.
Ngân hàng Quốc gia Úc tuần này đã điều chỉnh dự báo tỷ giá hối đoái đô la Úc cuối năm nay, từ mức 0,74 đô la Mỹ xuống 0,72 đô la Mỹ.
Không chỉ kinh tế Úc là nạn nhân duy nhất, đồng kiwi (của New Zealand) và đô la Canada cũng giảm giá trị trong tuần này khi đô la Mỹ và yen Nhật trở thành nơi trú ẩn an toàn của giới đầu tư.
Giám đốc phụ trách chiến lược ngoại hối của BK Asset Management, Kathy Lien nói: “Các nhà đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng Hy Lạp, cuộc bán tháo tài sản vốn của người Trung Quốc và sự sụt giảm giá nguyên liệu có thể dẫn đến suy thoái nghiêm trọng cho kinh tế Úc, New Zealand và Canada”.
Các nước này đều có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu tài nguyên. Một phần khác là tài nguyên được mua bán bằng đô la Mỹ. Vì thế, nếu 1 đô la Úc chỉ đổi được 0,75 đô la Mỹ lúc giá một tấn quặng sắt là 55,26 đô la Mỹ thứ Sáu tuần trước, tự nhiên sẽ chuyển thành 0,74 đô la Mỹ vào thứ Ba tuần này khi giá quặng sắt rớt xuống còn 49,6 đô la Mỹ/tấn.
Tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc trong 6 tháng đầu năm 2015
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Úc đạt 2,54 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Úc đạt 1,56 tỷ
USD, giảm 17,52%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Úc đạt 977 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Việt Nam xuất siêu khoảng 583 triệu USD sang Úc.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Úc giảm chủ yếu là do giá dầu thô trên toàn thế giới giảm mạnh trong thời gian qua. Mặc dù đạt tốc độ tăng về lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu dầu thô vẫn giảm tới 57,7%. Trong mấy năm gần đây, xuất khẩu dầu thô chiếm khoảng ½ tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Úc, do vậy với kim ngạch dầu thô giảm mạnh sẽ kéo tổng kim ngạch xuất khẩu giảm. Nếu không tính dầu thô, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng phi dầu thô vẫn tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Đô la Úc mất giá liên tục và kéo dài – trở ngại đối với hàng xuất khẩu sang Úc
Kể từ khi thả nổi đồng tiền vào năm 1976, mục tiêu của chính sách tiền tệ của Úc là kiểm soát làm phát thay vì ổn định tỷ giá hối đoái. Vì vậy khi tỷ giá hối đoái tăng vọt hay sụt giảm mạnh, Chính phủ Úc cũng không hề có biện pháp nào kiểm soát biến động tỷ giá.
Từ năm 2001, đồng đô la Úc bắt đầu tăng giá. Quá trình tăng giá kéo dài suốt hơn một thập kỷ và đạt mức rất cao, đỉnh điểm đầu năm 2011 tỷ giá hối đoái AUD/USD là 1,1. Đây chính là thời điểm ngành công nghiệp khai khoáng của Úc tăng trưởng ngoạn mục, trong đó đặc biệt là quặng sắt và than gia tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc nhờ nhu cầu tăng vọt từ thị trường này. Giá xuất khẩu quặng sắt tháng 2/2011 đã lên đến mức đỉnh 187,18 AUD/Tấn.
Tuy nhiên khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thì cũng là lúc nhu cầu nhập khẩu quặng sắt giảm dần, giá xuất khẩu cũng giảm, kéo theo việc tỷ giá đồng AUD/USD giảm giá xuống 0,94 vào quý I năm 2014 và chỉ còn 0,7371 vào ngày 18/7/2015.
Do đã đầu tư quá mạnh vào ngành khai thác mỏ, có những mỏ sắt vừa mới hoặc sắp sửa đưa vào khai thác, những mỏ đã khai thác không chịu giảm sản lượng nên nguồn cung sẽ vẫn tăng, trong khi cầu xuất khẩu còn yếu nên các nhà quan sát nhận định giá quặng sắt, chỉ còn 51,15 AUD/tấn vào tháng 4/2015 và hiện đang dao động trong khoảng 55-57AUD/tấn, khó có có thể phục hồi trước cuối năm 2016. Vì vậy đồng đô la Úc được dự đoán là sẽ còn tiếp tục mất giá, thậm chí có dự đoán bi quan cho rằng tỷ giá hối đoái có thể về tới mức thấp nhất là 0,5AUD/USD vào cuối năm nay.
Xuất khẩu vải vào Úc: Giải “bài toán” giá và chất lượng
Năm 2015 là năm đầu tiên Úc cấp phép nhập khẩu (NK) trái vải Việt Nam. Để chuẩn bị cho việc đưa trái vải vào Úc ngay khi được cấp phép, cuối năm 2014, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại tại thị trường này.
Ngày 12/6/2015, chuyến hàng 3 tấn đầu tiên đã đến Melbourne và cho đến hết mùa vụ, hơn 32 tấn vải đã được xuất khẩu sang Úc bằng đường hàng không. Vải thiều Việt Nam được bán với giá 21-22 AUD/kg trong tuần đầu tiên và giảm xuống 15-16 AUD/kg vào các tuần tiếp theo khi lượng hàng trong nước được chuyển sang nhiều. Trong mùa đầu tiên, có 9 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu vải sang Úc.
Có thể thấy, kiều bào nói riêng và người tiêu dùng Úc nói chung đã đón nhận trái vải Việt Nam với thái độ tích cực. Vải Việt Nam đa phần đã đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường Úc về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thị trường Việt Nam mở cửa lại cho cam quýt và nho của Úc
Ngày 16/7 vừa qua, Chính phủ Úc vừa thông báo sự trở lại của các sản phẩm cam, quýt và nho vào thị trường Việt Nam sau lệnh cấm nhập khẩu từ tháng 1/2015.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Úc, Ông Barnaby Joyce phát biểu rằng Việt Nam đã tìm ra một loạt các biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo vấn đề an toàn sinh học.
"Chúng tôi đánh giá rất cao mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Úc và chúng tôi cam kết cung cấp cho Việt Nam các sản phẩm đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu nhập khẩu." Bộ trưởng Joyce nói.
“Úc luôn tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện vệ an toàn sinh học và tôi rất vui mừng rằng chúng tôi có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất của Việt Nam để xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Đó là lý do tại sao tôi đã làm việc rất chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp Việt Nam để cả hai bên cùng giải quyết các vấn đề chung. Australia đã có thể cung cấp chi tiết các bằng chứng về việc bảo đảm mạnh mẽ về cho hệ thống sản xuất ở khắp mọi nơi.
Gần đây nhất, Bộ Nông nghiệp Úc đã tạo điều kiện để các quan chức Việt Nam có chuyến tham quan xác minh vào tháng 5/2015. Trong chuyến thăm này, một bản dự thảo đã được thiết lập rằng Việt Nam sẽ cho phép nhập khẩu các sản phẩm cam, quýt và nho Úc”.
Giám đốc điều hành của Hiệp Hội nho Úc – Jeff Scott nói rằng ngành công nghiệp nho rất hoan nghênh việc nối lại xuất khẩu sang Việt Nam.
“Trước khi có lệnh tạm cấm nhập khẩu, giá trị xuất khẩu nho là 32 triệu đôla trong tổng số 40,9 triệu đô la giá trị các loại trái cây tươi nhập vào Việt Nam. Do vậy Việt Nam là thị trường rất quan trọng với nho Úc, là thị trường lớn thứ hai của chúng tôi. Tất cả những người trồng nho sẽ rất vui mừng về điều này và xin cảm ơn những nỗ lực của Bộ nông nghiệp đã giúp nối lại mối quan hệ thương mại trong thời điểm mùa nho sắp bắt đầu”.
Kế hoạch ngân sách năm 2015 của Úc
Bộ trưởng Ngân khố Joe Hockey dã đưa ra một kế hoạch với mức thâm hụt 35 tỷ đô cho năm 2015-16 và dự tính sẽ giảm xuống 7 tỷ vào năm 2018-19.
Chính phủ của ông Tony Abbott đã công bố kế hoạch ngân sách năm 2015 vào tối 12/5/2015. Một trong những lĩnh vực bị cắt giảm nhiều nhất lần này là viện trợ quốc tế. Indonesia bị cắt giảm 40 phần trăm viện trợ từ Úc trong khi một số nước như Việt Nam, Philippines và Myanmar mức viện trợ sẽ bị giảm 1 tỷ đô Úc. Viện trợ cho Châu Phi và Trung Đông cũng bị giảm gần 75 phần trăm, từ 143 triệu xuống 52,9 triệu đô.
Kế hoạch ngân sách năm nay được Bộ trưởng Ngân khố Joe Hockey miêu tả là một ngân sách khuyến khích người Úc “ra ngoài và tìm cơ hội của mình”.
Gói hỗ trợ trị giá 5,5 tỷ đô la dành cho 2 triệu doanh nghiệp nhỏ sẽ cùng với thay đổi trị giá 3,5 tỷ độ đối với hệ thống giữ trẻ tỏa sáng trong kế hoạch chi tiêu của chính phủ.
Các doanh nghiệp nhỏ sẽ được khấu trừ đối với những thiết bị và tài sản có giá trị dưới 20 nghìn đô Úc – tăng đột ngột từ mức 1000 đô hiện nay.
Việc khấu trừ tài sản ngay lập tức này sẽ bắt đầu có hiệu đến ngày 30 tháng Sáu năm 2017 và được biết sẽ chiếm 1,8 tỷ trong ngân sách của chính phủ.
“Xe hơi, xe tải, bếp và máy móc – tất cả những gì dưới 20 nghìn đô sẽ được khấu trừ thuế 100 phần trăm kể từ đêm nay,” ông Hockey tuyên bố trong kế hoạch ngân sách tối qua.
Nông dân cũng được khấu trừ thuế ngay lập tức đối với các tài sản, máy móc kể từ 2016.
Và từ tháng Bảy, tất cả các doanh nghiệp nhỏ sẽ được miễn 1,5% thuế doanh nghiệp, chiếm 3,3 tỷ trong ngân sách chính phủ.
Các nhóm doanh nghiệp nhỏ cho biết thành viên của họ sẽ theo kế hoạch của Bộ trưởng Ngân khố và mua sẵm thêm thiết bị.
"Họ cho những doanh nghiệp nhỏ điều kiện khuyến khích họ mua thêm thiết bị, phát triển kinh doanh và thuê thêm người, thêm nguồn tiền vào nền kinh tế, “Peter Strong từ Hội đồng Doanh nghiệp nhỏ cho biết.
Tuy nhiên, Hội đồng Công đoàn thì nghi ngại rằng thay đổi này sẽ tạo nên việc làm mới cũng như nhắc lại rằng dự đoán trong kế hoạch ngân sách cho thấy mức thất nghiệp lên khoảng 6 phần trăm trong vòng ít nhất bốn năm tới và phát triển việc làm chỉ tăng nhẹ từ 1,5 đến 2 phần trăm.
Những người thất nghiệp thở phào nhẹ nhõm với quyết định bỏ đi quy định bắt người dưới 30 tuổi phải đợi 6 tháng trước khi nhận trợ cấp thất nghiệp từ kế hoạch ngân sách năm trước. Quy định này được biết đã giúp chính phủ tiết kiệm được 1,2 tỷ đổ nhưng tốn 1,8 tỷ để thực hiện, cùng với một phương thức nhẹ hơn là bắt buộc người dưới 25 tuổi phải đợi bốn tuần và tích cực tìm việc trước khi nhận trợ cấp Newstart.
Báo cáo thực phẩm nhập khẩu vi phạm tháng 06/2015
Trong tháng 06/2015, Việt Nam không có trường hợp vi phạm khi nhập khẩu hàng thực phẩm vào Úc.
Kiểm tra nguy cơ từ thực phẩm nhập khẩu
Trong tháng 6/2015, Bộ Nông nghiệp Úc kiểm soát và xác định những lô hàng thực phẩm dưới đây có nguy cơ cao hoặc trung bình cho sức khỏe cộng đồng. Những lô hàng này sẽ không được phép bán tại Úc, đồng thời nhà nhập khẩu phải hủy hoặc tái xuất về nước xuất xứ dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng Úc. Các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra 100% cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định. Việt Nam không có trường hợp nào vi phạm trong tháng 06/2015.
Chi tiết Bản tin xem tại đây: //dl.dropboxusercontent.com/u/5541112/newsletter/1507v/newsletter.html#exhibition