APEC nỗ lực xoá bỏ các rào cản thương mại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại châu Á – Thái Bình Dương
Hiện nay, các DNVVN chiếm 97% toàn bộ doanh nghiệp, 60% GDP và 50% lực lượng lao động tại các nền kinh tế thành viên APEC. Tuy nhiên số lượng sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp này lại khá thấp - chiếm dưới 25% tổng xuất khẩu tại các nền kinh tế: Hoa Kỳ, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Ma-lay-xi-a, Xinh-ga-po và Đài Loan.
Do vậy, nhiều chương trình hỗ trợ đã được APEC chủ động triển khai. Chương trình mạng lưới xúc tiến đầu tư sớm đã mang đến cho các công ty khởi nghiệp trong mảng công nghệ thông tin (CNTT) một sân chơi để giới thiệu những ý tưởng của họ và được các công ty lớn như Coca-Cola hay Intel và cộng đồng khởi nghiệp tư vấn về việc phát triển kinh doanh xuyên biên giới. Dựa vào ý tưởng này, cuộc thi APEC Challenge lần thứ 3 tổ chức vào năm nay sẽ trao giải thưởng 100 ngàn đô la Mỹ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhất trong lĩnh vực CNTT.
Ngoài ra, các buổi gặp gỡ doanh nghiệp về tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của DNVVN cũng được tổ chức thường xuyên, bắt đầu bằng việc trao đổi thông tin để xác định các cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc tham gia lên ý tưởng, thiết kế, sản xuất, tiếp thị, phân phối hoặc hỗ trợ tiêu dùng các hàng hóa. Một nền tảng trực tuyến cũng đang được xây dựng để mở rộng quy mô và phạm vi trao đổi.
APEC cũng đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia giao thương tại một số lĩnh vực đặc thù, bao gồm khóa đào tạo cho DNVVN từ các nền kinh tế thành viên APEC về việc đáp ứng các quy định an toàn về những mặt hàng xuất khẩu nhạy cảm về nhiệt độ (từ nông sản đến dược phẩm và hoa) và giới thiệu công nghệ logistics mới có thể theo dõi và đảm bảo tình trạng nguyên vẹn của hàng hóa và an ninh tài chính của chuỗi cung ứng.
Các quan chức APEC cũng thảo luận hướng giải quyết một số rào cản phi thuế quan mà các DNVVN đang phải đối mặt tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương như yêu cầu phức tạp về quy định cũng như hàm lượng nội địa. Theo đó, các nhà sản xuất phải bảo đảm rằng các sản phẩm của họ sẽ phải chứa một tỷ lệ phần trăm nhất định các thành phần đã được chế tạo ra tại nền kinh tế họ xuất khẩu tới. Ngoài ra, việc cải thiện, đơn giản hóa thủ tục hải quan để giúp DNVVN tiết kiệm chi phí và thời gian cũng đang được thúc đẩy qua các hoạt động hợp tác kỹ thuật giữa các nền kinh tế thành viên APEC nhằm hoàn thành việc phê chuẩn Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại (TFA) vào cuối năm nay.