Ấn Độ cam kết cắt giảm 40% dòng thuế trong khuôn khổ RCEP
Mặc dầu vậy, Nhật Bản, Australia và New Zealand tiếp tục mong muốn một đề xuất lớn hơn từ Ấn Độ tại vòng đàm phán thứ sáu của RCEP tổ chức tại New Delhi đầu tháng 12/2014 vừa qua.
Ấn Độ đang tỏ ra hết sức thận trọng trong các cuộc đàm phán về các thỏa thuận thương mại khu vực tự do khi đang phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lớn từ Trung Quốc. Hiện tại mức thâm hụt thương mại với đối tác này là hơn 36 tỷ đôla dù hai nước chưa có bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do nào. Một quan chức chính phủ Ấn Độ cho rằng "Ấn Độ không đơn độc khi cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều chỉ muốn cắt giảm 40% dòng thuế và họ ủng hộ đề xuất của Ấn Độ."
Trong khi đó những nước khác muốn Ấn Độ phải cắt giảm gần 80% tổng số dòng thuế giống như như việc Ấn Độ đã cam kết trong Hiệp định thương mại với ASEAN. Về vấn đề này, quan chức của Ấn Độ cho biết "Chúng tôi không thể đưa ra đề nghị trong RCEP giống như những gì chúng tôi đã cam kết với các nước ASEAN với 79% dòng thuế được cắt giảm, vì Ấn Độ không có thỏa thuận với Australia và New Zealand, cũng như chưa và không đàm phán với Trung Quốc. Chúng tôi đang có được sự ủng hộ từ hai đối tác lớn trong RCEP."
Đàm phán về hàng hóa và dịch vụ vẫn chưa ngã ngũ và các bên sẽ tiếp tục đàm phán vòng thứ bảy tại Pattaya, Thái Lan. Ấn Độ không nhượng bộ cắt giảm thuế trong các lĩnh vực nông nghiệp, dệt may và thép. Việc đàm phán các thỏa thuận trong các lĩnh vực bao gồm hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, cạnh tranh và sở hữu trí tuệ dự kiến sẽ được ký kết vào năm tới.
Cho đến nay Ấn Độ đã ký FTA với ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Malaysia và đang đàm phán hiệp định với New Zealand và Úc. Ấn Độ đã tránh được một thỏa thuận với Trung Quốc vì lo ngại ngành công nghiệp sản xuất của mình bị ảnh hưởng.
Cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc, Ấn Độ đã đưa ra đề nghị chung về cam kết đối với hàng hóa. Chuyên gia kinh tế của Ấn Độ, ông Arpita Mukherjee cho rằng "Với Trung Quốc, ngay cả khi không một thỏa thuận thương mại giữa hai nước, thuế quan cũng không phải là rào cản quan trọng, Hiện có nhiều sản phẩm xuất khẩu vào Ấn Độ thông qua rất nhiều kênh từ Trung Quốc. Vì vậy, ngay cả khi cắt giảm 40% dòng thuế, Ấn Độ sẽ chịu thiệt hại nặng hơn trong do ngành công nghiệp của Ấn Độ chưa đủ sức cạnh tranh. Việc cắt giảm này vì thế cần thêm thời gian".
Sự bất đồng cũng xảy ra trong quá trình đàm phán cơ chế trong lĩnh vực dịch vụ. Ấn Độ có sự ủng hộ của 06 quốc gia ASEAN đối với đề xuất cam kết mở cửa một số lĩnh vực dịch vụ nhất định. Trong khi đó, các nước như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc muốn có một giải pháp khác trong đó các quốc gia mở cửa tự do cho hầu hết các ngành dịch vụ và chỉ bảo hộ một số ngành nhất định theo danh mục.
Ấn Độ mong muốn thúc đẩy một thỏa thuận đồng thời đối với cả hai lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ, trong khi đó một số nước chỉ muốn trước mắt ký kết một thỏa thuận về hàng hóa. Trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ cũng đã có những tranh luận căng thẳng: Nhật Bản đề xuất quy định nghiêm ngặt về bằng sáng chế phù hợp với Tiêu chuẩn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về khía cạnh thương mại (TRIPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới. Nhưng phía Ấn Độ cho thấy quan điểm rõ ràng là không thống nhất với các đề xuất trong lĩnh vực này vì cho rằng các đề xuất đàm phán chặt chẽ hơn so với các tiêu chuẩn trong TRIPS về sở hữu trí tuệ.