Nhật Bản ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để đạt mục tiêu khí hậu
Nhật Bản sẽ thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo một cách tối đa, tiết kiệm năng lượng triệt để hướng tới đáp ứng bộ tiêu chí đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - Bộ trưởng ngành công nghiệp mới của Nhật Bản cho biết hôm 5/10.
Một kế hoạch năng lượng cơ bản mới - Kế hoạch chiến lược năng lượng lần thứ 5 - nhằm đặt ra các mục tiêu cho phát triển điện năng của Nhật Bản đến năm 2030 và đưa ra các kịch bản đến năm 2050 đã được Nội các Nhật Bản phê duyệt ngày 3/7/2018.
Theo kế hoạch này, đến năm 2030, điện hạt nhân vẫn sẽ là một nguồn năng lượng chủ chốt, chiếm 20-22% tổng sản lượng điện của Nhật Bản. Kế hoạch cũng hướng tới đáp ứng bộ tiêu chí đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Cứ mỗi giai đoạn từ 3 đến 4 năm một lần, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) có trách nhiệm đánh giá và xem xét lại Kế hoạch phát triển năng lượng của đất nước. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên Luật Chính sách cơ bản về năng lượng được ban hành tháng 6/2002.
Tương tự kế hoạch trước, Kế hoạch lần thứ 5 tiếp tục đề cao sự cần thiết phải bảo đảm cung cấp năng lượng ổn định, an toàn và an ninh cho đất nước vốn rất nghèo nguồn tài nguyên, nhiên liệu hóa thạch, đồng thời có cam kết đối với các sáng kiến “năng lượng sạch”.
Kế hoạch chiến lược năng lượng lần thứ 5 xác định đến 2030, điện hạt nhân chiếm 20-22% tổng sản lượng điện, năng lượng tái tạo chiếm 22-24%, trong khi đó điện than sẽ giảm xuống 26%, điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) là 27% và điện dầu chỉ còn 3%.
Kế hoạch này hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn đặt ra tại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với mục tiêu giảm tổng lượng khí thải CO2 của Nhật Bản xuống 26% vào năm 2030 so với mức năm 2013 và giảm tới tới 80% vào năm 2050. Nó cũng nhằm mục tiêu đưa khả năng tự chủ năng lượng của Nhật Bản lên khoảng 24% vào năm 2030, so với 8% năm 2016.
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda thông báo, nước này đặt mục tiêu mở rộng phát triển năng lượng tái tạo và khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân đã được xác nhận là an toàn, nhằm đáp ứng mục tiêu đến năm 2030 sẽ cắt giảm được 46% lượng phát thải khí nhà kính so với mức năm 2013.
“Tôi muốn thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo một cách tối đa, tiết kiệm năng lượng triệt để và khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân với ưu tiên cao nhất về tính an toàn” - Bộ trưởng Koichi Hagiuda phát biểu trong cuộc họp báo hôm 5/10.
Ông Koichi Hagiuda cũng kêu gọi nỗ lực phối hợp nhằm đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050, đồng thời mong muốn sẽ giành được sự chấp thuận của nội các Chính phủ đối với kế hoạch năng lượng cơ bản mới trước khi bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, gọi tắt là COP26, vào ngày 31/10 tới.
Trước đó, tân Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định ông sẽ vẫn tiếp tục chính sách năng lượng của chính quyền tiền nhiệm.
Tháng 4/2021, Nhật Bản cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, theo đó, quốc gia Đông Á đã tăng gần gấp đôi mục tiêu cắt giảm khí thải xuống còn 46% vào năm 2030.
Theo ông Hagiuda, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy các chính sách theo chu trình nhiên liệu hạt nhân phù hợp với mục tiêu của Chính phủ là giảm chất thải phóng xạ mức độ cao và khiến nó ít nguy hại hơn.
Kế hoạch sẽ xây dựng một mô hình năng lượng - kinh tế - xã hội phát thải thấp, trong đó điện hạt nhân và năng lượng tái tạo sẽ được sử dụng như là hai trọng số cốt lõi (để tận dụng được những điểm mạnh và bổ sung cho nhau khắc phục các điểm yếu của mỗi loại hình năng lượng), hướng đến một hệ thống năng lượng tối ưu quốc gia. Đây cũng chính là xu thế mà nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng (Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc…) và là mô hình để các nhà hoạch định chính sách năng lượng tham khảo.
Có thể nói rằng, kế hoạch năng lượng cơ bản lần thứ 5 của Nhật Bản hướng tầm nhìn đến một mục tiêu lâu dài trong thời gian hơn 30 năm, đó là: Đóng góp vào sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế Nhật Bản, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển toàn cầu thông qua cung cấp năng lượng ổn định, lâu dài và độc lập, đồng thời thực hiện cam kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.