Khủng hoảng điện ở Trung Quốc nghiêm trọng đến mức nào?
Chuyển đổi mô hình kinh tế, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường cùng những bước đi cải cách phù hợp đang trở thành phép thử đối với giới tinh hoa chính trị Bắc Kinh.
Kể từ cuối tháng 9, tình trạng cắt điện luân phiên ở Trung Quốc đã lan ra 1/2 quốc gia. Không những nhiều nhà máy phải cắt giảm sản xuất mà đời sống của người dân cũng bị ảnh hưởng, thậm chí đang có nguy cơ làm chậm lại quá trình phục hồi của nền kinh tế quốc gia tỉ dân và tạo áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thiếu điện trên diện rộng – Câu chuyện không mới ở Trung Quốc
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc phải hạn chế sử dụng điện trên quy mô lớn. Từ năm 2000 trở lại đây, nước này đã ít nhất 3 lần xảy ra các cuộc khủng hoảng do thiếu điện và lần gần đây nhất là năm 2011.
Khi đó, do hạn hán và giá than tăng vọt, việc thiếu điện đã gây ảnh hưởng tới 17 tỉnh, thành. Đây cũng là thời điểm Trung Quốc bắt đầu thực hiện “mục tiêu kép” về kiểm soát tiêu hao năng lượng, tức đưa ra các hạn chế cứng đối với cường độ và tổng lượng tiêu thụ năng lượng.
Đợt thiếu điện lần này trên thực tế đã nhen nhóm từ cuối năm 2020 và chủ yếu tập chung ở một vài tỉnh, thành khu vực miền Trung và phía Đông Trung Quốc. Sang đến năm 2021, thiếu điện ngày càng lan rộng và trở nên trầm trọng ở một số trung tâm xuất khẩu và sản xuất chính ở nước này.
Các cơ sở công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc đã phải vật lộn với tình trạng giá điện tăng mạnh và phải hạn chế sử dụng điện ít nhất là từ tháng 3. Khi đó, chính quyền Nội Mông yêu cầu một số ngành công nghiệp nặng, như nhà máy luyện nhôm, hạn chế sử dụng điện để họ có thể đạt được mục tiêu sử dụng năng lượng trong quý đầu tiên.
Đến tháng 5, các nhà sản xuất ở Quảng Đông, tỉnh xuất khẩu chính của Trung Quốc, cũng nhận được yêu cầu tương tự trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kết hợp với sản lượng thủy điện thấp hơn bình thường, gây căng thẳng cho hệ thống lưới điện quốc gia. Các khu công nghiệp lớn khác dọc bờ biển phía Đông nước này cũng bị giới hạn mức tiêu thụ điện và bị cắt điện luân phiên.
Sang đến tháng 9, việc hạn chế sử dụng điện đã lan sang 16 tỉnh, thành, tức hơn 1/2 đất nước Trung Quốc, trong đó có thủ đô Bắc Kinh và ảnh hưởng tới cả điện sinh hoạt của các hộ gia đình cũng như điện sử dụng tại các địa điểm công cộng.
Nguyên nhân của đợt khủng hoảng lần này trước tiên là do nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng đột biến ở Trung Quốc, sau khi nước này kiểm soát được dịch bệnh và nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Trong khi đó, các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc không muốn tăng sản lượng vì giá than cao ngất ngưởng. Trong vòng một năm qua, giá nhập khẩu than của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi. Chỉ riêng thời gian gần đây, giá than đã tăng tầm 40% từ khoảng 780 NDT (121 USD)/tấn vào giữa tháng 8 lên khoảng 1.100 NDT/tấn trong những tuần cuối tháng 9. Chính phủ Trung Quốc kiểm soát giá điện nên các nhà máy điện không thể tăng giá bán theo giá than.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang phấn đấu đạt lượng khí thải CO2 đạt đỉnh trước năm 2030 và hướng đến mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2060. Chỉ tiêu cắt giảm khí thải carbon đã buộc chính quyền ở nhiều địa phương Trung Quốc phải áp dụng các biện pháp gấp rút như cắt điện trên diện rộng.
Tình trạng khan hiếm than cũng là một nguyên nhân khác khiến nguồn cung điện đang thiếu hụt trên khắp cả nước Trung Quốc.
Kể từ đầu năm nay, nguồn cung cấp điện của Trung Quốc đã phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn như nhu cầu điện tăng nhanh và thiếu than. Trong khi đó, các yếu tố tự nhiên như số ngày nắng ít, lượng nước đổ vào các lưu vực sông lớn và gió ít hơn đã gây khó khăn cho việc sản xuất thủy điện, điện gió và điện mặt trời.
Bên cạnh nỗ lực tăng cường nhập khẩu than từ Nga, Indonesia và Mông Cổ - nguồn nhập khẩu than chủ yếu của Trung Quốc, lượng than nước này nhập của Mỹ từ tháng 1 đến tháng 8 cũng tăng gần 7 lần so với cùng kỳ và lượng than nhập khẩu từ Nam Phi cũng tăng vọt từ con số 0 của năm ngoái lên 4,38 triệu tấn, theo một báo cáo ngành của cngold.org. Tuy nhiên, khối lượng than nhập khẩu là khoảng 300 triệu tấn, chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng than tiêu thụ của nước này.
Tác động tới nền kinh tế
Việc cắt giảm điện đột ngột đang tác động trực tiếp lên nền kinh tế Trung Quốc. Dữ liệu chính thức của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố cho thấy, hoạt động sản xuất chế tạo của nước này trong tháng 9 đã bật ngờ sụt giảm, trái ngược với dự báo của giới quan sát.
Cụ thể, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) - chỉ số đo lường “sức khoẻ” kinh tế của ngành sản xuất - trong tháng 9/2021 của nước này chỉ đạt 49,6 điểm, giảm 0,5 điểm so với tháng 8 và thấp hơn 0,4 điểm so với kỳ vọng. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ hồi tháng 2/2020, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất chế tạo của Trung Quốc giảm dưới ngưỡng 50 điểm, dấu hiệu cho thấy các hoạt động công nghiệp đã bị thu hẹp trong thời gian vừa qua.
NBS cho biết sự sụt giảm chỉ số PMI trong tháng vừa qua chủ yếu do tình trạng thiếu hụt năng lượng, mất điện diện rộng khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Các dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của các lĩnh vực công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng của Trung Quốc như lọc hoá dầu và luyện kim trong tháng vừa qua ở mức dưới 45 điểm, phản ánh sự sụt giảm đáng kể về sản lượng của những ngành này.
Việc thiếu điện đang gây tác động đến hầu hết các ngành kinh tế, bao gồm hai lĩnh vực chủ chốt là xây dựng và sản xuất. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, hai ngành này chiếm gần 70% tiêu thụ điện của Trung Quốc trong năm ngoái và giữ vai trò trụ cột đối với sự phục hồi của nền kinh tế trong năm nay.
Trong một báo cáo mới đây, Goldman Sachs cho biết do tình trạng thiếu năng lượng và sản xuất công nghiệp bị cắt giảm mạnh, họ đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cho năm 2021 từ 8,2% xuống 7,8%.
Không chỉ làm chệch hướng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, thiếu điện còn có thể đặt ra những trở ngại mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc giảm sản lượng và nguy cơ giao hàng chậm trên khắp Trung Quốc có thể gây căng thẳng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu vốn dĩ đang bị thắt chặt. Thiếu điện có thể khiến các nhà sản xuất ở Trung Quốc phải điều chỉnh lại lịch làm việc, thách thức thời hạn giao hàng và theo đó thách thức toàn bộ phần còn lại của chuỗi cung ứng.
Trước tình trạng thiếu điện, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, hôm 29/9 thông báo sẽ “thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường điều chỉnh cung cầu”.
Trong một thông báo mới nhất công bố ngày 5/10, Ủy ban Quản lý Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu về việc thực hiện các biện pháp đảm bảo nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp công nghiệp, bao gồm điện than. Các tổ chức ngân hàng và bảo hiểm được kêu gọi hỗ trợ tài chính cho các công ty cung cấp năng lượng trong mùa Đông và Xuân sắp tới, đồng thời hỗ trợ tích cực cho các khu vực sản xuất than lớn và các công ty than trọng điểm để tăng nguồn cung nhiệt điện, đảm bảo điện sinh hoạt cho các hộ gia đình.
Bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc
Những năm gần đây, Trung Quốc đang nỗ lực giảm dần các nhà máy điện than. Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ trọng than trong tổng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc đã giảm 12,5 điểm phần trăm, từ 69,2% xuống 56,7%, trong khi tỷ trọng tiêu thụ năng lượng sạch đã tăng từ 13,4% lên 24,4%.
Tuy vậy, dù tỷ trọng nhiệt điện là 56,7% nhưng đóng góp cho tổng nguồn điện lên tới 71,8%, trong khi công suất lắp đặt điện gió và quang điện mặc dù chiếm 24% nhưng sản lượng điện chỉ chiếm khoảng 10%.
Đến nay, sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch dùng để phát điện ở nước này vẫn là khá lớn. Chính việc sử dụng năng lượng hóa thạch để cung cấp điện đã làm ảnh hưởng đến tính ổn định của mạng lưới năng lượng ở Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng điện lần này sẽ là một lời cảnh tỉnh đối với nước này trong việc chuyển đổi sang phát triển xanh với nhiều loại năng lượng sạch có nguồn cung ổn định hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, để thực hiện các mục tiêu dài hạn, như phát triển “năng lượng xanh và carbon thấp” hay “trung hòa carbon”, cũng cần tính đến cách thức triển khai từng bước sao cho phù hợp. Việc điều tiết kịp thời các nguồn dự trữ năng lượng khác nhau cũng cần được xem xét, để vừa có thể đảm bảo được nguồn điện, vừa thực hiện được mục tiêu bảo vệ môi trường, giúp các chính sách và mục tiêu đề ra có thể “hạ cánh mềm”, tránh gây xáo trộn và những “cú sốc” cho nền kinh tế./.