Vĩnh Phúc phấn đấu có 10 doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn
Để đạt được mục tiêu, UBND tỉnh giao cho các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ như đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội trợ triển lãm để các doanh nghiệp giới thiệu, trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, xây dựng chuyên đề tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước...
Ðể thực hiện mục tiêu này, Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều hoạt động mời gọi đầu tư, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.
Điển hình là Nghị quyết số 57/2016 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về một số biện pháp đặc thù và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 39/2017 của Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND của tỉnh về ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong số quyết định trên, với Quyết định 23/2019 tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể như hỗ trợ 100% các khoản chi phí tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ 70% các khoản phí tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ 70% chi phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…
Bên cạnh các cơ chế, chính sách từ Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã và đang tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 240 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hoặc có liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các nhóm ngành chủ yếu như công nghiệp cơ khí; ôtô, xe máy; dệt may; điện tử, tin học; vật liệu xây dựng.
Đây là nền tảng cho các ngành công nghiệp phát triển theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao, nâng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp chủ lực, phấn đấu trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.
Lĩnh vực sản xuất này đang khẳng định năng lực và sức cạnh tranh mạnh mẽ. Sáu tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, giá trị sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đạt trên 145.910 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2020. Hầu hết các nhóm sản phẩm chủ lực ngành công nghiệp hỗ trợ đều tăng cao; trong đó, ngành sản xuất xe ôtô các loại tăng 49%, linh kiện điện tử tăng 34%...
Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, chủ động điều chỉnh tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới mẫu mã, nâng cao cấp lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tăng thu ngân sách Nhà nước, mà còn góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương phát triển cũng như tăng sức hấp dẫn đối với môi trường đầu tư của tỉnh.
Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Vĩnh Phúc đã thu hút hàng chục nghìn lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Đối với lao động phổ thông làm việc ở các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều có mức lương bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng; lao động kỹ thuật, lao động có trình độ chuyên môn tay nghề cao mức thu nhập lên tới 12 đến 15 triệu đồng/người/tháng.