Kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô tại Trung Quốc
Trung Quốc là nước sản xuất ô tô và phương tiện thương mại đứng đầu thế giới, chiếm khoảng 25,4% thị trường ô tô và phương tiện thương mại toàn cầu, khoảng 20% là các hãng nội địa.
Sự thay đổi trong chính sách phát triển kinh tế, nhất là việc mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ sau năm 1978 là chính sách quan trọng nhất thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô. Có thể nói, Trung quốc đã nhanh chóng dỡ bỏ các rào cản và ban hành các chính sách thông thoáng thu hút FDI vào ngành công nghiệp ô tô. Nhờ đó, hầu hết các hãng ô tô lớn trên thế giới đã có mặt tại Trung quốc như Volkswagen của Đức, GM và Ford của Mỹ, Toyota của Nhật Bản và Peugeot – Citroen và Fiat của châu Âu.
Đây được xem là bước ngoặt trong phát triển công nghiệp ô tô Trung Quốc. Tuy nhiên, do chưa được chú trọng phát triển, trong giai đoạn đầu của thời kỳ này công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô mới chỉ phát triển ở mức độ thấp, còn yếu kém cả về năng lực công nghệ, khả năng tài chính và nguồn nhân lực, sản xuất sản phẩm chất lượng thấp. Vì vậy, linh kiện, phụ tùng chủ yếu nhập từ các nước có nền công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh như Mỹ, Nhật, Đức. Sau đó, để tăng cường sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, Trung quốc đã cho những điều chỉnh chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi và ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô.
Trung Quốc thiết lập các chính sách khuyến khích quá trình học hỏi công nghệ, và chuyển từ liên kết ngang (theo chiều rộng) sang liên kết dọc (theo chiều sâu) trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô nội địa. Để tận dụng lợi thế thị trường và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, Trung Quốc không áp dụng các biện pháp hạn chế tiêu dùng nội địa. Ngược lại, Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và lắp ráp ô tô ở Trung quốc tiêu thụ trong thị trường nội địa, ban hành chính sách hạn chế nhập khẩu ô tô sản xuất ở nước ngoài. Vì vậy, Trung Quốc đã thu hút được nhiều tập đoàn sản xuất ô tô nước ngoài đầu tư trực tiếp vào thị trường Trung quốc.
Cùng với đó, Trung Quốc còn ban hành và áp dụng nhiều chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển thị trường linh kiện, phụ tùng ô tô nội địa rộng lớn, và kết nối các nhà sản xuất trong nước. Trung Quốc khuyến khích các hãng trong nước thực hiện liên kết, liên doanh với các hãng lớn nước ngoài, kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa cung cấp phụ tùng, linh kiện nội địa.
Trung Quốc xây dựng và khuyến khích áp dụng các chương trình thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô nội địa. Trung Quốc cho phép các hãng ô tô nước ngoài tham gia chương trình thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô ở Trung Quốc thông qua việc thiết lập các tiêu chí lựa chọn. Theo đó, các hãng lớn nước ngoài có thể đưa ra chính sách và tập hợp các tiêu chí lựa chọn đối tác là các hãng trong nước có đủ điều kiện để sản xuất cung cấp linh kiện, phụ tùng cho họ.
Khi được lựa chọn, các doanh nghiệp trong nước này sẽ được hỗ trợ toàn diện, và được tăng cường năng lực sản xuất để có thể trở thành một mắt xích tham gia trong mạng sản xuất của hãng. Chẳng hạn, vào năm 1997, tập đoàn GM đã đặt ra các tiêu chí lựa chọn 1- 2 nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng của Trung Quốc dựa trên các quy định đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, dịch vụ, công nghệ và giá cả, phù hợp với hoạt động thực tế với quy mô toàn cầu của họ. Điều này tạo ra những cơ hội rất lớn cho các hãng nội địa Trung Quốc học hỏi công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm và tham gia vào chuỗi giá trị ngành ô tô toàn cầu.
Trung Quốc sử dụng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như một công cụ trong chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô nội địa. Các DNNN lớn vừa tham gia vào trong các liên doanh lắp ráp và vừa đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Các hãng liên doanh đóng vai trò tăng cường khả năng thích nghi và chuyên sâu hơn của các cơ sở sản xuất trong nước để cung cấp cho các hãng nước ngoài. Khoảng hơn 100 nhà máy liên doanh ở Thượng Hải cung cấp linh kiện cho các hãng ô tô lớn nước ngoài đã được thành lập.
Các hãng liên doanh này thường tập trung trong một khu vực địa lý nhất định đã tạo ra lợi thế lớn trong việc giảm thiểu chi phí giao dịch và rút ngắn thời gian cung cấp.
Trung Quốc xây dựng và phát triển mạnh các cụm công nghiệp tập trung các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm thiểu chi phí giao dịch, thúc đẩy quá trình học hỏi và chuyển giao công nghệ, và cuối cùng cải thiện năng lực cạnh tranh chung của toàn ngành. Trung Quốc đã phát triển các vùng (cụm) tập trung cho công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã thúc đẩy sự hình thành và phát triển các khu thương mại để thúc đẩy trao đổi hàng hóa với vai trò là các chợ đầu mối cho các cụm công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Sự phát triển của các doanh nghiệp liên doanh kéo theo nhu cầu về các chi tiết, phụ tùng, linh kiện từ các nhà thầu phụ là các DNNVV khác. Qua đó, các hãng nội địa của Trung Quốc dần tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Trung Quốc tạo một môi trường thuận lợi cho các DNNVV khu vực tư nhân tham gia vào công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô trong mạng sản xuất địa phương. Bên cạnh việc thu hút các hãng ô tô nước ngoài đầu tư, Trung Quốc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô và cơ khí.
Những chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng và nhiều biện pháp khác khuyến khích các hãng nước ngoài sử dụng các linh kiện sản xuất tại địa phương có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô. Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích các liên doanh cho ra đời những chiếc ô tô mang thương hiệu địa phương và điều này đã góp phần tạo nên sự gắn kết giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp nước ngoài, trong đó các doanh nghiệp lớn đóng vai trò trung tâm thu hút liên kết và thực hiện chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vệ tinh địa phương.
Trung Quốc chú trọng chính sách phát triển nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Để nhanh chóng làm chủ công nghệ trong ngành công nghiệp ô tô và hướng tới nội địa hóa công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô, Trung Quốc đã không ngừng tìm kiếm, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cả trong và ngoài nước. Trung Quốc thực hiện các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ lực lượng kỹ sư kỹ thuật Hoa kiều đông đảo về làm việc trong công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Trung Quốc cũng triển khai chương trình đào tạo kỹ sư quốc tế giúp các nhà sản xuất chế tạo được các loại động cơ công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn Euro IV, tiêu chuẩn khí thải cao nhất hiện nay. Tuyển chọn sinh viên học ở Mỹ và các nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển về nước. Đặc biệt, Trung Quốc đưa ra các chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các chuyên gia, kỹ sư cao cấp từ các hãng lớn trên thế giới.