Tác động của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến việc phát triển công nghiệp vật liệu của Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 02 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Trong hai Hiệp định này, các đối tác cam kết mở cửa thị trường khá mạnh đối với một số mặt hàng nguyên vật liệu.
Tác động của các FTA thế hệ mới đến một số ngành công nghiệp vật liệu trọng điểm của Việt Nam
Với ngành thép:
Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tạo lợi thế cạnh tranh nhất định, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm thép. Tuy nhiên, do nhu cầu thép thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại do những biến động kinh tế, chính trị và tình hình EU đang tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tạo rào cản hạn chế nhập khẩu thép, dự báo tăng trưởng xuất khẩu của ngành thép sang thị trường EU trong thời gian tới sẽ không cao. Ngay cả khi có Hiệp định, việc xuất khẩu sản phẩm thép vào EU sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hàng rào phi thuế quan hơn là thuế quan. Mặt khác, thực thi các FTA khác ở các thị trường thuận lợi hơn (như Hiệp định CPTPP hoặc RCEP) sẽ làm cho xuất khẩu nhóm hàng này sang EU tăng không đáng kể. Tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng này vào EU sẽ giảm khoảng 2-3% tới năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thép cũng giảm ở mức 1,4-2,3%. Hiệp định cũng có tác động tiêu cực tới sản lượng của ngành, cụ thể giảm từ 1,4-2,3%/năm.
Với các nhóm ngành kim loại khác:
Tác động của CPTPP đến ngành sản xuất kim loại không lớn do mức cắt giảm thuế quan không mạnh mẽ, thậm chí ngành còn vấp phải sự cạnh tranh từ các nước thành viên. Ngành sản xuất kim loại là ngành có nhiều rủi ro về môi trường, trong khi CPTPP rất nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ môi trường. Do đó, các doanh nghiệp ngành sản xuất kim loại cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau trong bối cảnh CPTPP có hiệu lực: Đầu tư đổi mới công nghệ cao, tự động hoá nhằm tăng chất lượng sản phẩm, đặc biệt là thay đổi công nghệ giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường; chủ động nguồn nguyên vật liệu (nhập khẩu quặng rất lớn), để giảm chi phí đầu vào, tránh sự biến động giá thành do phụ thuộc vào giá thế giới và tỷ giá, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Với nhóm ngành nhựa, cao su, hóa chất:
Đây là nhóm hàng sẽ có khả năng phải đối mặt với sự cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ CPTPP. Với sản phẩm cao su, xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu vào các nước mà ngành công nghiệp chế biến cao su chưa phát triển nhiều như Pê-ru, Chi-lê, Bru-nây, Niu Di-lân và Ô-xtrây-li-a, chú ý thị trường nhập khẩu từ Ma-lay-xi-a cho các sản phẩm cao su chế biến sâu; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về cao su Việt Nam. Với sản phẩm nhựa, chú ý các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng, mẫu mã với ngành nhựa nhằm cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ CPTPP, chú ý thay đổi thị trường nhập khẩu hạt nhựa từ Hàn quốc chuyển sang các nước thuộc CPTPP như Nhật Bản và các nước ASEAN. Với sản phẩm hóa chất, cần đặc biệt chú ý các cam kết, quy định về về tiêu chuẩn, quy chuẩn khi tham gia CPTPP; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và các nước có tiêu chuẩn cao trong CPTPP.
Với nhóm ngành nguyên vật liệu dệt may, da – giày:
Quy định về quy tắc xuất xứ của các hiệp định tự do thương mại sẽ làm thay đổi cơ cấu của chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt với các ngành, mặt hàng có yêu cầu về quy trình cụ thể hay tỉ lệ nội khối cao.
(i) Đối với hàng dệt may, CPTPP yêu cầu chuyển đổi mã hàng hoá đối với các mặt hàng xơ, sợi, vải, hàng may mặc (HS50-63) và phải trải qua các công đoạn cắt, khâu thành hình và may tại lãnh thổ của một hoặc nhiều bên đối với các mặt hàng may mặc (HS61-63).
(ii) Đối với hàng da - giày, CPTPP yêu cầu chuyển đổi mã hàng hoá hoặc tỉ lệ nội khối (hàm lượng giá trị khu vực) của các sản phẩm (HS42, 43, và 64).
(iii) Đối với hàng dệt may, EVFTA yêu cầu chuyển đổi mã hàng hoá đối với các mặt hàng xơ, sợi, vải (từ chương 50-60), và yêu cầu dệt đi kèm với may đối với hàng may mặc (HS61-63).
(iv) Đối với hàng da - giày, EVFTA yêu cầu chuyển đổi mã hàng hoá hoặc tỉ lệ nội khối của các sản phẩm (HS 42, 43, và 64).
Mặt hàng dệt may và da - giày có mức thuế nhập khẩu khá cao vào thị trường các nước CPTPP và EVFTA (>10%), do đó, việc đáp ứng được quy tắc xuất xứ để được hưởng mức thuế ưu đãi 0% sẽ mang lại lợi thế rất lớn cho các mặt hàng này. Điều này sẽ làm thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu của các mặt hàng dệt may, do có yêu cầu cụ thể về công đoạn, quy trình sản xuất. Để được hưởng ưu đãi, thay vì nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào từ các nước ngoài khu vực, thì các doanh nghiệp ngành dệt may, da - giày cần phải thay thế nguồn cung, tìm mua nguyên vật liệu đầu vào từ các nước thành viên hoặc tự sản xuất ở trong nước.
Sự xuất hiện của các FTAs, đặc biệt là CPTPP và EVFTA với những quy định chặt chẽ về quy tắc xuất xứ đã tạo ra làn sóng đầu tư vào ngành dệt nhuộm và sản xuất nguyên vật liệu ngành dệt may, da - giày, chủ yếu là đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Đi liền với làn sóng đầu tư này là nguy cơ ô nhiễm môi trường và sử dụng quá mức nguồn nước do ngành nhuộm gây ra, nguy cơ dịch chuyển các công nghệ thấp, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và sử dụng tài nguyên kém hiệu quả, và tạo áp lực cạnh tranh quá mức lên các doanh nghiệp trong nước.
Để tận dụng được cơ hội từ các FTAs, đảm bảo chủ động nguồn cung nguyên vật liệu trong nước, và đảm bảo sự tham gia, hưởng lợi của các doanh nghiệp dệt may, da giày trong nước, một mặt cần khuyến khích tạo thuận lợi cho việc đầu tư vào sản xuất nguyên vật liệu, nhưng mặt khác, cần có cơ chế sàng lọc, đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư và công nghệ phù hợp để hạn chế những nguy cơ đã nêu.
Cơ hội và thách thức đối với ngành công nghiệp vật liệu khi Việt Nam gia nhập các FTA thế hệ mới
Tác động tích cực đáng kể nhất mà việc tham gia các FTA thế hệ mới mang lại cho ngành công nghiệp vật liệu nước ta nằm ở khía cạnh xuất khẩu và nhập khẩu.
Về khía cạnh xuất khẩu: Với các cam kết cắt giảm thuế quan mạnh mẽ mà các FTA thế hệ mới mang lại, dự kiến kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm của ngành công nghiệp vật liệu sẽ tăng trưởng do lợi thế cạnh tranh của việc giảm thuế mang lại. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tác động xuất khẩu của CPTPP đến nhóm ngành nhựa, cao su, hoá chất được dự báo là không lớn, do đây không phải là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, một số nước trong CPTPP có thế mạnh về một số sản phẩm của ngành (Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po).
Ngoài ra, đối với các mặt hàng kim loại, dự kiến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cũng không nhiều do mức cắt giảm thuế quan của thị trường các nước thành viên CPTPP với Việt Nam không quá mạnh (do mức thuế hiện tại đã ở mức thấp).
Đối với Hiệp định EVFTA, nhóm hàng gốm, sứ, thủy tinh không phải là nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nhưng có tiềm năng xuất khẩu và đã có chỗ đứng tại thị trường EU trong những năm gần đây. Thuế nhập khẩu MFN trung bình nhóm mặt hàng này khoảng 5% giảm về 1,8% ngay trong năm đầu tiên thực hiện Hiệp định với trên 73% số mặt hàng có thuế suất bằng 0% sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho nhóm các sản phẩm gốm sứ, thủy tinh của Việt Nam tiếp tục thâm nhập và mở rộng thị phần tại thị trường tiềm năng này.
Với nhóm ngành thép, do nhu cầu thép thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại do những biến động kinh tế, chính trị và tình hình EU đang tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tạo rào cản hạn chế nhập khẩu thép, dự báo tăng trưởng xuất khẩu của ngành thép sang thị trường EU trong thời gian tới sẽ không cao. Ngay cả khi có Hiệp định, việc xuất khẩu sản phẩm thép vào EU sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hàng rào phi thuế quan hơn là thuế quan.
Về khía cạnh nhập khẩu: mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất trong nước nhập khẩu tiếp cận nguyên liệu giá rẻ hơn. Đây là yếu tố thuận lợi để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, với mức độ nhập khẩu nguyên liệu ngành công nghiệp vật liệu cao từ khối các nước thành viên trong các FTA thế hệ mới, các sản phẩm sản xuất trong nước của Việt Nam có thể dễ dàng hơn đáp ứng điều kiện về xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, tác động nhập khẩuđược dự báo là không lớn do Việt Nam và một số nước trong các FTA thế hệ mới (Malaysia, Singapore…) đều đã có các FTA khác, hoặc không phải là đối tác nhập khẩu chính.
Về khía cạnh đầu tư: tiềm năng tăng trưởng của thị trường công nghiệp vật liệu của Việt Nam còn rất lớn, cùng với những ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam gia nhập trong thời gian qua đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn từ nước ngoài. Gia tăng FDI từ nước ngoài vào nhóm ngành công nghiệp vật liệu sẽ gián tiếp giúp gia tăng cơ hội chuyển giao công nghệ cao cho các doanh nghiệp trong nước, là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước học hỏi công nghệ sản xuất mới và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Một tác động tích cực khác mà các FTA thế hệ mới mang lại cho nhóm ngành công nghiệp vật liệu là sức ép cạnh tranh đáng kể đến từ việc giảm thuế nhập khẩu sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước có động lực nâng cao chất lượng, mẫu mã và giá thành sản phẩm.
Về thách thức
Tuy hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức khác nếu muốn có được thị phần tại thị trường quốc tế, bao gồm các hàng rào phi thuế quan như hàng rào kỹ thuật (TBT), các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, tự vệ… Đặc biệt, các thị trường trong khối FTA thế hệ mới của Việt Nam như Canada, Mexico và các nước EU… đều là các thị trường khó tính, có đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng và có truyền thống sử dụng các biện pháp phi thuế quan và phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường trong nước. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời trang bị kiến thức liên quan. Ngoài ra, do hệ thống tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm thuộc ngành hàng công nghiệp vật liệu của Việt Nam còn chưa hoàn thiện nên chất lượng sản phẩm của Việt Nam còn chưa cao, chưa đồng bộ với chất lượng toàn cầu, do đó sản phẩm của Việt Nam chưa thể có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường nước ngoài.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ví dụ điển hình có thể thấy với ngành cao su, hệ thống quản lý chất lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam chưa đồng bộ và chưa có cơ quan chức năng quản lý chất lượng cao su tiểu điền. Mặt khác, Việt Nam chỉ mới có tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm cao su thiên nhiên đầu ra, chưa có tiêu chuẩn quốc gia đối với nguyên liệu đầu vào, nên chưa có cơ sở pháp lý để ngăn chặn việc pha trộn tạp chất vào nguyên liệu, gây ảnh hưởng đến chất lượng của các nhà máy chế biến mủ cao su.
Ngoài nỗ lực giành thị phần trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cần lưu ý đến việc đối phó với áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà. Do Việt Nam cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhóm ngành công nghiệp vật liệu, sẽ có một lượng đáng kể sản phẩm công nghiệp vật liệu từ các nước thành viên CPTPP và các nước EU được nhập khẩu về Việt Nam. Xu hướng này một mặt giúp giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp và tăng chất lượng nguồn nguyên vật liệu đầu vào, mặt khác, lại tạo sức ép cạnh tranh đối các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vật liệu trong nước.