Sản lượng bông sợi toàn cầu tăng, đẩy mạnh chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may
Sợi bông là nguyên liệu chính để tạo ra vải cotton – loại vải được sử dụng nhiều nhất trên thế giới hiện nay. Đây cũng mà nguyên liệu đóng vai trò quan trọng trong chuỗi công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may.
Vải cotton được tạo ra từ sợi bông do cây bông vải kết hợp với các nguyên liệu thiên nhiên và một số hỗn hợp khác tạo thành. Cùng với nhu cầu sử dụng cotton rộng rãi, thế giới đã nghiên cứu và tạo ra nhiều loại sợi bông như cotton poly, cotton satin, cotton lụa, cotton nhung, cotton Ai Cập, cotton 35/65 hoặc cotton 100%...
Với vai trò quan trọng này, bông là một trong những cây công nghiệp hàng đầu thế giới. Hiện cây bông chiếm khoảng 2,5% diện tích đất canh tác trên thế giới. Trong những năm qua, Ấn Độ là nhà sản xuất bông sợi lớn nhất thế giới tiếp theo là Trung Quốc và Hoa Kỳ với sản lượng chiếm khoảng 60% tỷ trọng trên tổng sản lượng bông toàn cầu. Trong giai đoạn 2015-2020, Ấn Độ sản xuất khoảng 6,2 triệu tấn bông sợi mỗi năm. Ấn Độ có điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho việc sản xuất bông, đặc biệt là ở khu vực phía bắc. Các khách hàng của Ấn Độ ở khu vực châu Á là Bangladesh, Việt Nam và Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc sản xuất bình quân khoảng 6,1 triệu tấn bông mỗi năm với khoảng 7.500 công ty dệt, sản xuất vải bông trị giá hàng tỷ USD hàng năm. Hoa Kỳ là nhà sản xuất bông lớn thứ ba thế giới, sản xuất khoảng 3,6 triệu tấn bông mỗi năm. Các nhà sản xuất bông hàng đầu ở Hoa Kỳ là Texas, Georgia, Mississippi, Arkansas và Alabama.
Nguồn: Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA)
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ USDA, sản lượng bông toàn cầu dự kiến vụ 2021/22 được điều chỉnh giảm (-300.000 kiện, còn 119,9 triệu kiện) và lượng tiêu thụ toàn cầu dự kiến tăng nhẹ (+111.000 kiện, đạt 125,5 triệu kiện). Những điều chỉnh về cung cầu (do việc điều chỉnh tăng lượng tiêu thụ của Ấn Độ trong vụ 2019/2020 và 2020/21) làm lượng tồn kho đầu kỳ vụ 2021/22 giảm 1,3 triệu kiện (còn 87,3 triệu kiện). Do đó, lượng tồn kho cuối kỳ dự kiến vụ 2021/22 được điều chỉnh giảm 1,7 triệu kiện (còn 82,6 triệu kiện). Ở phạm vi quốc gia, sản lượng bông được điều chỉnh mạnh nhất ở Ấn Độ (-500.000 kiện, còn 26,5 triệu kiện) và Mexico (+150.000 kiện, đạt 1,2 triệu kiện).
Nguồn: Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA)
Ngày 24/2 vừa qua, Bộ Nông Nghiệp Mỹ USDA đã công bố các chỉ số ước lượng đầu tiên cho vụ 2022/23 trong Diễn Đàn Triển Vọng Kinh Tế Thường Niên. Các chỉ số ước lượng chỉ ra rằng sản lượng toàn cầu sẽ tăng (+3,2%, đạt 124,0 triệu kiện), lượng tiêu thụ cũng sẽ tăng (+1,7%, đạt 126,5 triệu kiện) và tồn kho cuối kỳ sẽ giảm (-3,2%, còn 64,6 triệu kiện).
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu bông trị giá 619,8 triệu USD, tăng 69,9% so với cùng kỳ năm trước. Giá bông nhập khẩu vào Việt Nam tháng 1/2022 trung bình ở mức 2.471 USD/tấn, tăng 252 USD/tấn so với tháng 12/2021 và tăng 875 USD/tấn so với tháng 1/2021, tương đương tăng 11,4% so với tháng 12/2021 và tăng 54,9% so với tháng 1/2021. Giá bông nhập khẩu trung bình từ các thị trường trong tháng 1/2022 tăng hầu hết từ các thị trường. Trong đó, giá bông nguyên liệu nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà thấp nhất đạt 1.325 USD/tấn; tiếp đến là từ Indonesia đạt 1.467 USD/ tấn và giá bông nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường Brazil đạt mức cao nhất với mức giá 2.807 USD/tấn.
Cũng theo đánh giá của VCOSA, giá bông cũng chịu áp lực từ xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, tác động lớn nhất của xung đột này là tình hình giá cả hàng hóa biến động rất mạnh. Quan ngại về việc chuỗi cung ứng có thể đứt gãy từ tình hình căng thẳng cùng các lệnh trừng phạt đã làm giá cả tăng lên và có thể sẽ ảnh hưởng đến diện tích gieo trồng cây bông nguyên liệu. Cụ thể, khi giá bông đang cao và hấp dẫn hơn so với giai đoạn trước, việc giá các nông sản khác tăng sẽ làm giảm lợi thế của bông. Điều này có thể khiến cho diện tích gieo trồng bông không tăng như dự báo trước đây. Thị trường bông Việt Nam dự kiến sẽ vẫn diễn biến phức tạp với những thách thức mới trong bối cảnh tắc nghẽn logistics, sản xuất bị gián đoạn, chi phí vận chuyển cao và tình trạng thiếu nguyên liệu. Những yếu tố này tiếp tục làm tăng chi phí đầu vào và làm mất cân đối giữa cung và cầu. Theo đó, người tiêu dùng có thể chịu mức giá cao hơn và các công ty sản xuất có mức biên độ lợi nhuận bị thu hẹp. Cùng với đó, giá bông toàn cầu sau khi tăng trưởng mạnh trong năm 2021, sẽ dần tìm được điểm cân bằng và ổn định trong năm 2022. Dự báo, giá bông nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2022, nhưng khả năng cao sẽ điều chỉnh vào nửa cuối năm 2022.