Phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa để đẩy mạnh xuất khẩu
Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa dựa trên cơ sở khai thác tốt lợi thế cạnh tranh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết nhu cầu việc làm, thu nhập, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đây là một trong số quan điểm mục tiêu của đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, nó trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Thái Bình được các cấp các ngành quan tâm phát triển, đặc biệt là 4 lĩnh vực: Công nghiệp hỗ trợ điện tử, dệt may, cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ sành sứ. Nhiều sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh không chỉ cung cấp sản phẩm, phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh mà còn cung cấp cho các doanh nghiệp ở các địa phương khác, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp của tỉnh.
Tại đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Thái Bình đặt mục tiêu phát triển xuất khẩu hàng hóa với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm; Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo thông qua việc đầu tư cho sản xuất mặt hàng xuất khẩu địa phương, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô; Chủ động và tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt hàng hóa xuất khẩu là thế mạnh của tỉnh. Huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước theo hướng xã hội hóa để phát triển sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu có chất lượng cao.
Các mục tiêu cụ thể: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 2.759,9 triệu USD, tương ứng với tốc độ tăng bình quân từ 10,5%/năm; Ổn định và đảm bảo tăng trưởng ở mức cao với các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và EU; Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu so với GRDP của tỉnh đạt trên 50% đến năm 2025; Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng 95-96% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng nông, thủy hải sản chiếm 2,5%.
Cũng theo đề án, Thái Bình định hướng về sản phẩm xuất khẩu chủ lực cho từng giai đoạn, bao gồm:
Giai đoạn 2021 - 2025: Các sản phẩm chủ lực là những mặt hàng có thế mạnh, có sức tiêu thụ ổn định, thị trường đa dạng, có lợi thế cạnh tranh: May mặc, da giày, xơ, sợi, linh kiện, phụ tùng, sản phẩm kim loại, một số mặt hàng nông nghiệp như gạo, nghêu, rutin hòe...
Đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu: Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tập trung một số ngành nông sản thực phẩm, thủy hải sản, chế biến nông sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, quy cách sản phẩm phù hợp với thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, cần tập trung nâng cao khâu chế biến, bảo quản nông sản.
Đối với các sản phẩm chế biến chế tạo: Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm chế biến và chế tạo, các loại sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; tăng tỷ trọng hàng công nghiệp, đặc biệt là hàng công nghiệp chế tạo như linh kiện và thiết bị ngoại vi; điện tử, viễn thông, vật liệu xây dựng... Xác định phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới phù hợp với xu hướng của thị trường thế giới và lợi thế của Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025. Các mặt hàng mới là các mặt hàng chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao (thiết bị điện tử, cơ khí, máy móc, đồ trang trí nội thất...); tập trung phát triển các mặt hàng này trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài.
Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ; chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản phẩm trên cơ sở áp dụng các giải pháp về khoa học công nghệ.
Định hướng đến năm 2030: Nâng quy mô công suất các nhà máy và đổi mới công nghệ, năng lực sản xuất, thiết kế sản phẩm (đối với lĩnh vực dệt may, da giày). Tiếp tục duy trì và hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực truyền thống có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều công ăn việc làm, đóng góp ngân sách lớn cho tỉnh; trong đó tạo mọi điều kiện để các sản phẩm này tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Thái Bình đưa ra các giải pháp phát triển nguồn hàng phục vụ xuất khẩu (giải pháp đẩy), gồm có:
Giải pháp về liên kết phát triển nguồn hàng xuất khẩu:
Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thiên tai nhằm ổn định sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất công nghiệp, an toàn cho người lao động và hoạt động lưu thông hàng hóa, không để xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của các ngành hàng xuất khẩu do chịu tác động của dịch bệnh, thiên tai.
Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là chuyển đổi số trong quy hoạch vùng chế biến sâu và tổ chức sản xuất nông nghiệp, tạo thương hiệu uy tín, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng đối với các mặt hàng nông, thủy sản là thế mạnh của tỉnh gắn với thị trường nhằm tạo nguồn hàng có chất lượng để xuất khẩu. Kiểm soát theo chuỗi cung ứng ngay từ khâu cung cấp đầu vào cho sản xuất đến xuất khẩu. Hình thành cụm nông nghiệp liên hoàn: Sản xuất - sơ chế - bảo quản - chế biến công nghiệp để giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản xây dựng vùng nguyên liệu trên cơ sở tăng cường liên kết dọc giữa các thành phần trong chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu để đảm bảo nguồn hàng ổn định và chất lượng.
Hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất hàng xuất khẩu nhằm tăng nguồn hàng xuất khẩu của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... đặc biệt là các dự án thuộc các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống.
Tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa phục vụ sản xuất giữa tỉnh Thái Bình và các tỉnh, thành phố; nhất là các tỉnh, thành phố lân cận (có ngành sản xuất nguyên phụ liệu khá mạnh như Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng..., có ưu thế về khoảng cách, thuận tiện giao thông, vận chuyển) để mở rộng liên kết nguồn hàng xuất khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh giai đoạn sau dịch Covid-19.
Về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa trong nguồn hàng hóa xuất khẩu: Tỉnh Thái Bình nhất quán giải pháp: Thực hiện các chương trình kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực, chuyển dần lên các mức cung ứng cao hơn;
Ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có công nghệ hiện đại, ngành sản phẩm thân thiện với môi trường và tiến đến là ưu tiên cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa; thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các doanh nghiệp cung ứng ở bậc cuối trong chuỗi cung ứng toàn cầu (chủ yếu là doanh nghiệp nội địa);
Khuyến khích các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam, kêu gọi các công ty cung ứng đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Có chính sách ưu đãi thích hợp thu hút nguồn vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài thông qua các phương tiện thông tin, thân nhân trong nước để đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp hỗ trợ;
Tiếp tục cải thiện cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư ngày càng thông thoáng; ưu tiên, khuyến khích thu hút các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ áp dụng công nghệ cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa xuất khẩu;
Xây dựng và triển khai các chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa trở thành nhà cung ứng cho các công ty đa quốc gia, cụ thể: Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp công nghệ thông tin đáp ứng các tiêu chuẩn quy định. Đối với các doanh nghiệp đang trong giai đoạn đào tạo để trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp lắp ráp: Hỗ trợ tìm kiếm và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính trong xây dựng, mua sắm máy móc, đào tạo lao động, kết nối với các cơ quan, tổ chức để chứng nhận các tiêu chuẩn cần thiết; Hỗ trợ các doanh nghiệp lắp ráp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia trong việc tìm kiếm, phát triển nhà cung cấp tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp của tỉnh: Hỗ trợ, cung cấp, cho thuê máy móc, giải pháp kỹ thuật, gửi chuyên gia tới các doanh nghiệp, hỗ trợ nhà cung cấp áp dụng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng; Kết nối, giới thiệu nhu cầu và năng lực cung ứng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của tỉnh với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, tạo nguồn hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, phù hợp với tiêu chuẩn thị trường từng khu vực.