Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí vận tải của Hải Phòng
Ngành công nghiệp cơ khí vận tải của Hải Phòng (bao gồm ngành xuất xe có động cơ, ngành công nghiệp đóng tàu) giai đoạn 2017-2020, tăng trưởng khá cao, bình quân đạt 22,26%/năm.
Năm 2020, ngành đóng tàu tăng trưởng cao so với các ngành công nghiệp khác, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 33,57%. Tuy nhiên, ngành công nghiệp đóng tàu đơn hàng không ổn định, nguyên nhân là thiếu thị trường đóng mới tàu, hầu hết các máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu lại phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài. Sang năm 2021 ngành đóng tàu tiếp tục gặp nhiều khó khăn tăng trưởng giảm, chỉ số sản xuất công nghiệp còn 23,21%. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành đóng tàu bao gồm: lắp ráp động cơ diesel tàu thủy, sản xuất nồi hơi, nắp hầm hàng tàu thuỷ, sơn tàu biển, nội thất tàu thủy, que hàn, dây hàn, cửa chống cháy, xích neo tàu, mỏ neo, nghi khí hàng hải...
Đối với ngành xuất xe có động cơ, duy trì được sự tăng trưởng trung bình đối với các sản phẩm truyền thống là các loại xe ô tô tải dưới 10 tấn. Năm 2019 và 2020 do có sự đóng góp của tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast nên tăng trưởng của ngành đạt ở mức cao. Năm 2020 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 19,03% và lên 57,27% vào năm 2021. Về các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư sản xuất sản phẩm lốp xe ô tô khách, bộ dây dẫn điện xe ô tô, loa điện thoại, hệ thống âm thanh ô tô, túi khí bảo vệ an toàn và tay lái xe ô tô, nguyên liệu, linh kiện túi khí bảo vệ người trên ô tô; linh kiện cho bộ phận tiếp liệu của ô tô, phớt dầu, vòng đệm, linh kiện cao su ô tô; mạ và xử lý nhiệt linh kiện ô tô…
Vingroup cũng đang xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô với diện tích 70ha với nhiều dự án phụ trợ khác có tổng vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng. Hiện nay, tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast thu hút được các doanh nghiệp FDI đầu tư các nhà máy quy mô lớn bao gồm: sản xuất phụ tùng, lắp ráp động cơ cụm trục trước, trục sau, ghế ô tô; sản xuất cản trước, cản sau ô tô; dập và hàn chi tiết khung xe ô tô... Các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất linh kiện, phụ kiện, cụm chi tiết (Sắt xi, ca bin, thùng xe, thùng chứa nhiên liệu, cụm dây dẫn điện, các chi tiết dạng tấm đột dập...) phục vụ nhu cầu sản xuất, lắp ráp ôtô tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 30% khá cạnh tranh về chất lượng và mỹ thuật.
Bên cạnh những thuận lợi thì ngành công nghiệp hỗ trợ của Hải Phòng còn nhiều khó khăn như chưa được định hình rõ nét và số lượng cơ sở công nghiệp hỗ trợ còn ít. Các ngành công nghiệp là thế mạnh của Hải Phòng nhưng công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa phát triển mạnh cụ thể là: Ngành đóng tàu hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ vẫn đi kèm; Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô mặc dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi phát triển của nhà nước, nhưng cũng chỉ thu hút được một số ít doanh nghiệp sản xuất phụ tùng tham gia chuỗi cung ứng.
Thời gian tới, để phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí vận tải, Hải Phòng cần tập trung hoàn thiện và triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; Triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố; Nâng cao năng lực hỗ trợ và nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ, năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Hướng tới một thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, bền vững
Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những mục tiêu, định hướng, giải pháp mang tính hiện thực cao, đã mở ra thời cơ lịch sử cho thành phố Hải Phòng trong nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo.
Mục tiêu đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm du lịch quốc tế; hoàn thành xây dựng Trung tâm hành chính-chính trị thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững; có tổ chức Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.
Để phấn đấu đạt được những mục tiêu đó, thành phố đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là:
(1) Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển.
(2) Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 03 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển-logistics; du lịch-thương mại.
(3) Xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.
(4) Đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phù hợp với quá trình đô thị hóa.
(5) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
(6) Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo, y tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ; trọng điểm phát triển khoa học-công nghệ biển của cả nước.
(7) Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
(8) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
(9) Củng cố quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
(10) Triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, củng cố môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi để phát triển thành phố.