Khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 128/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tình hình, giải pháp khắc phục thiếu hụt lao động.
Thông báo nêu rõ, các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế của Quốc hội, Chính phủ đã tạo động lực để khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động. Những tháng đầu năm 2022, thị trường lao động đã có nhiều khởi sắc; người lao động đã trở lại làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ vẫn xảy ra; chủ yếu tại một số địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; nhiều nhất trong thời gian cuối tháng 2 và đầu tháng 3 năm 2022. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do dịch bệnh COVID-19, người lao động phải tạm thời nghỉ việc để điều trị, cách ly và chăm sóc người thân. Việc giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động phải được tiến hành tổng thể trên cơ sở các giải pháp trước mắt và lâu dài.
Trước mắt, để hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau đây:
Tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện các quy định tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp cùng tham gia quy hoạch, phát triển nhà ở cho người lao động trong nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/8/2015 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và các văn bản liên quan khác.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các biện pháp giúp doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện việc duy trì, thu hút lao động vào làm việc, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, tổ chức hoạt động thông tin, kết nối cung - cầu lao động trên cơ sở liên kết, hợp tác vùng (bao gồm nội vùng, các vùng) và cả nước nói chung.
Rà soát, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Về lâu dài, để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt lao động, Phó Thủ tướng đề nghị:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu bảo đảm phù hợp và sử dụng tối đa các yếu tố thuận lợi của thị trường lao động trong quá trình xây dựng các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chú trọng triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra, đặc biệt lưu ý phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp có chương trình phù hợp để mở thêm các chuyên ngành mới liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khẩn trương thực hiện chuyển đổi số để tăng cường kết nối cung - cầu lao động qua nền tảng số.
Bên cạnh đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, chủ trì, phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, bảo đảm hạn chế tình trạng người lao động vì lợi ích trước mắt mà rút bảo hiểm xã hội một lần.
Trước đó, theo báo cáo của lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế của Quốc hội, Chính phủ đã tạo động lực cho khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong quý 1/2022, đồng thời tác động tích cực đến lao động, việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động trong các doanh nghiệp. Quý 1/2022, dịch COVID-19 vẫn tác động tiêu cực tới hơn 16,9 triệu người (từ 15 tuổi trở lên), nhưng giảm 7,8 triệu lao động so với quý 4/2021. Số lao động bị mất việc làm hiện còn 0,9 triệu người, chiếm 1,2% tổng số lao động.
Thị trường lao động những tháng đầu năm 2022 đã có những tín hiệu khởi sắc, dần quay trở lại xu hướng phát triển như: số người từ 15 tuổi trở lên quay trở lại thị trường lao động ngày càng; xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động quay trở lại với chiều hướng phát triển tích cực, giảm tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp và tăng lao động trong ngành dịch vụ, thương mại.
Cùng với đó, thu nhập của người lao động được cải thiện, tăng nhiều so với quý 4/2021 và cùng kỳ năm trước; số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần…
Về nhu cầu tuyển dụng lao động và tình hình thiếu hụt lao động, theo báo cáo nhanh của các địa phương, nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2019, 2020. Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là lao động phổ thông, lao động không yêu cầu có bằng cấp chứng chỉ (chiếm 75%).
Đáng chú ý, trong quý 1/2022 có xảy ra sự cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, với khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và thiếu hụt ở một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...
Một số nguyên nhân chính thiếu hụt lao động như nhiều lao động chọn lập nghiệp tại quê hương, không quay trở lại nơi làm việc, chuyển đổi nghề. Bên cạnh đó, người lao động chưa được đào tạo để đáp ứng tiêu chí mới của nhà tuyển dụng về trình độ, tay nghề… trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số.
Các chính sách thu hút, tuyển dụng của doanh nghiệp chưa hấp dẫn; chi phí sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố lớn ngày càng cao, trong khi lương của người lao động thấp; công tác thông tin, kết nối cung-cầu lao động, dự báo tình hình thị trường lao động còn hạn chế…
Dự báo trong năm 2022, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến hơn 5 triệu lao động, vẫn còn tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ, thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.