Hà Nam: Xây dựng phương án phát triển hạ tầng Cụm công nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế
Tính đến nay, tỉnh Hà Nam đã thành lập 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích 685,86 ha. Trong đó, có 14 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 277,07 ha; thu hút 172 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký của các dự án là 6.102 tỷ đồng; tạo việc làm cho hơn 11.000 lao động địa phương; đạt tỷ lệ lấp đầy 98%.
Trước ngày 19 tháng 8 năm 2009, chưa có văn bản quy phạm pháp luật cấp Trung ương quy định chung về công tác quản lý đối với cụm công nghiệp. Việc quản lý cụm công nghiệp, từ công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng đến quản lý sau đầu tư các cụm công nghiệp là do các tỉnh/thành phố quy định riêng.
Cụm công nghiệp Bình Lục, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam
Từ thực tiễn quản lý cụm công nghiệp như vậy, dẫn đến phát triển cụm công nghiệp tại các địa phương mang nặng tính tự phát, theo phong trào, mỗi nơi một kiểu, thiếu tính định hướng,…
Trong bối cảnh đó, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam được thành lập với mục đích tạo mặt bằng cho các cơ sở sản xuất thuộc diện giải tỏa, các cơ sở sản xuất trong các làng nghề chật chội phải di dời ra khỏi khu dân cư. Nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ (giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp xã làm chủ đầu tư) còn hạn hẹp nên hạ tầng cụm công nghiệp còn chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư hạ tầng còn chưa quan tâm đến lĩnh vực mới này nên Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng là doanh nghiệp hầu như không có.
Kể từ sau khi Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Chính phủ về quy chế quản lý cụm công nghiệp được ban hành; sau đó được củng cố, nâng cao hiệu lực pháp lý bởi Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, công tác quản lý, đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên cả nước nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng được quan tâm hơn, không những chấn chỉnh được tình trạng phát triển cụm công nghiệp tự phát trước đây, mà còn thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp.
Tính đến nay, tỉnh Hà Nam đã thành lập 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích 685,86 ha. Trong đó, có 14 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 277,07 ha; thu hút 172 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký của các dự án là 6.102 tỷ đồng; tạo việc làm cho hơn 11.000 lao động địa phương; đạt tỷ lệ lấp đầy 98%. Đối với các cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, các Chủ đầu tư cam kết triển khai việc đầu tư xây dựng hạ tầng và cơ bản thu hút lấp đầy cụm công nghiệp ngay trong giai đoạn 2021-2025. Việc phát triển các cụm công nghiệp của tỉnh đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, giúp hạn chế tình trạng sản xuất phân tán không theo Quy hoạch và tình trạng ô nhiễm môi trường; giải quyết được mặt bằng cho các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trong thời gian qua còn có tồn tại, hạn chế như: một số cụm công nghiệp quy hoạch không đủ quỹ đất, vị trí quy hoạch chưa thuận lợi về giao thông nên khó thu hút được nhà đầu tư hạ tầng và dự án đầu tư thứ cấp, cùng với đó một số quy hoạch liên quan thay đổi điều chỉnh làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp; Chưa xây dựng quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho giai đoạn sau năm 2020.
Ảnh 3: Cụm Công nghiệp Trung Lương, huyện Bình Lục
Xuất phát từ thực trạng trên, việc xây dựng "Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hà Nam để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030" là cần thiết, nhằm mục đích: Bố trí quỹ đất hợp lý để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới, tạo quỹ đất dành cho sản xuất kinh doanh, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa được thuê đất thực hiện dự án; Định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp ở khu vực nông thôn, đồng thời là căn cứ, cơ sở để hoạch định không gian phát triển hợp lý, đồng bộ, tiết kiệm đất đai và chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; Phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực như đất đai, nguyên, nhiên vật liệu, lao động, vốn, kết cấu hạ tầng, các nguồn tài nguyên khác, bảo đảm an toàn về môi trường sinh thái; Là cơ sở để các nhà đầu tư lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp, giải quyết việc làm cho lao động tại địa bàn, từ đó nâng cao đời sống nhân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Hiện nay, Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trong đó có Phương án phát triển cụm công nghiệp) đã được thẩm định, Tỉnh đang hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo pháp luật quy hoạch để sớm triển khai thực hiện theo quy định.