Các KCN Bắc Ninh kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường trong điều kiện mới.
Công nhân lấy khẩu phần ăn tại bếp ăn của công ty ở KCN của Bắc Ninh. Ảnh: Lao động |
Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh đang có rất nhiều đơn hàng. Dự báo, nếu dịch được tỉnh Bắc Ninh tiếp tục kiểm soát tốt thì năm nay các chỉ số về tăng trưởng ở các KCN Bắc Ninh sẽ rất khả quan.
Đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết, đến nay, các KCN Bắc Ninh đã có 1.104/1.120 doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường so với trước khi có dịch, với tổng số lao động 314.203/320.485 người trở lại làm việc. Hầu hết các doanh nghiệp có ý thức cao trong công tác phòng chống dịch, tuân thủ đầy đủ các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch.
Quản lý lộ trình của công nhân qua cam kết và ứng dụng công nghệ
Đến nay khi sản xuất trong điều kiện bình thường, các công nhân ăn 3 bữa tại nhà máy, rời nhà máy sau 20h và phải thực hiện cam kết “2 điểm đến, 1 cung đường”, 21h hằng ngày nhà trọ điểm danh, công an và chính quyền xử phạt nếu công nhân ra đường và người kinh doanh khu vực nhà trọ còn bán hàng sau giờ này vì công nhân là đối tượng cần được bảo vệ.
Theo Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh, với các biện pháp phòng chống dịch thành công bước đầu, hiệu quả thời gian qua, cùng việc quyết liệt, nhất quán, sáng tạo, kịp thời trong công tác phòng chống dịch được cộng đồng doanh nghiệp hài lòng, đánh giá cao, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường trong điều kiện mới. Hiện nay, doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh đang có rất nhiều đơn hàng. Dự báo, nếu dịch được kiểm soát tốt thì mặc dù bị ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ 4, nhưng năm nay, các chỉ số về tăng trưởng ở các KCN Bắc Ninh sẽ rất khả quan.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, để viết tiếp những thành công trong “cuộc chiến” chống COVID-19, tỉnh xác định thực tế sản xuất trong điều kiện có dịch và trạng thái bình thường mới không chỉ là nhất thời mà là một quá trình, từ đó chủ động xây dựng kịch bản để khôi phục kinh tế.
Theo đó, tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; triển khai tiêm vaccine cộng đồng; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng dịch bệnh…
Cùng với việc tiếp tục đưa công nhân trở lại nhà máy làm việc, tỉnh sẽ tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn chống dịch trong các KCN. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để kiểm soát dịch bệnh, bởi số lượng người lao động làm việc trong các KCN rất lớn, nên việc quản lý cơ học về lâu dài sẽ rất khó khăn.
Phương án quản lý lộ trình của công nhân qua cam kết và ứng dụng công nghệ sẽ phải triệt để phát huy. Đây là việc làm khó nhưng vẫn phải làm để bảo đảm an toàn chống dịch trong sản xuất.
Công nhân tại Bắc Ninh được tiêm vaccine phòng, chống COVID-19. Ảnh: Báo Tin tức |
Duy trì kiểm soát tình hình, giữ thành quả phòng, chống dịch
Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết, thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiếp tục bám sát thông tin diễn biến dịch ở các địa phương, đặc biệt các địa phương lân cận như: Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên để có giải pháp ngăn chặn kịp thời dịch bệnh.
Tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra các công ty kinh doanh các nhóm ngành dịch vụ trong các KCN về công tác phòng, chống dịch như: Bảo vệ, vệ sinh, kinh doanh logistics, các nhà thầu xây dựng, suất ăn công nghiệp.
Chỉ đạo các doanh nghiệp và công đoàn doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người lao động của doanh nghiệp và chủ nhà trọ sắp xếp bố trí cho người lao động ở tập trung để quản lý chặt chẽ sau khi rời nơi làm việc về nhà trọ; duy trì mỗi nhà trọ hoặc cụm nhà trọ chỉ có người lao động của 1 hoặc 2 doanh nghiệp thuê để ở. Tuyên truyền người lao động tuyệt đối không tụ tập đông người ăn uống liên hoan, sinh nhật.
Thiết lập hệ thống quản lý chặt chẽ người lao động, bố trí người lao động theo 4 cùng: Cùng ở - Cùng đi làm - Cùng làm phân xưởng/tổ - Cùng ăn; quy định về vị trí ngồi ăn cố định đối với từng người theo từng ca; hoặc vị trí chỗ ngồi cố định trên xe đưa/đón; trong thời gian làm việc, người lao động không được phép đi ra/vào những khu vực không liên quan khi chưa được sự đồng ý của quản lý cấp trên trong doanh nghiệp.
Bổ sung vào nội quy của doanh nghiệp và tuyên truyền đến toàn thể người lao động nguyên tắc: Nếu khu vực (cấp xã/phường) người lao động đang ở/lưu trú xuất hiện ca F0 hoặc bản thân/người thân ở cùng nhà có lịch sử tiếp xúc với người nghi nhiễm SARS-CoV-2 hoặc từng đi/về từ vùng dịch (khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg) thì tuyệt đối không được đến doanh nghiệp. Trường hợp cố tình vi phạm làm lây lan dịch vào doanh nghiệp hoặc lợi dụng để không đi làm thì người lao động phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Khuyến khích người lao động ngoại tỉnh ở lại lưu trú tạm thời ở Bắc Ninh, hạn chế tối đa việc di chuyển từ Bắc Ninh đến Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác và ngược lại.
Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý các trường hợp xuất hiện ca F0 trong KCN một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động bảo đảm nhanh, hiệu quả, đúng đối tượng.
Trong tình huống DN có ca F0, đề nghị Sở Y tế và UBND các huyện/thị xã/thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các KCN để tiến hành xử lý nhanh nhất và sẽ sàng lọc nhanh, khoanh gọn để doanh nghiệp trở lại hoạt động nhanh nhất có thể, phun khử khuẩn, đưa lao động mới, sạch vào sản xuất ngay.
Sáu tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong KCN của Bắc Ninh tạo giá trị sản xuất 549.455 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 16,211 tỷ USD, tăng 16%; nhập khẩu đạt 11,675 tỷ USD, tăng 28%; nộp ngân sách Nhà nước 5.179 tỷ đồng, tăng 24%... Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh vào các KCN của Bắc Ninh trong 6 tháng qua là 601,68 triệu USD (FDI 440,95 triệu USD; trong nước là 3.696,88 tỷ đồng, tương đương 160,73 triệu USD).