CPTPP - Đòn bẩy mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam - Malaysia
Việc gia nhập CPTPP mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam - Malaysia nhiều cơ hội tận dụng tiềm năng thị trường lẫn nhau. Đồng thời, thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ, tạo thuận lợi cho dòng vốn đầu tư và trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở cả hai quốc gia.
Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Zafrul Tengku Abdul Aziz đã khẳng định như vậy tại Diễn đàn Doanh nghiệp Malaysia – Việt Nam được tổ chức ngày 21/7, tại Hà Nội, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia. Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều quan chức hàng đầu các bộ, ngành hai nước cùng hàng trăm đại diện công ty, doanh nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã chúc mừng các lãnh đạo đến từ Việt Nam đã có những cam kết rõ ràng khi mở cửa đón dòng đầu tư và thương mại trong đó có Malaysia.
Thủ tướng Anwar Ibrahim mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các doanh nghiệp Malaysia mở rộng đầu tư. Thủ tướng Malaysia cũng cho biết, những thảo luận tại diễn đàn sẽ giúp doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thêm cơ hội, dư địa hợp tác về các lĩnh vực trong thời gian tới.
Bày tỏ vui mừng về thành tựu hợp tác kinh tế giữa hai nước, Thủ tướng Anwar Ibrahim nhấn mạnh về mặt thương mại, hai nước đặt mục tiêu cho tổng kim ngạch thương mại song phương là 18 tỷ USD vào năm 2025.
Đây là con số được đưa ra vào năm 2021. Nhưng đến nay, dựa trên số liệu thống kê của Malaysia, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đã vượt mục tiêu đề ra.
Thủ tướng Anwar Ibrahim khẳng định trong tương lai, cả hai quốc gia sẽ tiếp nối và thúc đẩy những động lực kinh tế-thương mại tích cực đã đạt được.
Chia sẻ về cơ hội trong thị trường hai nước, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Zafrul Tengku Abdul Aziz khẳng định, Malaysia và Việt Nam có lịch sử hữu nghị và hợp tác rực rỡ trong các lĩnh vực quan trọng về kinh tế, thương mại và đầu tư.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Malaysia trên toàn cầu, trong khi ở ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Malaysia, chỉ sau Singapore, Indonesia và Thái Lan. Lũy kế đến hết năm 2022, Malaysia cũng là nhà đầu tư lớn thứ 4 của Việt Nam. “Tất cả những con số này cho thấy sự vững chắc trong mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia”, Bộ trưởng Tengku Zafrul Tengku Abdul Aziz khẳng định.
Bên cạnh việc là thành viên của ASEAN, tham gia đầy đủ vào các hiệp định kinh tế khu vực, Malaysia và Việt Nam còn là các nước thành viên của hai hiệp định thương mại quan trọng, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
Phân tích lợi thế từng hiệp định, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia nhấn mạnh, việc gia nhập CPTPP mang đến cho hai nước nhiều cơ hội tận dụng tiềm năng thị trường lẫn nhau. Đồng thời, thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ, tạo thuận lợi cho dòng vốn đầu tư và trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở cả hai quốc gia.
CPTPP cũng thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, với các điều khoản đề cập đến quyền lao động, bảo vệ môi trường và hướng tới những mục tiêu chung của hai nước.
Trong khi đó, việc thực thi hiệp định RCEP cho phép cả Malaysia và Việt Nam thiết lập một liên minh kinh tế hiện đại, toàn diện, hàng đầu và cùng có lợi. Quan hệ đối tác này sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư trong khu vực, từ đó đóng góp đáng kể vào sự tiến bộ, phát triển kinh tế toàn cầu.
Kết thúc Diễn đàn, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tin tưởng rằng thông qua các nỗ lực tăng cường hợp tác, liên doanh và chia sẻ kinh nghiệm, tầm nhìn, hai nước có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của hai nền kinh tế và thúc đẩy mạnh mẽ các cơ chế hợp tác đôi bên cùng có lợi.