Công nghiệp lắp ráp sản xuất - con đường phát triển của mỗi quốc gia
Từ sự trỗi dậy của Anh trong thế kỷ 19, đến sự trỗi dậy của Mỹ, Đức, Nhật vào giữa thế kỷ 20, đến các nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan vào cuối thể kỷ 20, và gần đây là Trung Quốc... đã cho thấy các ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp lắp ráp sản xuất là con đường phát triển, là chìa khoá để tạo nên sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.
Khái niệm về công nghiệp hỗ trợ được các nước và các tổ chức định nghĩa khác nhau, với cách nhìn và mục tiêu khác nhau trong phát triển lĩnh vực này. Thuật ngữ công nghiệp hỗ trợ ra đời đầu tiên ở Nhật Bản. Bản thân cụm từ công nghiệp hỗ trợ được dịch trực tiếp từ thuật ngữ gốc trong tiếng Nhật là “Suso-no San-gyuo”, trong đó Suso-no nghĩa là “Chân núi” và Sangyuo là “Công nghiệp”.
Nếu xem toàn bộ quy trình sản xuất một sản phẩm như một quả núi thì các ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò chân núi, còn công nghiệp lắp ráp, sản xuất hoàn tất sản phẩm cuối cùng đóng vai trò đỉnh núi. Do đó, nếu không có công nghiệp hỗ trợ rộng lớn, vững chắc thì cũng sẽ không có công nghiệp lắp ráp sản xuất hoàn tất cuối cùng bền vững, ổn định.
Với cách hình dung như trên, tổng thể ngành công nghiệp có thể được xem như là sự kết hợp giữa công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp lắp ráp sản xuất hoàn tất sản phẩm cuối cùng, trong đó, công nghiệp hỗ trợ được coi là cơ sở nền tảng, công nghiệp lắp ráp sản xuất hoàn tất sản phẩm cuối cùng có vai trò hoàn thành giá trị sử dụng của sản phẩm.
Tuy vậy, tại các nước trên thế giới, tùy theo tình hình cụ thể và đặc thù của từng quốc gia, khái niệm về công nghiệp hỗ trợ có sự khác biệt nhất định.
Ở Nhật Bản, thuật ngữ công nghiệp hỗ trợ ban đầu được dùng để chỉ “các doanh nghiệp vừa và nhỏ có đóng góp cho sự phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp ở các nước Châu Á trong trung và dài hạn”. Sau đó, định nghĩa chính thức của quốc gia về công nghiệp hỗ trợ được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đưa ra vào vào năm 1993: Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp cung cấp các yếu tố cần thiết như nguyên vật liệu thô, linh kiện và vốn… cho các ngành công nghiệp lắp ráp (bao gồm ô tô, điện và điện tử).
Theo Văn phòng phát triển công nghiệp hỗ trợ Thái Lan (BSID): công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp cung cấp linh kiện, phụ kiện, máy móc, dịch vụ đóng gói và dịch vụ kiểm tra cho các ngành công nghiệp cơ bản (nhấn mạnh các ngành cơ khí, máy móc, linh kiện cho ô tô, điện và điện tử là những công nghiệp hỗ trợ quan trọng).
Phòng Năng lượng Hoa Kỳ trong ấn phẩm năm 2004 với tên gọi “Các công nghiệp hỗ trợ: công nghiệp của tương lai”, đã định nghĩa công nghiệp hỗ trợ là những ngành sử dụng nguyên vật liệu và các quy trình cần thiết để định hình và chế tạo ra sản phẩm trước khi chúng được lưu thông đến ngành công nghiệp sử dụng cuối cùng.
Tuy khái niệm của Phòng 13 Năng lượng Hoa Kỳ đưa ra rất tổng quát nhưng cơ quan này, trong phạm vi chức năng của mình, tập trung chủ yếu vào mục tiêu tiết kiệm năng lượng. Do đó, công nghiệp hỗ trợ theo quan điểm của cơ quan này là những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng như than, luyện kim, thiết bị nhiệt, hàn, đúc…
Tại Việt Nam, Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/2/2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ định nghĩa “công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng”.
Còn theo Quyết định số 111/2015/NĐCP của Chính phủ ban ngày 03/11/2015 về Phát triển công nghiệp hỗ trợ, “công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh”.
Nhìn chung, các khái niệm về công nghiệp hỗ trợ trên đây đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các ngành công nghiệp sản xuất đầu vào cho thành phẩm. Tuy nhiên mỗi khái niệm xác định một phạm vi khác nhau cho ngành công nghiệp này. Công nghiệp hỗ trợ thường phát triển theo các giai đoạn khác nhau, với chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sản xuất trong nước ngày càng tăng.