Sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may có nhiều khởi sắc trong nửa đầu năm 2022
Sau quãng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm 2022 là thời điểm mà các doanh nghiệp sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may đang từng bước phục hồi.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành dệt tăng 3,9% so với tháng 6/2022 và tăng 6,8% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành dệt tăng 4% so với 7 tháng năm 2021. Chỉ số sản xuất trang phục tháng 7/2022 tăng 2,8% so với tháng 6/2022 và tăng 28,9% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất trang phục tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc của khối doanh nghiệp FDI trong 7 tháng năm 2022 đạt 494,88 triệu cái, giảm 2,57% so với cùng kỳ năm 2021; chiếm 33,76% tổng sản xuất sản phẩm này của cả nước. Sản phẩm này được sản xuất chủ yếu tại Bình Dương (chiếm 26,05% tổng sản lượng sản phẩm này của doanh nghiệp FDI); Tây Ninh (chiếm 13,18%); Hải Dương (chiếm 11,34%); Bắc Giang (chiếm 10,12%)…
Trong 7 tháng năm 2022, sản lượng sản xuất vải dệt thoi từ sợi tơ (filament) nhân tạo của khối doanh nghiệp FDI đạt sản lượng cao nhất với trên 189 triệu m2, giảm 13,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp đến là vải dệt thoi từ sợi bông có tỷ trọng bông từ 85% trở lên của khối doanh nghiệp FDI đạt 188,53 triệu m2, giảm 1,83% so với cùng kỳ năm 2021; vải dệt thoi từ sợi tơ (filament) tổng hợp đạt 126,21 triệu m2, giảm 1,37% so với cùng kỳ năm 2021; vải dệt thoi khác từ sợi bông đạt gần 14,81 triệu m2, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản lượng sợi tơ (filament) tổng hợp của khối doanh nghiệp FDI trong 7 tháng năm 2022 đạt cao nhất với 674,49 triệu tấn, giảm 8,66% so với cùng kỳ năm 2021; chiếm tỷ trọng 76,28% tổng sản lượng sản phẩm này của cả nước. Tiếp đó là: Sợi xe từ các loại sợi tự nhiên: bông, đay, lanh, xơ dừa, cói... của khối doanh nghiệp FDI đạt gần 417,3 nghìn tấn, tăng 3,41% so với cùng kỳ năm 2021; sợi từ bông (staple) tổng hợp của khối doanh nghiệp FDI có tỷ trọng của loại bông này dưới 85% đạt 69,4 nghìn tấn, tăng 66,69% so với cùng kỳ năm 2021.
Dù sản xuất của nhiều doanh nghiệp khả quan, đơn hàng đã được ký đến hết quý III/2022, song nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu bị gián đoạn khiến doanh nghiệp dè dặt. Hiện nay, nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong khi đó, các biện pháp chống dịch mạnh mẽ của phía bạn khiến việc nhập khẩu nguyên liệu tương đối khó khăn. Trong bối cảnh này cần sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp sản xuất để các bên có thể cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.