Đại sứ COP26 hoan nghênh cam kết của Việt Nam về khí hậu
Việc đặt mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như cam kết giảm phát thải bằng ‘0’ thông qua chiến dịch “Race To Zero” của Liên Hợp Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, được tín nhiệm và tôn trọng hơn.
Đại sứ COP26 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Nam Á - Ken O’Flaherty đã có chuyến thăm đến Việt Nam từ ngày 18 - 22/4 vừa qua.
Đoàn công tác tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (Ảnh: PV) |
Theo đó, chuyến thăm tiếp nối những nỗ lực của trước đó của Chủ tịch COP26 - ông Alok Sharma trong việc thực hiện Hiệp ước Khí hậu Glasgow, mở ra các cam kết mới về khí hậu và cập nhật hơn những tiến triển từ các quốc gia trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 27 (COP27) tổ chức tại Ai Cập.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đại sứ Ken O’Flaherty đã gặp và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương. Ông hoan nghênh các cam kết đầy tham vọng mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra tại COP26, bao gồm cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và việc tán thành tuyên bố chung toàn cầu về chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch. Ông cũng nhấn mạnh sự sẵn sàng của Vương quốc Anh trong việc hợp tác với Việt Nam để thực hiện các cam kết nêu trên, và trọng tâm là về quá trình chuyển dịch năng lượng của quốc gia.
Tại Hà Nội, Đại sứ COP26 đã tham gia “Đối thoại quốc gia về chuyển dịch năng lượng với Việt Nam lần thứ 2”. Buổi Đối thoại được đồng chủ trì bởi Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Đại sứ COP26 Ken O’Flaherty và Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward. Các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về các vấn đề cần giải pháp từ cơ quan nhà nước, các đối tác phát triển và khu vực tư nhân. Một số hoạt động thực tế đã triển khai, đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, về kỹ thuật cũng như về tài chính, các cơ hội tiềm năng và thách thức cũng được chia sẻ tại buổi đối thoại.
Từ ngày 20 đến 21/4, ông Ken O’Flaherty đã có chuyến thăm đến Cần Thơ để gặp gỡ đại diện của trường Đại học Cần Thơ, các nhà hoạt động môi trường, nhà nghiên cứu để tìm hiểu về những cơ hội và thách thức của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Cũng trong chuyến thăm, ông cùng các nhà sinh thái học địa phương đã đi thuyền trên sông Hậu để trực tiếp tìm hiểu các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với môi trường, với cộng đồng và nền kinh tế trong khu vực.
Đại sứ COP26 cũng đã ghé thăm một số dự án điện gió tại Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ông nhận định việc các nhà máy đi vào hoạt động chắc chắn sẽ góp phần vào an ninh năng lượng quốc gia, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương. Các dự án điện gió này rất phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và Việt Nam nói chung theo hướng “xanh”, chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vùng ven biển.
Chuyến thăm kết thúc tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau buổi làm việc của Đại sứ COP26 cùng Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Kế hoạch và Đầu tư tại đây. Ông O’Flaherty nhận định rằng hướng xanh hóa và phát triển bền vững cần sự phối hợp của nhà nước và khối tư nhân, các doanh nghiệp cùng những chiến lược và hành động cụ thể. Điều này cần được hỗ trợ bởi các chính sách phù hợp và sự khơi thông tài chính. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như cam kết giảm phát thải bằng ‘0’ thông qua chiến dịch “Race To Zero” của Liên Hợp Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, được tín nhiệm và tôn trọng hơn.