EU thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và sức ép với các nước xuất khẩu
Ngày 30/3, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, các quy định mới về quan niệm sinh thái mới của Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp chấm dứt mô hình kinh doanh công nghệ và thời trang với các sản phẩm có “vòng đời ngắn” ở châu Âu.
Nền kinh tế hiện tại, được gọi là nền kinh tế ‘tạo rác’, quá trình này diễn ra theo tuyến tính: chúng ta lấy vật liệu từ trái đất, tạo ra sản phẩm và cuối cùng vứt bỏ chúng như chất thải.
Nền kinh tế tuần hoàn, ngay từ đầu đã ngăn chặn chất thải được sản xuất bằng cách đảm bảo các sản phẩm trên thị trường có thể tái sử dụng, tái chế và sửa chữa được. Mô hình bền vững này giúp loại bỏ chất thải và ô nhiễm, lưu thông các sản phẩm và vật liệu ở mức giá trị cao nhất của chúng, và tái tạo thiên nhiên.
Nền kinh tế tuần hoàn, được giới thiệu như một phần của Thỏa thuận Xanh Châu Âu, giải quyết các thách thức toàn cầu cấp bách như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, chất thải và ô nhiễm.
Các sản phẩm điện tử là một trong những sản phẩm nhiều chất thải nhất ở châu Âu
Những quy định mới mà EU vừa đưa ra
Các quy định mới của Liên minh Châu Âu thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế của Châu Âu, tập trung vào các sản phẩm bền vững, bao gồm hàng dệt may, vật liệu xây dựng và Hộ chiếu số cho hàng hóa, cũng như quyền của người tiêu dùng, bao gồm cả lệnh cấm “greenwashing- quảng cáo sai sự thật về sản phẩm thân thiện môi trường”
1. Sản phẩm bền vững
Trong quá trình chuyển đổi sang các sản phẩm bền vững và tuần hoàn hơn, thiết kế sản phẩm là một trong những mối quan tâm chính vì nó quyết định đến 80% tác động môi trường trong vòng đời sản phẩm.
Các yêu cầu mới sẽ làm cho sản phẩm bền hơn, có thể tái sử dụng và sửa chữa, cũng như tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Do đó, sản phẩm sẽ dễ bảo trì, tân trang và tái chế hơn.
Ngoài ra, các yêu cầu thông tin cụ thể về sản phẩm sẽ đảm bảo người tiêu dùng biết các tác động môi trường khi mua hàng. Hộ chiếu số của hàng hóa được giới thiệu, giống với hệ thống dán nhãn năng lượng hiệu quả của Liên minh Châu Âu - hệ thống chấm điểm từ A đến G mà bạn có thể tìm thấy trên các sản phẩm. Hộ chiếu sẽ chứa thông tin về các thành phần và khả năng tái chế của sản phẩm, đồng thời, nó cũng sẽ giúp việc sửa chữa hoặc tái chế sản phẩm dễ dàng hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi các chất cần quan tâm trong chuỗi cung ứng.
Đề xuất cũng bao gồm các biện pháp chấm dứt việc tiêu hủy hàng tiêu dùng tồn đọng, cũng như mở rộng hoạt động mua sắm công xanh và cung cấp các ưu đãi cho các sản phẩm bền vững.
Điều đó có nghĩa bạn sẽ không phải mua điện thoại mới vì không thể sửa chữa, thay vào đó là các sản phẩm có thể dễ dàng tân trang và sửa chữa.
Việc tiêu thụ hàng dệt may ở châu Âu có tác động tiêu cực lớn thứ tư đến môi trường, vì hàng dệt may là chất liệu của cuộc sống hàng ngày: nó được tìm thấy trong quần áo và đồ nội thất, thiết bị y tế và bảo hộ, các tòa nhà và xe cộ.
Dệt may có tác động lớn thứ tư đến môi trường và biến đổi khí hậu
Chiến lược mới sẽ đảm bảo hàng dệt may được sản xuất bền hơn, có thể sửa chữa, tái sử dụng và tái chế, nhằm giải quyết nhanh chất thải thời trang và dệt may. Trên hết, các sản phẩm dệt may phải được làm từ càng nhiều sợi tái chế càng tốt, không chứa chất độc hại và tôn trọng đầy đủ các quyền xã hội. Có nghĩa là người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ hàng dệt may chất lượng cao bền hơn.
Đề xuất thứ ba nhằm mục đích thúc đẩy thị trường nội địa cho các sản phẩm xây dựng, đảm bảo khung pháp lý được áp dụng sẽ giúp môi trường xây dựng đạt được các mục tiêu về tính bền vững và khí hậu.
Điều đó cũng gồm việc tách EU khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng và tài nguyên, trở nên kiên cường hơn trước các cú sốc bên ngoài và tôn trọng thiên nhiên và sức khỏe của con người. Sự phụ thuộc năng lượng vào Nga hiện đang ảnh hưởng đến giá năng lượng, điều này sẽ không còn xảy ra khi EU chuyển sang sử dụng các nguồn tài nguyên lâu bền của riêng mình.
2. Quyền lợi của người tiêu dùng
Chương trình sinh thái – kinh tế toàn hoàn này cũng bao gồm các quy tắc mới để trao quyền cho người tiêu dùng trong quá trình chuyển đổi xanh, thông báo cho họ về tính bền vững với môi trường của các sản phẩm và bảo vệ họ chống lại “ các quảng cáo sai sự thật về khả năng thân thiện với môi trường, lâu bền của sản phẩm”, để họ có thể đưa ra các lựa chọn thông minh và thân thiện với môi trường khi mua sản phẩm.
Người tiêu dùng sẽ có quyền biết một sản phẩm được thiết kế để sử dụng trong bao lâu và nó có thể được sửa chữa như thế nào, nếu có.
“EU đang hỗ trợ người tiêu dùng chọn những sản phẩm có tuổi thọ cao hơn và có thể sửa chữa được và đảm bảo cam kết chúng không bị cản trở bởi thông tin sai lệch,” Phó chủ tịch phụ trách Giá trị và Minh bạch, Věra Jourová, cho biết.
“EU đang cung cấp cho người tiêu dùng những công cụ mới mạnh mẽ để đưa ra những lựa chọn sáng suốt và tăng tính bền vững của sản phẩm và nền kinh tế của EU với đề xuất này”. Hộ chiếu số của hang hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đảm bảo điều này.
3. Khả năng ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp và nước xuất khẩu
Mặc dù đây là một tin tốt cho người tiêu dùng, nhưng các lĩnh vực như big tech và các ngành công nghiệp lớn khác sẽ ít hào hứng hơn với những thay đổi này. Cũng giống như việc EU giới thiệu bộ sạc đa năng, các ngành công nghệ và tiêu dùng dự kiến sẽ vận động hành lang mạnh mẽ với hy vọng giảm bớt các đề xuất của EU.
Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc điều hành Holger Lösch cho biết, các tiêu chí về tính bền vững cũng phải áp dụng cho các nhà sản xuất từ các nước thứ ba và được kiểm định độc lập khi nhập khẩu. Ông cũng lưu ý rằng hộ chiếu sản phẩm số sẽ cần bảo vệ dữ liệu kinh doanh nhạy cảm. Đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp EU cũng sẽ vận động áp dụng chương trình này cho các nước xuất khẩu vào EU để cân bằng cạnh tranh, buộc các nhà sản xuất từ các nước thứ 3 trong đó có Việt Nam phải thay đổi tương tự. Điều này có nghĩa hàng điện tử, may mặc của Việt Nam cũng đứng trước sức ép thay đổi nếu muốn xuất khẩu lâu dài vào EU. Doanh nghiệp liên quan cần nghiên cứu sớm các giải pháp thích ứng với các thay đổi tại EU trong tương lai.