Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô: Lá cờ đầu trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ ngành giấy
Là đơn vị nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực công nghiệp giấy, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô luôn quan tâm, chú trọng vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần phát triển bền vững ngành giấy.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, Viện đã tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành, lấy doanh nghiệp là trung tâm trong các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Nhờ đó, nhiều công nghệ do Viện nghiên cứu đã được chuyển giao và ứng dụng hiệu quả tại các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Công nghệ sản xuất giấy in, giấy vẽ khối lượng riêng thấp là một trong những công nghệ nổi bật của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô. Công nghệ hiện được áp dụng vào sản xuất thương mại trên dây chuyền sản xuất tại Xưởng thực nghiệm của Viện. Đồng thời, công nghệ này đã được Viện chuyển giao thành công cho hai doanh nghiệp là Công ty CP Giấy Vạn Điểm và Công ty CP Giấy Việt Thắng, giúp thay thế phần lớn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đại diện Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô cho hay, công nghệ sản xuất giấy in, giấy vẽ khối lượng riêng thấp cũng giúp các đơn vị gia công lớn như Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà, Công ty CP Văn phòng phẩm Hải Phòng sản xuất tiêu dùng trong nước và tiến đến xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Viện đã chuyển giao công nghệ MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor - Giá thể sinh học tự do) và ứng dụng trên hệ thống xử lý nước thải của Công ty CP Giấy Vạn Điểm với công suất 4.200 m3/ngày đêm. Công nghệ giúp xử lý nước thải đạt chất lượng cấp A theo Tiêu chuẩn QCVN 12-MT:2015/BTNMT. Ngoài ra, công nghệ này cũng đang tiếp tục được chuyển giao, ứng dụng tại dây chuyền 2 của Công ty CP Giấy Hưng Hà.
Đáng chú ý hơn cả là dự án phối hợp giữa Viện và Công ty CP Giấy Vạn Điểm "Hoàn thiện công nghệ sản xuất nhũ tương copolymer styrene acrylate và ứng dụng làm chất chống thấm bề mặt cho giấy bao bì công nghiệp", thuộc Chương trình “Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao” do Nạp Tiền 188bet chủ trì. Dự án đã xây dựng được một dây chuyền sản xuất keo copolymer styren acrylate (SAE) dùng để chống thấm bề mặt cho giấy bao bì công nghiệp công suất 50 tấn/tháng, được lắp đặt tại Công ty CP Giấy Vạn Điểm.
Hệ thống thiết bị sản xuất nhũ tương copolymer styren acrylate được lắp đặt tại Công ty CP Giấy Vạn Điểm.
Được biết, sản phẩm keo SAE của dự án đã được thương mại hóa, cung cấp cho hơn 10 đơn vị sản xuất bao bì ở khu vực miền Bắc. Đặc biệt, sản phẩm có chất lượng tốt hơn nhưng giá thành chỉ bằng 50% so với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, sản phẩm giúp nâng cao khả năng chống thấm của sản phẩm giấy lên 15-20%, tiết kiệm nước sạch từ 30-50%, giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với dùng keo chống thấm nội bộ.
Ngoài những công nghệ đã chuyển giao kể trên, Viện còn ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất chế phẩm sinh học có chứa chủng xạ khuẩn CXD2-17 và vi khuẩn CVSCV1-1 cho xử lý nhựa trong dăm mảnh nguyên liệu gỗ. Chế phẩm có thể sử dụng trong quá trình sản xuất bột giấy hóa học tẩy trắng, giúp giảm trên 70% hàm nhựa cây có trong dăm mảnh gỗ chỉ sau 14-21 ngày bảo quản mà chất lượng bột giấy không thay đổi. Không những vậy, sử dụng chế phẩm còn giúp giảm mức dùng kiềm 2%, thời gian phải vệ sinh hệ thống chưng bốc - cô đặc tăng trên 50%, giảm trên 70% thời gian đứt giấy của máy xeo. Hiện Viện đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và thiết bị để đưa vào sản xuất thương mại chế phẩm sinh học xử lý nhựa cung cấp cho Nhà máy giấy Bãi Bằng và Công ty CP Giấy An Hòa.
Có thể thấy, hầu hết các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm do Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô thực hiện đều hướng tới chuyển giao công nghệ cho các đơn vị sản xuất trong ngành, tạo ra sản phẩm mới thay thế hàng nhập khẩu, phục vụ tiêu dùng trong nước. Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, Viện đã từng bước ổn định, tạo tiền đề để phát triển bền vững và tăng cường tính tự chủ. Ngoài ra, kết quả của những nhiệm vụ khoa học công nghệ giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng doanh thu, hướng tới "xanh" hóa ngành giấy.
Trong giai đoạn 2016-2020, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô được giao thực hiện 06 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước, 02 dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước; 27 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp bộ và 04 dự án sản xuất thử nghiệm cấp bộ. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của Viện thời gian qua chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nguyên - nhiên - vật liệu trong sản xuất bột giấy BHKP; nâng cao chất lượng các sản phẩm giấy bao bì, giấy in và giấy viết, giấy tissue; nghiên cứu công nghệ sản xuất các mặt hàng giấy đặc biệt, giấy kỹ thuật; ứng dụng công nghệ sinh học vào quá trình sản xuất bột giấy, sản xuất giấy và hóa chất phụ gia; cải tạo và nâng cấp các hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn nhằm đạt yêu cầu về xả thải theo QCVN. |