Khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020
Chiều 12/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp trực tuyến về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Để hoàn thiện dự thảo Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang bộ, một số cơ quan liên quan của Đảng, Quốc hội, các hiệp hội và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đồng thời tổ chức 05 hội thảo tham vấn các địa phương: tại 3 vùng Bắc, Trung, Nam; các cơ quan, tổ chức, chuyên gia; VCCI, các hiệp hội và doanh nghiệp. Dự thảo cũng đã được đăng tải, xin ý kiến góp ý trên Cổng thông tin của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Khẳng định đây là cuộc họp có ý nghĩa hết sức quan trọng để các thành viên Ban soạn thảo cho ý kiến hoàn thiện trước khi Bộ gửi hồ sơ tới Bộ Tư pháp thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, với 230 cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý cho Dự thảo Nghị định, có thể khẳng định, đây là bản dự thảo văn bản pháp luật đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi.
“Lần đầu tiên, cơ quan soạn thảo đã được nghe trực tiếp các ý kiến đóng góp của đầy đủ 63 tỉnh, thành phố. Nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố đã quan tâm tham dự và trực tiếp đóng góp ý kiến. Các ý kiến góp ý rất phong phú, trách nhiệm cả về các vấn đề chung có tính lý luận, khoa học cũng như các vấn đề cụ thể có tính thực tiễn đang đặt ra” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, đại diện cho Tổ biên tập báo cáo: Trong 230 cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý cho Dự thảo Nghị định, có 58/63 ý kiến chính thức bằng văn bản từ các địa phương (gồm ý kiến của UBND cấp tỉnh, Sở TN&MT, Ban Quản lý khu công nghiệp (BQL KCN) và ý kiến cá nhân của một số lãnh đạo cấp tỉnh, lãnh đạo Sở TN&MT); 72 ý kiến góp ý thêm tại Hội thảo, BQL KCN/KCX, Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo Sở TN&MT; 16/21 Bộ, Cơ quan ngang Bộ; 07 ý kiến của cơ quan khác (một số Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội, Hiệp hội nghề…); 12 ý kiến từ doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế; 24 ý kiến từ đơn vị thuộc Bộ TN&MT; 41 ý kiến của cá nhân (chuyên gia, công chức, viên chức ngành TN&MT).
Tại cuộc họp, Tổ biên tập cũng đã báo cáo về tình hình tổng hợp, tiếp thu và giải trình các ý kiến góp ý, việc hoàn thiện Dự thảo Nghị định và các hồ sơ kèm theo bao gồm: Dự thảo Nghị định và Dự thảo Tờ trình đã được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý; Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý kèm theo bảng tổng hợp đầy đủ, chi tiết; Báo cáo đánh giá tác động chính sách; Báo cáo đánh giá thủ tục hành chính; Báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Thông qua tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và các tổ chức có liên quan, các đại biểu tham dự cùng nhau thảo luận về một số vấn đề để đi đến những nội dung thống nhất chung như: Quy định trình tự, thủ tục kiểm tra, giám định chất lượng và thông quan phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong nhập khẩu phế liệu; việc thành lập Hội đồng EPR Quốc gia, Văn phòng EPR Việt Nam; các vấn đề về lộ trình nhập khẩu phế liệu nhựa từ nước ngoài để sản xuất hạt nhựa tái chế thương phẩm; thời hạn phải hoàn thành việc truyền trực tiếp số liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh; việc đăng ký miễn trừ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy…
Sau khi lắng nghe những ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các nhóm chuyên môn cần cung cấp thêm các thông tin có liên quan để xin ý kiến Ban soạn thảo về những nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau để cùng thống nhất, làm cơ sở cho việc hoàn thiện Dự thảo Nghị định.
Đồng thời, Tổng cục Môi trường và các nhóm chuyên môn phải tập trung cao độ để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Nghị định gửi Bộ Tư pháp thẩm định, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, khả thi, đồng bộ, chuyển tải đầy đủ quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
“Đảm bảo trình Chính phủ hồ sơ Dự thảo Nghị định đúng tiến độ, để Nghị định được ban hành và có hiệu lực thi hành cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật Bảo vệ môi trường 2020, góp phần đưa các chính sách mới của Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo.
Thứ trưởng mong muốn các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục phát huy trách nhiệm, trí tuệ, nghiên cứu, cho ý kiến hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Nghị định.