Vai trò, hiện trạng phát triển ngành công nghiệp sinh học trong bảo vệ môi trường tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp
Trong những năm qua, công nghệ sinh học (CNSH) ở Việt Nam đã có những tiến bộ nhanh và hiện đang từng bước tiến lên quy mô công nghiệp.
Từ giai đoạn 1995 - 2000, Nhà nước đã đầu tư khoảng 80 tỷ đồng để tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật. Trung bình mỗi phòng thí nghiệm về CNSH được đầu tư từ 3-5 tỉ đồng. Từ năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đầu tư xây dựng 16 phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) trong đó có 5 phòng thí nghiệm trọng điểm về CNSH với kinh phí bình quân trên 50 tỉ đồng/phòng. Một số trường đại học đã được trang bị một số thiết bị hiện đại như: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ĐH Cần Thơ, ĐH Huế...
Ngoài ra, cả nước đã hình thành mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu và các phòng thí nghiệm về CNSH gồm: 6 PTNTĐ quốc gia về CNSH và 4 PTNTĐ mới; 3 Trung tâm CNSH quốc gia (Bắc, Trung, Nam); Các bộ/ngành: 25 phòng thí nghiệm. Hầu hết các địa phương đều có các Trung tâm CNSH.
Mặc dù vậy, trong gia đoạn hiện nay, công tác đầu tư về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm CNSH cũng như các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu triển khai ứng dụng trong lĩnh vực BVMT còn rất hạn chế. Việt Nam chưa có các phòng thí nghiệm CNSH chuyên sâu, chuyên đề trong lĩnh vực BVMT nên các sản phẩm khoa học, CNSH trong BVMT còn hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, ứng dụng thực tiễn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn CNSH trong lĩnh vực BVMT còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
Hiện trạng về các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BVMT
Theo Tổng cục Thống kê (2015 và 2019), công nghiệp Việt Nam được phân loại thành 4 nhóm ngành, ngành công nghiệp môi trường thuộc nhóm ngành “Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải” bao gồm 4 ngành: (1) Khai thác, xử lý và cung cấp nước; (2) Thoát nước và xử lý nước thải; (3) Thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu; (4) Xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác, trong đó số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường trên cả nước tăng từ 1125 năm 2015 lên 2347 doanh nghiệp vào năm 2019.
Bảng 1. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường (Số liệu TCTK, 2015 và 2019)
Năm | Nhóm ngành, ngành công nghiệp môi trường | Tổng số | |||
Khai thác, xử lý và cung cấp nước | Thoát nước và xử lý nước thải | Thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu | Xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác | ||
2015 | 381 | 170 | 547 | 27 | 1125 |
2019 | 665 | 411 | 1187 | 84 | 2347 |
Số doanh nghiệp hoạt động theo quy mô vốn: Tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường là 1125 doanh nghiệp năm 2015 và tăng lên hơn gấp đôi là 2347 doanh nghiệp năm 2019. Doanh nghiệp được phân bố theo quy mô vốn như trong Bảng 2.
Bảng 2. Số lượng doanh nghiệp theo quy mô vốn
Năm | Quy mô vốn (tỷ đ.) | Nhóm ngành, ngành công nghiệp môi trường | Tổng số | |||
Khai thác, xử lý và cung cấp nước | Thoát nước và xử lý nước thải | Thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu | Xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác | |||
2015 | < 0,5 | 37 | 16 | 91 | 1 | 145 |
0,5 – 1,0 | 54 | 24 | 47 | 7 | 132 | |
1,0 – 5,0 | 87 | 68 | 149 | 11 | 315 | |
5,0 - 10 | 35 | 27 | 60 | 2 | 124 | |
10 - 50 | 51 | 25 | 120 | 0 | 196 | |
50 - 200 | 58 | 8 | 57 | 5 | 128 | |
200 - 500 | 39 | 1 | 12 | 1 | 53 | |
> 500 | 20 | 1 | 11 | 0 | 32 | |
Tổng số | 381 | 170 | 547 | 27 | 1125 | |
2019 | < 0,5 | 54 | 37 | 121 | 8 | 220 |
0,5 – 1,0 | 50 | 48 | 105 | 7 | 210 | |
1,0 – 5,0 | 176 | 176 | 377 | 35 | 764 | |
5,0 - 10 | 73 | 62 | 151 | 16 | 302 | |
10 - 50 | 132 | 57 | 236 | 9 | 434 | |
50 - 200 | 83 | 24 | 137 | 6 | 250 | |
200 - 500 | 51 | 3 | 36 | 2 | 92 | |
> 500 | 46 | 4 | 24 | 1 | 75 | |
Tổng số | 665 | 411 | 1187 | 84 | 2347 |
Bối cảnh về kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ môi trường của Việt Nam (theo danh mục phân loại hàng hóa và dịch vụ môi trường của APEC) giai đoạn 2010 - 2015 cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 20% năm và doanh số tăng từ 2,7 tỷ USD vào năm 2010 và đạt 5,3 tỷ USD vào năm 2015. Trong đó, thị phần của các hàng hóa và dịch vụ môi trường của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10 - 15%. Các doanh nghiệp CNgSH mặc dù còn hạn chế về số lượng lẫn quy mô, vốn điều lệ ít, nhưng bước đầu đã có bước chuyển dịch số lượng các doanh nghiệp có vốn nhỏ giảm và tăng số lượng các doanh nghiệp có vốn lớn (doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn dưới 5 tỷ đồng từ 52,6% năm 2015 giảm xuống 50,8% năm 2019, số lượng doanh nghiệp quy mô lớn, vốn trên 500 tỷ đồng chỉ chiếm khoảng 2,8% năm 2015 tăng lên 3,1% năm 2019). Các doanh nghiệp CNgSH chủ yếu tập trung ở lĩnh vực dịch vụ, trong khi rất thiếu các doanh nghiệp mạnh để giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước. Các sản phẩm, thiết bị cung cấp ra thị trường chủ yếu là các sản phẩm cơ khí, chế tạo đơn giản, trình độ thấp, doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư cho nghiên cứu phát triển, hoàn thiện sản phẩm, sáng tạo công nghệ. Nền công nghiệp còn non yếu này hàng năm mới chỉ đáp ứng được 5 % tổng nhu cầu XLNT đô thị, chế biến và tái chế khoảng 15 % nhu cầu CTR và 14 % nhu cầu xử lý chất thải nguy hại. Trong đó, cơ cấu doanh nghiệp môi trường không đồng đều trong các lĩnh vực môi trường, có tới 48,6 % (năm 2015) và 50,6 % (năm 2019) số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý và tiêu hủy chất thải, tái chế phế liệu và 33,8 % (năm 2015) và 28,3% (năm 2019) trong lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước. Chỉ có 15 % (năm 2015) và 17,5 % (năm 2019) số doanh nghiệp đăng ký trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải và có 2,4 % (năm 2015), 3,5 % (năm 2019) đăng ký hoạt động xử lý ô nhiễm và các hoạt động quản lý chất thải khác.
Hiện nay, năng lực ngành công nghiệp môi trường mới đáp ứng được từ 2% đến 3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị; 15% nhu cầu xử lý CTR; khoảng 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại; nhiều lĩnh vực tái chế như dầu thải, nhựa phế thải, chất thải điện, điện tử… hầu như chưa phát triển. Trong khi đó, việc thu hút các nguồn vốn đầu tư vào phát triển công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu của xã hội. Lĩnh vực dịch vụ môi trường vẫn dựa chủ yếu vào kinh phí cấp từ nguồn ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ xử lý nước thải đô thị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp CNgSH môi trường ở Việt Nam chưa thực sự gắn liền với sự phát triển nghiên cứu khoa học, cũng như những thành tựu khoa học và công nghệ đạt được trong và ngoài nước. Điều này đã làm ngành công nghiệp môi trường nước ta giảm năng lực cạnh tranh, khiến mức độ lệ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài càng lớn do thiếu nguồn lực phát triển.
Như vậy, ngành công nghiệp môi trường Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển, đóng góp trong tổng sản lượng công nghiệp cũng như GDP còn khiêm tốn kể cả so với mức trung bình của thế giới và với chính các ngành công nghiệp Việt Nam. Điều đó cho thấy, sự nghiệp BVMT ở nước ta mới đáp ứng ở mức rất thấp so với nhu cầu; nhu cầu về công nghiệp môi trường là rất lớn, dư địa để phát triển còn nhiều.
Đề xuất giải pháp phát triển ngành CNSH ở nước ta
Về cơ chế, chính sách: Cần xây dựng cơ chế thúc đẩy chuyển giao các tiến bộ khoa học; ưu đãi, khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng CNSH; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển CNgSH; thu hút và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển CNgSH; ưu đãi, trọng dụng nhân tài về CNSH, thuế, đất đai, vay vốn, hỗ trợ chuyển giao, nhập khẩu công nghệ và bí quyết công nghệ, phát triển thị trường công nghệ tiên tiến từ nước ngoài cho các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển ngành CNgSH trong lĩnh vực môi trường; liên doanh hoặc doanh nghiệp liên kết giữa đơn vị trong nước với đối tác nước ngoài; chính sách về đầu tư công tư trong quá trình triển khai nhiệm vụ đầu tư nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu, phát triển CNgSH trong lĩnh vực môi trường.
Về xây dựng và phát triển CNgSH: Đối với hoạt động triển khai các nhiệm vụ KH&CN còn chưa tập trung, dàn trải; kinh phí cấp cho triển khai các nhiệm vụ KH&CN hàng năm từ ngân sách nhà nước còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo chuỗi để hoàn thiện triệt để công nghệ, sản phẩm thúc đẩy thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hoạt động chuyển giao, ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống: Các thủ tục, quy định pháp lý và lợi ích của các bên liên quan trong hoạt động chuyển giao công nghệ còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa người mua và người bán công nghệ, thiếu quy hoạch và chiến lược; năng lực tiếp nhận công nghệ của các tổ chức, cá nhân trong nước còn yếu. Do vậy, cần thiết phải thành lập các trung tâm, đơn vị kết nối hỗ trợ doanh nghiệp (công lập, tư nhân) để tổ chức chuyển giao công nghệ có hiệu quả.
Tăng cường tiềm lực: Về đào tạo nguồn nhân lực cần có một chương trình tổng thể, đầy đủ, bài bản trong việc phối hợp với các nước có nền CNSH phát triển để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam; triển khai đào tạo ngắn hạn tại các nước có nền CNSH phát triển để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ khoa học công nghệ đã có bằng tiến sĩ, thạc sĩ; nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Trình độ các công nghệ: Cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ hiện đại sản xuất các sản phẩm CNgSH BVMT; ưu tiên ứng dụng kết quả nghiên cứu CNSH hiện đại, đồng bộ trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường ứng dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với đặc thù của ngành BVMT, ứng dụng sinh học, CNSH trong xử lý môi trường.
Nguyễn Thị Thiên Phương, Phạm Thị Kiều Oanh, La Trần Bắc, Trần Quốc Trọng
Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Môi trường
Phí Quyết Tiến
Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm khoa học Việt nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2021)