Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường: Lan toả nhiều cách làm hiệu quả
Bảo vệ môi trường (BVMT) đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Vì thế, phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác này, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực tham gia nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa với nhiều mô hình mang lại tính khả thi, hiệu quả thiết thực.
Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên phụ nữ trong việc giữ gìn môi trường sống, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Phong trào “Ngày chủ nhật xanh” đi vào nền nếp
Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò chủ trì tham mưu và là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động triển khai phong trào “Ngày chủ nhật xanh” tại cộng đồng dân cư. Phong trào đã nhận được sự phối hợp thống nhất hành động của các hội, đoàn thể, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia.
Phong trào đến nay đã được triển khai có bài bản, cụ thể, với 177/177 cơ sở và 1.609/1.609 chi hội duy trì thực hiện, góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư, làm thay đổi diện mạo các thôn bản, khu phố thêm xanh, sạch, đẹp.
Giai đoạn 2016-2021, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tổ chức trên 35.000 kỳ “Ngày chủ nhật xanh” với 987.890 lượt người tham gia, đã tổng vệ sinh 25.145 lượt công trình, định kỳ làm sạch 75.215km đường thôn/khu; duy trì 725 đoạn đường “xanh, sạch, đẹp” do phụ nữ làm nòng cốt; xây dựng 45ha vườn hoa, chăm sóc 120.000 tuyến đường hoa, bức họa, cây cảnh.
Từ phong trào, hội phụ nữ một số địa phương đã sáng tạo thực hiện nhiều hoạt động, hiệu quả trong công tác BVMT, như: “Con đường từ nhà tới trường không rác thải”, “CLB Phụ nữ tình nguyện bảo vệ môi trường”; “Chi hội, tổ phụ nữ văn minh”, tuyến đường kiểu mẫu; xây dựng tiêu chí chấm điểm xếp loại xây dựng nếp sống ăn ở hợp vệ sinh hộ gia đình... Các nội dung trên đã góp phần tích cực trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại các địa phương.
Hội phụ nữ cấp cơ sở còn tổ chức những đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường vào các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Môi trường thế giới (5/6). Tại các địa phương có biển, hội phụ nữ cơ sở thường xuyên phối hợp tổ chức “Chiến dịch hãy làm sạch biển”; duy trì hoạt động của 276 tổ và 2 HTX vệ sinh môi trường để thu gom rác nơi công ty môi trường không thực hiện thu gom, để đảm bảo tất cả các tuyến đường đều được thu gom rác.
Đồng thời, vận động hội viên, người dân tham gia các hoạt động biến các bãi rác tự phát, khu đất trống thành vườn hoa công cộng của thôn, xóm, khu phố; đã giải phóng 133 bãi rác phát sinh, vận động xã hội hóa 45.245 thùng rác để phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình.
Hỗ trợ xây dựng "gia đình 3 sạch”
Phong trào “Ngày chủ nhật xanh” đã được các cấp hội phụ nữ tỉnh triển khai gắn với thực hiện tiêu chí “3 sạch” trong thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) và được mở rộng phạm vi, nội dung thực hiện, trở thành phong trào thi đua của các cơ sở hội.
Thông qua các mô hình: “Phân loại rác thải tại gia đình”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, “Biến rác thành tiền” được triển khai trong các cấp hội đều đã cụ thể hóa, phát huy rõ nét hoạt động hỗ trợ xây dựng "gia đình 3 sạch”.
Nhằm hạn chế số lượng rác thải ra môi trường, trong 5 năm qua các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tổ chức 105 lớp tập huấn kiến thức BVMT, phòng chống rác thải nhựa; kỹ thuật phân loại rác thải 3R, kỹ năng vận động và hướng dẫn phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình cho 10.495 cán bộ chi, tổ, hội viên nòng cốt các đoàn thể khu dân cư và hội viên phụ nữ. Qua đó, vận động, hướng dẫn thực hiện phân loại rác thải tại gia đình và hướng dẫn triển khai mô hình “Biến rác thành tiền”, mô hình “Ủ phân Compost” cho nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ.
Đến nay, toàn tỉnh có 155/177 cơ sở hội, 890/1.609 chi hội của 12/13 Hội LHPN cấp huyện thành lập mô hình, có sản phẩm từ mô hình, thực hiện phân loại rác thải tại gia đình; tiêu biểu là TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TP Uông Bí...
Tại một số cơ sở hội, mô hình “Biến rác thành tiền” đã trở thành hoạt động hỗ trợ giúp đỡ gia đình hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có việc làm, tăng thu nhập, giải quyết khó khăn trong cuộc sống thông qua hình thức “cho - tặng rác”. Tại Hội LHPN TP Hạ Long với mô hình “Làm sản phẩm từ rác thải tái chế” tại các phường Hà Phong, Hà Trung, Hà Khẩu; mô hình “Gạch sinh thái” đã làm được 20.115 viên từ túi nilon, chai nhựa phế thải, xây dựng 117 chiếc bàn, ghế, bồn hoa, vườn hoa công cộng...
Bên cạnh đó, mô hình "Ủ rác thành phân hữu cơ" được thí điểm tại TP Hạ Long, TP Móng Cái, huyện Vân Đồn, huyện Hải Hà, huyện Ba Chẽ đạt được hiệu quả tích cực. Tiêu biểu, Hội LHPN TP Móng Cái từ khi triển khai đến nay đã vận động 5.000 hội viên tham gia; 548 hộ ủ được gần 55 tấn phân hữu cơ/tháng để bón cho cây trồng; Hội LHPN TP Hạ Long tái chế trên 200 tấn rác hữu cơ, tạo ra 163 tấn sản phẩm sau ủ; tiết kiệm chi phí mua phân hóa học khoảng 76 triệu đồng...
Với sự phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung trong công tác tuyên truyền, cùng với những hoạt động hiệu quả, thiết thực, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tạo nên phong trào BVMT có sức lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân. Các hoạt động không những góp phần giữ gìn môi trường sống, mà còn xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp thiết thực trong phong trào phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.