Hà Nội ban hành Kế hoạch Tăng cường bảo vệ môi trường đến năm 2025
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4968/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025.
Quyết định nhằm mục đích đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện.Tập trung nguồn lực lớn, có trọng điểm của nhà nước và đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội cho công tác bảo vệ môi trường, cấp nước sạch nông thôn và đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Hướng tới phát triển nên nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân khu vực nông thôn Thủ
Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tài chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định; Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 100% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định; Ít nhất 15% số hộ nông thông có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lỳ bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 100% chất thải rắn và 50% nước thải sản xuất của các làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận được thu gom và xử lý theo quy định; Ít nhất 35% số huyện có đề án cải tạo chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng và có mô hình xây dựng hoặc cải tạo cảnh quan ao hồ; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm …
Tăng cường quản lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề
Hà Nội tiếp tục thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề theo các Quyết định của UBND Thành phố, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; Khuyến khích đầu tư, nâng cấp, xây dựng và vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn tại các làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; đưa vào danh sách kêu gọi đầu tư đối với danh mục xây dựng các trạm xử lý nước thải làng nghề tại các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, các hộ sản xuất, kinh doanh về bảo vệ môi trường làng nghề; Hướng dẫn các làng nghề xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, các biện pháp công nghệ đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Rà soát tổng thể Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô
Theo kế hoạch, Hà Nội rà soát tổng thể Quy hoạch xử lý chất thải rắn để tích hợp trong điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đầu tư đồng bộ về hạ tầng để thực hiện công tác phân loại rác thải tại nguồn; Có lộ trình ưu tiên áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhằm giảm thiểu tỷ lệ chất thải phải chôn lấp.Tổ chức mạng lưới thu gom triệt để và hiệu quả; Xây dựng mô hình thu gom, vận chuyển rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường theo các hướng tuyến vận chuyển phù hợp. Đầu tư các trạm trung chuyển kết hợp với phân loại rác thải sơ bộ hoặc ép giảm thể tích trước khi vận chuyển tới nơi xử lý, tái chế tập trung của huyện hoặc của Thành phố. Xây dựng, triển khai và hoàn thiện mô hình liên kết thị trường để thu hồi, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tái sử dụng từ chất thải (như sản phẩm phân bón hữu cơ...). Hỗ trợ đầu tư xây dựng từ 01 - 02 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện hoặc liên huyện, áp dụng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị, chế phẩm sinh học để thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt hộ gia đình. Khuyến khích nghiên cứu khoa học - công nghệ, đầu tư cho tái chế chất thải nhằm tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng chất thải và coi chất thải là một nguồn tài nguyên.
Ngoài ra, tại kế hoạch còn đề cập đến một số nội dung cần thực hiện như bao gói bảo vệ thực vật, nước thải sinh hoạt, cảnh quan nông thôn, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, cấp nước sạch nông thôn.
Để triển khai kế hoạch, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Kế hoạch triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết.