Công nghệ hiện đại giúp cải thiện môi trường
Công nghệ hiện đại giúp cải thiện môi trường
PV: Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường của EVN?
Ông Ngô Sơn Hải: Trong những năm gần đây, với sự quan tâm của xã hội ngày càng lớn về vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT), EVN đã chủ động trong đầu tư nguồn lực cả về cơ sở vật chất, kỹ thuật và con người, qua đó đã có những kết quả khả quan. Việc tiếp thu được công nghệ mới để đưa các bộ lọc bụi tĩnh điện của nhà máy nhiệt điện than vào vận hành ngay từ thời điểm đốt lò đã tránh được khói bụi phát sinh vào thời điểm khởi động lò máy. Hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt dùng cho tưới tro xỉ thải tại hai nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1 cũng đã được vận hành tốt. Đây là nỗ lực rất lớn của các nhà máy vì các khu vực này là khu vực khô hạn, ít mưa, nguồn nước ngọt thiếu. Nếu có đủ nước ngọt sẽ hạn chế bụi phát tán, tiếp tục sử dụng được tro xỉ làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng, giảm bớt chất thải rắn tồn đọng.
Ngoài ra, EVN cũng đã bắt đầu thử nghiệm công nghệ siêu tưới hạn cho Nhà máy điện Duyên Hải 3 mở rộng với đặc điểm hiệu suất cao, phát thải thấp, thân thiện hơn với môi trường. Đây là dự án nhà máy nhiệt điện đầu tiên ở Việt Nam với quy mô lớn (công suất tổ máy 600MW) bước đầu áp dụng công nghệ này.
Các dự án điện của EVN đều được lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và được duyệt trong giai đoạn dự án đầu tư và là cơ sở để thực hiện, kiểm tra, giám sát suốt vòng đời của dự án. Tất cả dự án thủy điện của EVN đều thực hiện tốt công tác đền bù tái định cư, trồng rừng tái tạo cảnh quan, thực hiện xả dòng chảy môi trường, tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, đảm bảo nước cho nhu cầu dân sinh, nông nghiệp, thủy sinh tại các khu vực hạ lưu bị ảnh hưởng. ENV cũng đã triển khai xác định các dự án có tiềm năng xây dựng theo cơ chế phát triển sạch (CDM) và phối hợp với các đối tác xây dựng các dự án theo cơ chế CDM như: Thủy điện Đồng Nai 4; Thủy điện Trung Sơn và dự án 1 triệu bóng đèn compact (của Tổng công ty Điện lực miền Nam). Trong đó dự án 1 triệu bóng đèn Compact đã thu được hơn 1 tỷ đồng tiền bán Chứng chỉ và dự án Đồng Nai 4 đang sắp sửa được cấp chứng chỉ. Ngoài ra, EVN còn xây dựng được Hệ thống quản lý môi trường thống nhất xuyên suốt, toàn Tập đoàn. Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc Quy chế bảo vệ môi trường của EVN.
Để bảo vệ môi trường cần tuân thủ nguyên tắc
PV: Trong công tác BVMT, đặc biệt là môi trường tại các nhà máy nhiệt điện, nguyên tắc xuyên suốt của Tập đoàn là gì, thưa ông?
Ông Ngô Sơn Hải: Lãnh đạo Tập đoàn đã quán triệt, chỉ đạo xuyên suốt từ Tập đoàn, đến các thành viên, đơn vị liên doanh, liên kết của EVN là trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản phải hoàn thiện thủ tục môi trường trong quá trình triển khai các hoạt động đầu tư dự án. EVN luôn phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác di dân, đền bù, tái định cư, trồng bù rừng trong việc phát triển thủy điện. Các chỉ tiêu kỹ thuật, các dự án đầu tư mới của EVN đều tuân thủ nghiêm túc yêu cầu về BVMT.
Đối với dự án nhiệt điện phải tuân thủ tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trang bị các thiết bị xử lý môi trường mới, có hiệu suất cao để lọc bụi, khử khí ni tơ, lưu huỳnh; trang bị hệ thống quan trắc khí thải tự động nhằm hoàn thiện công tác giám sát chất lượng môi trường khu vực sản xuất.
Trong giai đoạn xây dựng công trình, các Ban QLDA nghiêm túc tuân thủ yêu cầu báo cáo đánh giá tác động môi trường về kiểm soát môi trường như: Bụi, tiếng ồn, ô nhiễm nước, xói mòn đất... Định kỳ các ban QLDA thuê các đơn vị tư vấn tiến hành đo đạc, đánh giá công tác quản lý môi trường, chất lượng môi trường tại các công trình và nộp báo cáo về cho cơ quan quản lý môi trường tại địa phương. Hàng năm, các nhà máy điện, dự án nguồn điện, đường dây, trạm do EVN quản lý đều thực hiện cam kết đã được phê duyệt trong Hồ sơ môi trường như công tác giám sát, đo đạc chất lượng môi trường... Kết quả đo đạc, giám sát được báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương theo quy định.
Nhiều giải pháp cho nhiệt điện “xanh”
PV: Hiện dư luận còn e ngại về tác động môi trường của các nhà máy nhiệt điện, Vậy, EVN có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Ông Ngô Sơn Hải: Tất cả các nhà máy nhiệt điện của EVN đều được lập, trình và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động đến môi trường. Các biện pháp BVMT như khí thải, nước thải tại các nhà máy nhiệt điện than đều đạt quy chuẩn môi trường trước khi hòa nhập vào môi trường tiếp nhận đã được các Hội đồng chuyên ngành, các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và môi trường kiểm tra.
Trước khi đi vào vận hành chính thức các nhà máy của EVN đều thực hiện thủ tục kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành dự án tốt công tác BVMT. Ngoài máy móc, thiết bị tốt cũng cần có hệ thống cán bộ, công nhân viên hiểu về các quy định của pháp luật về BVMT. Bên cạnh việc phải liên tục duy trì hoạt động ổn định, tin cậy, có hiệu quả của các thiết bị xử lý nước thải, khí thải, EVN cũng đồng thời đào tạo cán bộ, công nhân viên tuân thủ các quy định của Luật BVMT trong công tác quản lý môi trường nói chung, quản lý chuyển giao chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại nói riêng. Công tác liên quan đến khai báo, đăng ký hồ sơ, lập các báo cáo định kỳ và đột xuất được thực hiện đúng thời điểm.
Đối với các nhà máy nhiệt điện than cũ như Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại 1... EVN đã hoàn thành việc thay thế toàn bộ các thiết bị lọc bụi tĩnh điện với hiệu suất cao; cải tiến vòi đốt nhằm giảm phát thải khí và nâng cao hiệu suất đốt (Công ty Nhiệt điện Uông Bí, Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình, Phả Lại).
Thời gian gần đây, để có thể tận dụng được tro, xỉ thải tại các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp… Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (Tổng công ty Phát điện 1) đã ký hợp đồng tiêu thụ tro, xỉ với 03 doanh nghiệp để tiêu thụ tro xỉ của NMNĐ Duyên Hải 1; Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Tổng công ty Phát điện 3) đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư Mãi Xanh bao tiêu tro, xỉ trong cả đời dự án. Bên cạnh đó, EVN cũng tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng trong quá trình xây dựng “Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hoá chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu của Đề án này là đến năm 2020 sẽ tái sử dụng được ít nhất 60% tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện.
Ngoài ra, EVN cũng đang tích cực cùng với các chuyên gia của Viện Khoa học công nghệ xây dựng và tài trợ việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về “Thử nghiệm ứng dụng tro, xỉ để gia cố nền đất yếu”. Kết quả của đề tài sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng 2 QCVN về tiêu chuẩn “Sử dụng tro xỉ nhiệt điện trong san nền cho nền công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật” và “Yêu cầu kỹ thuật vật liệu tro xỉ dùng cho san nền và gia cố nền”.
PV: Để hài hòa giữa nhu cầu năng lượng và bảo vệ môi trường bền vững, EVN sẽ tập trung phát triển sản xuất điện như thế nào, thưa ông?
Ông Ngô Sơn Hải: Việc xây dựng và phát triển luôn mang đến những thách thức to lớn đối với môi trường. Để hài hòa cân bằng giữa phát triển và BVMT cần sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan. Trên cương vị là Chủ đầu tư của nhiều công trình nguồn và lưới điện, EVN sẽ thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường như: Xây dựng hệ thống quản lý môi trường thống nhất trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kiện toàn bộ máy, nhân lực được trang bị tốt kiến thức về BVMT, về Luật BVMT để hoàn thành các công việc liên quan đến BVMT; Hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình lập quy hoạch, phê duyệt dự án, xây dựng hành lang pháp lý cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản cũng như công tác BVMT. Làm tốt công tác phối hợp với các Bộ/ngành sẽ giảm được những vấn đề bất cập trong thực hiện quy hoạch, các dự án đầu tư, tuân thủ tốt được Luật BVMT và các Luật liên quan khác.
Việc nghiêm túc tuân thủ Luật BVMT cũng được EVN chú trọng như đầu tư các thiết bị xử lý môi trường, khí thải, nước thải đạt các QCVN; không để xảy ra sự cố môi trường; quản lý tốt chất thải rắn và chất thải nguy hại; thực hiện công tác giám sát môi trường trực tuyến và định kỳ; có đầy đủ các giấy phép liên quan trong quá trình vận hành; nộp đầy đủ các loại thuế và phí; Thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật về BVMT, nâng cao kiến thức về BVMT cho tất cả các cán bộ và công nhân viên trong ngành; Thực hiện, tuyên truyền chương trình tiết kiệm điện, giảm tổn thất, phát triển năng lượng tái tạo, các chương trình phát triển xanh, sạch.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!