Nhiều điểm nóng về môi trường được điều tra xử lý
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào cuộc để làm rõ hiện tượng cá nuôi lồng bè chết hàng loạt tại khu vực biển thuộc xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa;
Vụ việc Công ty TNHH Chin Well Fasteners Việt Nam tại tỉnh Đồng Nai chôn lấp bùn thải trái phép;
Vụ việc Công ty Cổ phần DAP Đình Vũ, Hải Phòng thải chất thải rắn thạch cao chứa photpho cực độc với khối lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
Vụ việc Công ty TNHH Gạch men Hoàng Gia tại KCN Mỹ Xuân A, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành có hành vi thải khói, bụi gây ô nhiễm môi trường không khí kéo dài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân trong khu vực;
Vụ việc cơ sở tái chế nhựa trái phép tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng gây ô nhiễm môi trường;
Vụ việc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên xử lý và chế biến chất thải Phú Thọ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;
Tình trạng ô nhiễm môi trường do các trang trại chăn nuôi trong khuôn viên đất Tiểu đoàn 26 và Trung đoàn 916 tại huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội;
Vụ việc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Môi trường Ánh Dương (Đà Nẵng) chôn lấp chất thải trái phép;
Vụ việc dự án “Xây dựng Nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm” của Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam và “Nhà máy bột giấy tẩy trắng công suất 330.000 tấn năm” của Công ty TNHH Nhà máy bột giấy Lee & Man Việt Nam có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, đối với sự cố gây hải sản chết hàng loạt tại 04 tỉnh miền Trung, sau khi đã xác định được nguyên nhân, thủ phạm gây ra sự cố, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung giám sát chặt chẽ hoạt động của Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh; triển khai tốt các hoạt động khắc phục, cải tạo, phục hồi môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông qua việc xử lý các vấn đề nóng, nổi cộm về môi trường trong thời gian vừa qua, Bộ đã từng bước xây dựng và hoàn thiện quy trình xử lý các vấn đề môi trường nóng, bức xúc, nổi cộm theo chức năng và phạm vi xử lý của từng đơn vị.
Quyên Lưu