Xúc tiến thương mại na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2021
Đây là hoạt động thiết thực góp vào việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và nêu cao tinh thần “Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt” của người tiêu dùng.
Hội nghị trực tuyến “Xúc tiến thương mại sản phẩm na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2021” diễn ra sáng 19/7 với 2 điểm cầu chính Hà Nội và Lạng Sơn, cùng với sự tham dự và chứng kiến của 7 điểm cầu khác là Thanh Hóa, Hải Phòng, Hưng Yên, Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang. Hội nghị nhằm hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đồng thời đóng góp vào việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và nêu cao tinh thần “Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt” của người tiêu dùng.
Na Chi Lăng nổi tiếng vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, khi chín có mẫu mã đẹp, ăn ngon, lượng hạt ít cùi nhiều, hàm lượng đường, chất dinh dưỡng cao. Với giá bán như hiện nay, nhiều nhà vườn có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Lý Việt Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, vùng sản xuất na tập trung tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng trên 3.500ha, trong đó hơn 400ha na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tổng giá trị sản xuất ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, bình quân thu nhập trên 1ha canh tác na đạt 275 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, Lạng Sơn còn có vùng sản xuất rau tập trung tại thành phố và các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Quan, Bình Gia; vùng sản xuất hồng tại các huyện: Văn Lãng, Cao Lộc; vùng cây thạch đen tại các huyện Tràng Định, Bình Gia, diện tích trên 3.000ha, sản lượng ước đạt 10.000 tấn, giá trị đạt khoảng 250 tỷ đồng/năm. Vùng sản xuất quýt tại các huyện: Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn với diện tích 1.400ha, giá trị thu được gần 100 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó nhằm đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu, các sản phẩm nông sản của tỉnh Lạng Sơn đã được cấp mã số vùng trồng cho 12,18ha chuối tại Văn Lãng, 40ha na tại Chi Lăng; 60ha thạch đen tại huyện Tràng Định, 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục triển khai hỗ trợ cấp mã số cho 115 vùng trồng thạch đen tại các huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng.
Năm nay, do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát khiến đầu ra nông sản nói chung và na Chi Lăng nói riêng gặp khó. Đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt thông qua hình thức bán hàng online được tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh triển khai. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng bản đồ số và cửa hàng số đối với mặt hàng na Chi Lăng để sản phẩm có thể đi trực tiếp từ người bán đến người tiêu dùng.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển nông sản - nhận định, năm 2020, sản lượng na Chi Lăng là 210 nghìn tấn, năm 2021 sản lượng tăng lên khoảng 240 nghìn tấn. Đây là sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương có uy tín và được nhiều người biết đến. Năm 2011, sản phẩm na Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục đặc sản na Chi Lăng của tỉnh Lạng Sơn lọt top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện việc thu hái và tiêu thụ na Chi Lăng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do, thu hoạch chủ yếu tập trung, khó bảo quản tươi, chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa đưa vào xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến chuỗi cung ứng nông sản gặp khó khăn. Tuy nhiên, với việc đa dạng và chủ động các hình thức xúc tiến thương mại, thay đổi phương thức bán hàng đi vào chiều sâu, sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh trong tình hình mới, na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn sẽ có đầu ra ổn định.
Tại hội nghị, các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso đều cam kết sẽ có những hỗ trợ truyền thông, hướng dẫn quy cách bao gói, bảo quản sản phẩm, xây dựng thương hiệu, vận chuyển và bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là hỗ trợ người nông dân trong hoạt động livestream bán hàng, đưa sản phẩm đến 63 tỉnh thành trên cả nước cũng như xuất khẩu.
Ông Bùi Quang Tú - đại diện sàn thương mại điện tử Sendo - cho biết, việc bán hàng online khác với bán hàng truyền thống, do đó, phía doanh nghiệp cũng sẽ tư vấn hướng dẫn cho bà con nông dân để đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng. “Bán hàng online chủ yếu cho khách văn phòng, công sở, các đơn hàng mua thường là 5kg, 7kg, 10kg, do đó, chúng tôi hướng dẫn bà con trong khâu đóng gói cũng như hỗ trợ vận chuyển để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng ngon nhất”, ông Bùi Quang Tú nói.
Cùng với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp phân phối, sàn thương mại điện tử và cơ quan chức năng, nhiều ý kiến cho biết, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng cần quan trọng đến phương thức đóng gói, bảo quản, dán tem truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, kết nối nhà sản xuất với nhà cung cấp để có thể đẩy mạnh việc tiêu thụ. Với đồng bộ giải pháp, na Chi Lăng sẽ tiêu thụ được nhiều hơn và mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người trồng.
Trong chương trình Hội nghị còn diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông sản tỉnh Lạng Sơn với chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội về việc bao tiêu sản phẩm.