Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các khoản tín dụng để tận dụng các FTA của Việt Nam
Trong năm 2022, dưới tác động của dịch Covid – 19 làm ảnh hưởng tiêu cực đến cả cung và cầu tín dụng. Tuy nhiên, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợn cho các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tín dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình thực tế, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, minh bạch, tạo dựng môi trường công bằng, tuân thủ đúng các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động triển khai các giải pháp về tín dụng và lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, tạo điều kiện trong tiếp cận vốn tín dụng của khách hàng vay, đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ về tăng cường đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động, tích cực rà soát cơ chế, chính sách, quy trình nội bộ về hoạt động cấp tín dụng nhằm đơn giản hóa thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết, phê duyệt cho vay, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm bớt phiền hà cho khách hàng, từ đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng nhanh chóng tiếp cận tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, phát triển mạng lưới các tổ chức tài chính, công ty tài chính phủ khắp các vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Ngoài ra, nhằm tăng cường đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các địa phương tổ chức 213 chương trình Hội nghị, buổi gặp gỡ, trao đổi, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống Tổ chức tín dụng theo chuẩn mực quốc tế. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung hoán hiện khuôn khổ pháp lý và từng bước tạo lập các cơ sở và hành lang pháp lý quan trọng để hỗ trợ hệ thống ngân hàng hoạtt động an toàn, từng bước áp dụng chuẩn mực quốc tế vào hoạt động ngân hàng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, củng cố lòng tin của người dân sử dụng dịch vụ thực hiện mục tiêu Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ngoài ra, công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều mặt, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra từ đầu năm và góp phần duy trì các tác động tích cực từ các hiệp đinh thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, khẩn trương triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo kiếm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo lập nền tảng và duy trì lòng tin của cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước bao gồm: triển khai đồng bộ các chính sách tiền tệ để điều tiết thanh khoản phù hợp, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Cụ thể trong 8 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhnah và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp từ đó giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Trong hai năm 2020-2021, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, song Ngân hàng Nhà nước và các Tổ chức tín dụng trong nước đã tích cực triển khai các nội dung công việc đề ra trong Kế hoạch thực hiện các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của toàn hệ thống ngân hàng với những kết quả tích cực về phục hồi kinh tế (tăng trưởng GDP năm 2022 ước khoảng 8%), giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô (lạm phát bình quân năm 2022 dự kiến phù hợp với mục tiêu Quốc hội đặt ra); nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống các tổ chức tín dụng; ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh… đã cho thấy các giải pháp của ngành Ngân hàng là đúng hướng, đóng góp vào thành công chung trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các FTA thế hệ mới.