Đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền về Hiệp định CPTPP tới cộng đồng doanh nghiệp
Kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam, Chính phủ đã triển khai các hoạt động phổ biến, tuyên truyền Hiệp định tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Hiệp định cũng xuất hiện một số tồn tại, khó khăn đối với kinh tế, thương mại; Hoạt động tuyên truyền, thông tin và thị trường; Nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực; Chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững… Để xử lý các vấn đề tồn tại, tận dụng tốt hơn nữa những lợi thế của Hiệp định, thời gian tới, Chính phủ dự kiến triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trong kế hoạch thực thi của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, chú trọng các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng và doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách để tạo điều kiện cho việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, giúp doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ của Hiệp định.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp cận các thị trường mới tiềm năng, đẩy mạnh công tác tổng hợp số liệu thực thi, công tác dự báo, đánh giá xu hướng của thị trường các nước CPTPP, từ đó đưa ra các khuyến nghị cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ để thích ứng với bối cảnh mới và xây dựng chiến lược hoạt động trong dài hạn, bền vững cho doanh nghiệp.
Ba là, tăng cường cơ chế phối hợp trong - ngoài nước và giữa các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp về tiếp cận thị trường sở tại, tháo gỡ khó khăn và tận dụng cơ hội của Hiệp định CPTPP.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các quy định của Hiệp định, Chính phủ yêu cầu tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng... với cơ quan chủ trì thực thi FTA trong thực thi các cam kết, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, phổ biến, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh trung lặp, lãng phí.
Đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền, tập trung vào các nội dung cụ thể theo từng ngành hàng, từng lĩnh vực các doanh nghiệp quan tâm, đa dạng cách thức thể hiện để tạo sự hấp dẫn, thu hút và dễ thực hiện.
Tập trung vận hành và nâng cấp cổng thông tin điện tử FTA (FTAP), kết nối với tất cả các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng… để tạo ra một Cổng thông tin một cửa giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và hỗ trợ cần thiết liên quan đến CPTPP nói riêng và các FTA nói chung.
Kiện toàn và tăng cường năng lực cho các bộ phận phụ trách về FTA tại các địa phương để nâng cao khả năng tham mưu trong việc theo dõi và thực thi CPTPP.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam. |