Hà Nội: Kích cầu tiêu dùng nội địa, đổi mới và nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
UBND TP. Hà Nội mới đây đã ban hành Kế hoạch số 298/KH-UBND về kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP. Hà Nội năm 2022.
Theo đó, Kế hoạch tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức chương trình khuyến mại tập trung TP. Hà Nội năm 2022 nhằm thu hút khoảng 1.000 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia thông qua tổ chức các sự kiện của thành phố.
Thành phố cũng sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc tổ chức các chương trình theo kế hoạch của thành phố. Tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng thương mại, nâng cấp cải tạo hệ thống chợ, mở rộng mạng lưới bán hàng, điểm bán hàng, đại lý… Phát triển hệ thống bán lẻ, đặc biệt là hệ thống bán lẻ hiện đại phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Cùng với đó, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị sản xuất kinh doanh và phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các phương thức kinh doanh hiện đại phù hợp với nền kinh tế số và hậu dịch Covid-19. Hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết trong nước, trên địa bàn thành phố. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút các dự án đầu tư thứ phát vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp.
Đồng thời, triển khai hiệu quả kế hoạch kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn thành phố năm 2022, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch thế mạnh của Hà Nội, như: Du lịch di sản, văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao, thương mại; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, hội chợ thu hút người dân, khách du lịch tới Hà Nội.
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, bảo đảm tối đa nguồn cung các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến.... cho người dân sinh sống trên địa bàn gắn với tiếp tục phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, thông tin điện tử sử dụng mã QR code, kiểm soát an toàn thực phẩm và phát triển chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu thụ nông sản an toàn.
Ngoài ra, thành phố thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... Bảo vệ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp, sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; kiểm soát tốt công tác an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa trên địa bàn.