Lâm Đồng: Đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam”, chủ động nguồn hàng dịp Tết Nguyên đán
UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa và tham gia bình ổn thị trường, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam”.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương có kế hoạch đảm bảo mục tiêu bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, ổn định nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết dương lịch năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số.
Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng phải xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo giá cả ổn định, không để tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, vận động, khuyến khích và hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia bình ổn thị trường; theo dõi, kiểm tra và hỗ trợ kịp thời tình hình thực hiện bình ổn thị trường của các thành phần kinh tế, bảo đảm hiệu quả.
Theo Infonet, Lâm Đồng xây dựng kế hoạch sẽ có 28 đơn vị với 103 điểm phân phối hàng hóa, trong đó 3 siêu thị tổng hợp quy mô hạng 2, 13 chợ truyền thống bán lẻ, 1 doanh nghiệp thương mại (3 cửa hàng kinh doanh thực phẩm), 2 chợ đầu mối nông sản, 8 doanh nghiệp xăng dầu (82 cửa hàng bán lẻ xăng dầu), Công ty Điện lực Lâm Đồng, gồm các hệ thống siêu thị và chợ truyền thống và các doanh nghiệp có hệ thống cửa hàng bán lẻ.
Địa bàn triển khai thực hiện bao gồm 12 huyện, thành phố trên toàn tỉnh. Thời gian thực hiện từ ngày 20/12/2021 đến hết ngày 7/2/2022.
Các hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường dịp Tết bao gồm 5 nhóm: Nhóm lương thực, nhóm thực phẩm, nhóm thực phẩm tươi sống, nhóm xăng dầu, điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
UBND tỉnh cũng cho biết, theo dự báo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa phục vụ dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ không tăng so với dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 do dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và thu nhập người dân.
Tổng kinh phí để chuẩn bị nguồn hàng cho 03 nhóm lương thực, nhóm thực phẩm, nhóm thực phẩm tươi sống là 1.700 tỷ đồng.
UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa và tham gia bình ổn thị trường, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn, đưa hàng hóa về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số.
Đồng thời tích cực thanh, kiểm tra, giám sát thị trường với các vấn đề về giá, chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, các hành vi đầu cơ, ghim hàng, tăng giá…
Ngoài ra, các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền chủ trương của nhà nước và địa phương về bình ổn giá, đặc biết đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận đồng “Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam”.