Doanh nghiệp Việt cần cải tiến gì để chinh phục người tiêu dùng?
Tại hội thảo Thông tin về các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa vào chuỗi siêu thị AEON Nhật Bản và nhãn hàng TOPVALU-Kết nối với Đại diện thu mua quốc tế của AEON Nhật Bản do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức mới đây, ông Shito Yuichiro, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON TopValu Việt Nam đã chia sẻ thông tin về xu hướng tiêu dùng của thị trường Nhật Bản; những vấn đề doanh nghiệp (DN) Việt cần cải tiến gì, tập đoàn Aeon mong muốn nhập khẩu những sản phẩm nào của Việt Nam trong thời gian tới.
Hàng Việt sang Nhật tăng nhưng vẫn thua Campuchia
Ông Shito Yuichiro, Tổng giám đốc công ty TNHH AEON TopValu Việt Nam cho biết, gần đây xu hướng trên thế giới đang chuyển vùng sản xuất từ Trung Quốc qua các nước lân cận, đặc biệt hàng may mặc cũng nằm trong xu hướng đó và Việt Nam là quốc gia được hướng đến.
Trong tình hình đó, thị phần xuất khẩu của các nước như Campuchia, Myanmar sang Nhật thông qua Aeon tăng trưởng mạnh. Một số mặt hàng thực phẩm, hàng gia dụng Việt Nam dù có tăng trưởng nhưng không mạnh như các nước xung quanh. Cụ thể, tính về doanh số, năm 2017 tổng giá trị hàng Việt xuất khẩu đạt 246 triệu USD nhưng thị phần vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ hơn các nước Myanmar, Campuchia.
Lí giải điều này, theo ông Shito Yuichiro do Việt Nam là quốc gia nằm trong xu hướng thay đổi vùng sản xuất; thứ hai là các nước như Myanmar, Campuchia nhận được đầu tư nhiều từ các công ty Trung Quốc và nhận hướng dẫn kỹ thuật từ Nhật Bản nên mức tăng trưởng của họ cao hơn.
Thêm vào đó, ở Việt Nam nguyên vật liệu hay sản phẩm phụ trợ phần lớn nhập từ các nước thứ ba như Trung Quốc. Do đó, Việt Nam hiện tại cạnh tranh chủ yếu về chi phí nhân công- đây cũng là điểm yếu của Việt Nam.
Ông Shito Yuichiro cho biết, hiện tại Aeon Nhật Bản đưa ra chính sách sẽ đặt hàng số lượng lớn, nhưng cố gắng mang đến giá cả phải chăng cho người tiêu dùng Nhật. Kết quả doanh số năm 2017 đã chứng minh điều đó.
Vì vậy, Aeon tập trung vào ưu thế cung cấp sản phẩm giá rẻ hơn các nhãn hiệu đối thủ. Nhờ Aeon sản xuất được các sản phẩm ở nước ngoài và nhập về Nhật, nếu so với sản phẩm đối thủ, hàng của Aeon có giá rẻ hơn nhiều. Aeon muốn đẩy mạnh những dòng sản phẩm này.
“Hoặc những sản phẩm nào đạt được các chứng nhận uy tín công nhận từ Nhật, chúng tôi cũng muốn đẩy mạnh nhập khẩu từ nước ngoài”, ông Yuichiro nói.
DN Việt phải thắng trong cạnh tranh quốc tế
Thông tin về một số sản phẩm đang được sản xuất tại Việt Nam và những lưu ý dành cho các DN, ông Yuichiro cho biết hiện tại đối với sản phẩm vali kéo tập đoàn đã chuyển vùng sản xuất từ Đài Loan về Việt Nam. Nếu trong tương lai DN Việt có thể cung cấp đươc linh kiện vật liệu cho sản phẩm này thì số lượng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, sản phẩm túi công sở nam được sản xuất từ Việt Nam nhưng vải phải nhập vải từ Hàn Quốc. Nên nếu Việt Nam tự cung ứng nguyên liệu trong nước để giảm chi phí thì có thể cạnh tranh với các nước Đông Nam Á.
Hay màn (rèm) được sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam chưa cung cấp được loại vải đa dạng nên hiện tại số lượng đặt hàng vẫn chưa đạt như mong muốn. Nếu Việt Nam cung cấp vải đa dạng hơn thì số lượng xuất khẩu sang Nhật sẽ tăng mạnh.
Một thế mạnh của Việt Nam là gỗ. Tuy nhiên đối với kệ gỗ hiện đơn hàng sang Nhật vẫn chưa đạt như mong muốn. Vì một số lí do như số lượng đặt hàng tối thiểu vẫn còn quá lớn so với nhà cung cấp; mẫu mã thiết kế, số lượng, dòng sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng chưa ổn định… nên vẫn còn đang có những điều chỉnh xung quanh mặt hàng này.
Đáng chú ý, hiện tại Aeon sản xuất tấm nhựa trong ở Việt Nam để xuất qua Nhật nhưng có một điều cần lưu ý, nếu DN Việt Nam không cung cấp sản phẩm với chất lượng ổn định hơn thì có khả năng Aeon chuyển trở lại sản xuất ở Trung Quốc. Nếu DN cung cấp được sản phẩm ổn định thì 100% sản phẩm tấm nhựa trong sẽ được sản xuất ở Việt Nam.
Riêng áo sơ mi nam đang được sản xuất tại Việt Nam, từ năm 2016 đến nay khoảng một triệu sản phẩm. Những yếu tố làm nên thành công của sản phẩm này nhờ tốc độ cung cấp nguyên liệu; sự đa dạng của vải giúp Aeon quyết định tăng việc đặt hàng và tăng số lượng đặt hàng xuất khẩu sang Nhật.
Nhật Bản là quốc gia có GDP đứng thứ ba thế giới. Aeon là tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Nhật, như vậy có rất nhiều sản phẩm thương hiệu mạnh của các quốc gia trên thế giới nhập vào Nhật Bản bán tại Aeon. Hiện tại trong các cửa hàng Aeon những sản được trưng bày trên kệ là những sản phẩm đã thắng được trong cuộc cạnh tranh quốc tế này.
DN Việt cố gắng thắng được trong cuộc cạnh tranh quốc tế này. Đơn cử như năm ngoái Aeon Nhật Bản đã nhập khẩu một tấn sản phẩm cá basa sang Nhật. Trước khi hợp tác với Aeon thì sản phẩm này từ Việt Nam chưa được xuất khẩu sang Nhật. Để làm được điều này nhà máy của nhà cung cấp đã thực hiện nhiều cải tiến từ thay đổi thức ăn cho cá, quy trình vận chuyển cá, thao tác làm con cá… đều làm theo hướng dẫn của Aeon.
Hay khi Aeon hợp tác Bộ công thương và Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội tổ chức các buổi giao thương kết nối. Từ năm 2018 đến nay, riêng hàng gia dụng Aeon đã đặt hàng của tám DN Việt Nam với tổng đơn hàng là 1 triệu USD, đây là những đơn hàng đầu tiên thử nghiệm của Aeon.
Để nhận được đơn hàng từ Aeon, nhà máy của các tám DN này đã phải thay đổi, thực hiện nhiều cải tiến để đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu của Aeon" ông Yuichiro kể.
"Tập đoàn Aeon có đặc trưng là khi quyết định đặt hàng và một khi đơn hàng triển khai thì sẽ làm trong thời gian dài. Chúng tôi muốn DN hiểu một điều, cho dù mình đã có sản phẩm tốt thế nào đi nữa, hàng ngày phải suy nghĩ làm gì thêm để cải thiện nó hay không. Nếu sản phẩm ngày cải thiện chất lượng ngày càng cao hơn, lượng đặt hàng ngày càng tăng", ông Yuichiro nhấn mạnh.